Lễ Tạ ơn đời mới

18/12/2014 15:44 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Năm nay cũng trái tính, đúng vào ngày hội gia đình lớn nhất ở Hoa Kỳ thì tiết đông khắc nghiệt ở Đông Bắc đất nước đã nhấn chìm mọi hoạt động công cộng trong biển tuyết. Riêng trong một ngày thứ Tư thì có 600 chuyến bay bị hủy và 2.700 chuyến khác muộn. 300.000 người Mỹ bắt buộc phải ăn tiệc trong ánh nến thơ mộng và xem ti-vi trên smartphone. Chỉ có Nhà Trắng là không được nghỉ.

Ít ai biết đất nước giàu nhất hành tinh này có một mạng lưới truyền điện ở trình độ thế giới thứ ba: bất kỳ ở đâu có gió bão là hàng loạt cột điện bằng gỗ gãy đổ như những que diêm. Như kênh truyền hình WMTW than vãn, tuyết ướt trên đường dây cũng đủ gián đoạn đường tải.

Thứ Tư trước Lễ Tạ ơn

Đây được coi là ngày giao thông quan trọng nhất trong năm, khi ai nấy trở về gia đình để vui vầy bên món gà tây truyền thống và theo Hiệp hội Đường cao tốc AAA có tới 46 triệu người Mỹ ào ạt lên đường với khoảng cách di chuyển trung bình 80 km. Đúng lúc ấy thì một cơn bão tuyết xóa sổ mọi dự định lãng mạn nhất, các phi trường ngừng hoạt động, đường cao tốc ngập tuyết, hàng chục người chết rét. Quân dự bị phải điều công binh đi cứu những ô-tô mắc kẹt trong băng tuyết. Sang thứ Năm thì tình hình đã tốt lên, nhưng vẫn mất điện trầm trọng.


Tổng thống Barack Obama ân xá cho chú gà tây Cheese hôm 26/11/2014

Tạ ơn là một nghĩa cử cao đẹp, diễn ra ở dạng này dạng khác trong mọi nền văn hóa, từ khi loài người còn sống bằng săn bắn hái lượm và có đủ cớ để vui mừng mỗi khi thiên nhiên tình cờ hào phóng ban đủ lương thực. Riêng ở Hoa Kỳ và Canada, lễ Thanksgiving có một truyền thống hơi khác các châu lục còn lại. Vào ngày thứ Năm cuối tháng 11 (Canada lại chọn thứ Hai giữa tháng 10), đây là ngày lễ của toàn dân, mọi người được nghỉ để tưởng nhớ cái thời những người da trắng đầu tiên đến đất này lập nghiệp. Thanksgiving là ngày hội gia đình lớn nhất, tương tự như Tết Nguyên đán của châu Á hay Giáng sinh với người Âu, khi gia đình họp mặt và những người bạn thân nhất được mời đến nhà.

Ngành thương mại dĩ nhiên không quên mục đích chính của mình và kéo dài niềm vui của người dân với thứ Sáu đen (Black Friday) với những cú rầm rộ hạ giá, khiến mọi người dốc cạn hầu bao cho Noel sắp tới. Doanh số của ngày này được coi là phong vũ biểu cho nền kinh tế luôn mang tính trồi sụt.

Chẳng rõ gốc tích

Nếu hỏi chính người Mỹ có lẽ cũng chẳng biết được chính xác nguồn gốc của lễ hội này. Sử sách ngắn ngủi của đất nước này cũng chép từ đủ nguồn khác nhau. Nếu tin vào Francisco Vasquez de Coronado (1510-1554), một kẻ cướp đất đến từ Tây Ban Nha, thì chính ông ta đã tổ chức lễ này đầu tiên, vào ngày 23/5/1541 ở vùng đất hôm nay thuộc về bang Texas.

Sau một hành trình chậm chạp với hàng trăm xe ngựa, thần công... và suýt chết đói, toán quân của ông cướp được vô số lương thực ở thành phố Hawiku, sau đó giảng hòa với dân da đỏ bản địa bằng cuộc liên hoan để đời mang tên Thanksgiving. Lịch sử Hoa Kỳ, như ta biết, bắt đầu bằng những cuộc chinh phạt và cướp bóc dã man, chẳng lạ gì khi người dân hôm nay có trí nhớ không dai lắm.  


Lễ Tạ ơn ở Massachusetts (1621) với người da đỏ trong một tranh sơn dầu

Một lễ hội khác cũng đi vào lịch sử với cái tên mỹ miều Thanksgiving, diễn ra tại St.Augustine (Florida) vào ngày 8/9/1565. Đô đốc Pedro Menendez de Aviles từ Tây Ban Nha mở tiệc này để mừng chuyến đi thuận lợi tới châu lục mới, hay nói đúng ra là cướp được vùng Florida. Ngày ấy Tân thế giới hầu như nằm trong tay Tây Ban Nha. Lễ Tạ ơn đầu tiên của người nói tiếng Anh, chủ nhân chính thức sau này của Bắc Mỹ, có lẽ là ở Newfoundland & Labrador, tỉnh cực Đông Canada, hồi 1587... Nói chung, vào cái thời loạn lạc ấy thì việc chép sử cũng chẳng đáng tin lắm. Ngay cả cái tên gọi Thanksgiving mà hôm nay được cho là xuất phát từ cuộc liên hoan huyền thoại ở Plymouth Rock (Massachusetts) kéo dài 3 ngày giữa những người đi tìm đất mới và dân da đỏ Wampanoag - cũng chỉ là dịch nghĩa từ tiếng địa phương. Vì người da đỏ đã có lễ ấy từ ngàn đời, còn đám thực dân da trắng lẽ ra đã chết đói nếu không nhận được trợ giúp của những nạn nhân mất đất.  


Tuyết ngập đến mái (bang New York cuối tháng 11/2014)

Ngày thứ Năm lịch sử

George Washington là ông chủ tòa Bạch Ốc đầu tiên đứng ra tổ chức Lễ Tạ ơn, vào ngày 3/10/1789. Người kế nhiệm ông sau này, Abraham Lincoln, đổi sang thứ Năm cuối cùng của tháng 11, ngày đó được giữ đến bây giờ.  

Hồi năm 1939, Tổng thống Franklin D.Roosevelt toan chuyển qua thứ Năm áp chót tháng 11 để tăng lượng mua hàng trước Noel (tháng 11 của năm 1939 có 5 ngày thứ Năm!). Do mỗi bang có một quy định khác nhau, từ năm 1941 nghị viện quay trở lại đề nghị của George Washington, lấy ngày thứ Năm thứ 4 của tháng 11. Để có một cuối tuần kéo dài, người ta hay xin nghỉ nốt thứ Sáu. Hầu hết trường phổ thông và đại học cũng nghỉ 4-5 ngày. Cả nước Mỹ chìm đắm trong ăn chơi đập phá, ít ai nhớ rằng những chủ nhân nguyên thủy của vùng đất này không khoái Thanhksgiving lắm. Ta nhớ lại bộ tộc Wampanoag từng nuôi đám kẻ cướp da trắng. Sau cuộc liên hoan nói trên, người Wampanoag chết dần chết mòn vì chiến tranh và những thứ bệnh từ nền văn minh mà người da đỏ chưa có sức đề kháng. Rốt cuộc họ bị dồn vào các khu tập trung như mọi bộ tộc bản địa khác, nếu như chưa tuyệt chủng.  

Theo truyền thống, người ta ưa lặp lại thực đơn ngày xưa và ăn món gà tây. Những năm gần đây trong Nhà Trắng sinh ra tục lệ mới, tên là National Thanksgiving Turkey Presentation. Các tập đoàn công nghiệp tặng tổng thống một con gà tây hoành tráng, và con vật hạnh phúc này được ân xá chứ không bị đút vào lò nướng như hàng triệu đồng loại khác. Năm nay ông Barack Obama cũng phải cố quên đi những cuộc tranh cãi với đảng đối lập để tươi cười trao lại mạng sống cho Mac và Cheese (Mì ống và Phô-mai), quà tặng từ một nông trại Ohio. “Quyết định ân xá là biện pháp hành chính gây tranh cãi nhất trong tháng”, Obama tuyên bố, “nhưng hoàn toàn nằm trong khuôn khổ thẩm quyền của tôi”.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm