Những tiếng hát một thuở: "Hit Maker" Lệ Thu

02/01/2013 13:35 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - Dùng cách nói thịnh hành bây giờ là “người tạo hit” để nói về Lệ Thu hóa ra lại rất thích hợp, bởi sự nghiệp ca hát dường như khá bằng phẳng của nữ danh ca này được rải đều bởi những bài hát đánh dấu những đỉnh cao về nghệ thuật trình diễn ca khúc, không cần phụ trợ bởi những câu chuyện hậu trường ly kỳ đằng sau mỗi bài hát hay với người sáng tác. Đã nửa thế kỷ qua từ ngày một cô gái trẻ bỡ ngỡ bước lên sân khấu hát bài Dang dở cho tới ngày hôm nay, “Thu” vẫn miệt mài “hát cho người”, vẫn đủ sức chinh phục mọi trái tim chỉ bằng giọng hát trời cho tuyệt vời của mình…

Ca sĩ Lệ Thu thời đỉnh cao
Mở đầu băng nhạc Sơn Ca 9 (trong loạt băng nhạc Sơn Ca rất nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975) với tiếng hát Lệ Thu là những lời giới thiệu có cánh như thế này: “Lệ Thu, như cái tên tiền định một đời nghệ sĩ hát bằng nước mắt yêu thương, bàng bạc như tơ sương của khung trời mùa Thu đất Bắc”. Dù hơi sáo rỗng, sến và có thể “dùng chung” cho nhiều ca sĩ khác không nhất thiết phải tên là Thu, nhưng có lẽ những lời này cũng không sai khi nói về Lệ Thu, giọng hát bậc nhất khi đó cả về tài năng trình diễn, giọng hát thiên bẩm và mức độ ăn khách: Nói Lệ Thu hát bằng nước mắt yêu thương bởi bên cạnh một sự nghiệp lẫy lừng là một cuộc sống riêng nhiều buồn hơn vui; còn “khung trời mùa Thu đất Bắc” dù nghe rất mơ hồ nhưng hãy nhớ lại là bao nhiêu năm qua, người ta vẫn luôn lấy tiếng hát của chị như một chuẩn mực về hát đẹp, phát âm đẹp, giọng Bắc chuẩn mực đẹp đẽ trong mọi hoài niệm về Hà Nội xưa. Và “mùa Thu” cũng liên quan tới khởi đầu định mệnh để chị thành danh ca, với bài hát của “nhạc sĩ của mùa Thu” Đoàn Chuẩn: Tà áo xanh (tức Dang dở).

Bài Dang dở được nhắc đến trong mọi bài viết về Lệ Thu, bởi đó là bài hát mở đường cho chị bước lên sân khấu ca nhạc, từ lúc còn mang tên thật Bùi Thị Oanh. Theo Lệ Thu kể lại, lúc đầu cha mẹ chị tính đặt tên là Anh, có thể là Thúy Anh hay gì đó, nhưng chả hiểu sao lúc mẹ chị còn trong bệnh viện nói tên con gái thì người làm giấy ghi nhầm thành Oanh, rồi cứ gái thì cho “thị”. Sau này cái tên Oanh còn được các văn sĩ tán tụng là giọng oanh vàng, nào là tiền định để thành ca sĩ… và cũng có người rảnh rỗi thắc mắc nếu ngày ấy cô gái Bùi Thị Oanh không đổi tên thành Lệ Thu thì liệu định mệnh cho mang đến cho cô một sự nghiệp ca hát vàng son để “hát bằng nước mắt yêu thương” hay không.

Nhưng cho dù có được phủ lên bao lớp màu huyền thoại, thì giọng hát Lệ Thu vẫn hiển hiện ra đó, luôn luôn rất thực. Một giọng nữ trung tuyệt đẹp, lên cao vút và xuống thật trầm, lúc nào hơi cũng đầy, chữ phát ra nắn nót, đẹp lung linh. Giọng head voice cực khỏe mà không bị mũi. Một tháng trước, người viết có dịp đi cùng Lệ Thu trong một tour diễn mini, thấy chị hát vẫn “ngon lành” những bài thách đố tuổi tác ca sĩ như Mùa Thu chết, Mười năm tình cũ, Kiếp nào có yêu nhau, Hạ trắng… Một giọng hát như thế sẽ khó mà khép mình vào trung thành với âm nhạc của một ai, bởi định mệnh đã sắp đặt để tiếng hát ấy đụng vào bài hát nào là bài ấy thành… siêu “hit”. Hãy cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong đời ca hát của Lệ Thu, đánh dấu bằng những bài hát nay đã trở thành “vượt thời gian”.

Duyên Trịnh ngắn ngủi, nhưng chỉ cần Hạ trắng là đủ

Lệ Thu kể lại là có thời gian, khoảng giữa những năm 1960, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rủ chị tham gia những buổi diễn “du ca”, trước khi có Khánh Ly, và Lệ Thu đã xuất hiện tại quán Văn cùng sân khấu các trường đại học. Nhưng khi ấy, tên tuổi Lệ Thu đã nổi như cồn, và bản tính thích an toàn khiến chị không theo đuổi được những cuộc “hát rong”. Lệ Thu đã được chuẩn bị sẵn sàng cho ngôi vị nữ hoàng của sân khấu phòng trà và ngôi sao của các hãng đĩa. Và cuộc hợp tác ngắn ngủi với Trịnh Công Sơn chấm dứt, tuy nhiên Lệ Thu vẫn để ngỏ: “Thu không thể đi với anh được nữa. Nhưng dù ở đâu hay bất cứ lúc nào, Thu vẫn hát nhạc của anh”. Từ đó và nhiều năm sau, Lệ Thu vẫn hát nhạc Trịnh Công Sơn, mà còn hát rất hay. Giọng hát cao vút lúc nào cũng chực chờ vỡ òa cảm xúc nhưng lại được kìm nén cực giỏi đã đưa một bài hát như Hạ trắng trở thành mẫu mực về trình diễn nhạc Trịnh kết hợp tuyệt vời giữa cảm xúc và kỹ thuật ca hát điêu luyện. Mấy năm trước, Lệ Thu trong lần đầu trở lại Việt Nam sau gần 30 năm xa xứ đã hát lại Hạ trắng trong một phiên bản trình diễn đặc biệt khi hát ngay sau ca sĩ Quang Dũng (cũng hát Hạ trắng với hòa âm điện tử rất mới) chỉ cùng với tiếng guitar mộc mạc. Cảm xúc trở về thật quá trọn vẹn với những tín đồ của Lệ Thu.

Trước Khánh Ly, Lệ Thu đã từng hát nhạc Trịnh Công Sơn rất thành công
Ngậm ngùi nước mắt mùa Thu

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ bài Ngậm ngùi của Huy Cận thành một bài hát ru nổi tiếng. Người hát bài này đầu tiên là nam ca sĩ Anh Ngọc, nhưng phải tới Lệ Thu thì Ngậm ngùi mới thành bất hủ. Phạm Duy đã ghi điều ấy trong hồi ký của mình. Cũng chính từ cái duyên này mà tới cái duyên khác khi Phạm Duy cảm tác từ chính cái tên Lệ Thu để sáng tác ra một tuyệt phẩm khác là bài Nước mắt mùa Thu, khỏi cần phải so sánh cũng biết chắc chắn ai sẽ là người hát hay nhất bài này. Lệ Thu không gắn bó với nhạc Phạm Duy nhiều như Thái Thanh, nhưng chị đụng đến bài nào thì bài ấy thành kinh điển, cho dù người hát bài ấy trước đó là ai: Ngậm ngùi, Thuyền viễn xứ, Về miền Trung, Mùa Thu chết, Bên cầu biên giới, Người về… và không thể không kể tới hai bản song ca tuyệt vời Giọt mưa trên lá Tiếng sáo Thiên Thai chị hát cùng Khánh Ly.

Bài Nước mắt mùa Thu dù không phải kể chuyện đời Lệ Thu, nhưng như chị kể lại, nó phần nào vận vào đời chị:

Nước mắt mùa Thu khóc than một mình.

Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh.

Giọng hát ấy có thể không “buồn bã vào trong đời úa” vì lúc nào cũng khỏe khoắn tràn đầy sinh lực, thừa sức để “sang hóa” những bài “nhạc sến”. Nhưng đúng là “hát trong buồn tênh”. Ba cuộc hôn nhân đều không trọn vẹn khiến Lệ Thu như con chim sợ cành cong. Từ đó, chị hài lòng với cuộc sống của người ca sĩ lấy khán giả làm người thân. Nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu vì sao một nữ ca sĩ tính tình nhút nhát (ngày trẻ), cẩn trọng (khi lớn tuổi), từng ở đỉnh cao với thù lao cao nhất Sài Gòn khi ấy lại có thể phải chịu một cuộc sống riêng kém vui như vậy. “Biết sao được, định mệnh rồi” là câu nói thường được nghe nhất từ Lệ Thu mỗi khi có ai thắc mắc chuyện riêng của chị.

Ca sĩ Lệ Thu từng là giọng ca vàng của các hãng băng đĩa
Ca sĩ “vàng” Sài Gòn gây sốt Hà Nội

Có một giai đoạn vô cùng đáng nhớ của Lệ Thu khi chị chọn ở lại chứ không lên máy bay di tản trong những ngày hỗn loạn ở Sài Gòn trước 30/4/1975. Ở lại là biết phải đối mặt với bao khó khăn, và cả nghi kị. Ấy thế mà chẳng bao lâu chị lại đã có bài “hit” mới. Mà lần này là “hit” khủng bậc nhất thời ấy, bài Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân). Trong một băng nhạc thu âm khoảng năm 1977 gồm toàn các bài hát kháng chiến nổi tiếng với sự tham gia của các ngôi sao ca nhạc Sài Gòn “cũ”, Lệ Thu hát 3 bài: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du) và Tự nguyện (Trương Quốc Khánh). Giọng hát “lực sĩ” của chị lúc này tìm được một không gian mới để tung hoành. Ở bài Hà Nội niềm tin và hy vọng Lệ Thu đã vào bài rất thủ thỉ tâm tình, sở trường hát nhạc tình cảm được đem ra phô diễn ở đây, nghe rất gần gũi, tình cảm, cho đến đoạn Ôi Đông Đô hồn thiêng dấu xưa… Ôi Thăng Long ngày nay chiến công… thì bùng nổ, hoành tráng, lồng lộng mà lại không hề bị gò khuôn bởi kiểu hát kinh viện. Chính vì thế mà khi ra diễn ở Hà Nội, Lệ Thu đã trở thành một ngôi sao, một thần tượng, một hiện tượng khi ấy. Người ta ngỡ ngàng khi ca sĩ Sài Gòn có thể hát “nhạc đỏ” hay như thế. Nhưng chuyến đi ấy cũng là lần cuối khán giả trong nước còn được thấy chị “bằng xương bằng thịt”, và phải chờ gần 30 năm sau mới lại được tái ngộ.

Trong một lần đi diễn chung với Lệ Thu ở Nha Trang, lúc đêm về ngồi trò chuyện bên bờ biển, nhìn ra biển tối thẫm xa xa, Lệ Thu nhớ lại: “Đó là những điều đến giờ nghĩ đến vẫn thấy kinh hoàng. Vượt biên, tàu vỡ, giữa đêm đen như mực vang lên những tiếng khóc than, tiếng gọi nhau vô cùng ai oán. Rùng mình khi nhớ lại”. Chuyến đi định mệnh ấy đưa Lệ Thu đến một chân trời khác, nơi mà chị không hình dung ra mình sẽ sống thế nào. “Nhưng mà chị nói thật, thực sự là lúc đó chị không muốn đi. Mấy năm trước thì có thể, còn lúc ấy mọi việc cũng đã tạm yên, chuyện đi hát đã ổn định trở lại, mình đã nổi tiếng hơn, có thêm nhiều khán giả. Nhưng cuộc đời mà, chẳng thể nào cắt nghĩa hết được”.

Mười năm tình cũ

Là một tên tuổi lớn nên khi ra tới hải ngoại, Lệ Thu nhanh chóng “đắt sô” trở lại, và 5 năm sau, chị một lần nữa khẳng định vị trí số 1 của mình với bài “hit” mới: Mười năm tình cũ (Trần Quảng Nam). Giữa lúc tâm trạng hồi nhớ quê hương vẫn còn bàng bạc, thì Mười năm tình cũ, với tiếng hát như Lệ Thu, với cách hát đặc trưng không thay đổi, thật khó mà hình dung một giọng hát nào có thể thay thế. Cho dù sau này rất nhiều người hát bài ấy, và hát cũng rất hay, nhưng ấn tượng mà Lệ Thu đã “gán” cho Mười năm tình cũ lúc nào cũng hiển hiện ở các phiên bản cover.

Dù gì thì “Thu” vẫn luôn “hát cho người”

Có nhiều câu chuyện bên lề về Lệ Thu đôi khi dễ gây tò mò, chẳng hạn như “nữ danh ca mê bài bạc nhất Việt Nam”, nửa đùa nửa thật vậy, nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là một thói quen mà nhiều người cũng có. Với một cuộc sống tự do tự tại, Lệ Thu có quyền chọn cho mình những niềm vui bên cạnh công việc đương nhiên chị phải làm và luôn làm tốt là ca hát. Những người chồng cũ giờ là bạn bè, những đứa con có hiếu, những fan đi cùng từ nửa thế kỷ qua, những bài hát rải đều suốt một sự nghiệp rực rỡ từ nhạc “vàng” tới nhạc “đỏ”, ở địa hạt nào cũng đưa người hát lên tới đỉnh cao nhất… chừng đó có lẽ đủ khiến Lệ Thu cảm thấy viên mãn. Trong những câu chuyện với chị, điều thấy được nhiều nhất chính là tiếng cười, rất giòn, rất to, rất sảng khoái.

Bài Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển) dù không được viết nhắm tới Lệ Thu, nhưng được chị đặc biệt yêu thích và lấy làm chủ đề cho nhiều đêm nhạc hay album của mình, vì nó trùng với tâm nguyện sống của chị, còn sống là còn hát, còn yêu thì… để đó.

Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm