29/05/2017 07:35 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Các vấn đề về tầng lớp đã nảy sinh trong xã hội châu Âu và Mỹ nhiều năm nay, thế nên, không ngạc nhiên khi các nghệ sĩ đang đắm chìm trong thế giới thượng lưu đã manggóc nhìn từ trên xuống của mình vào các bộ phim.
Cannes năm nay (bế mạc rạng sáng nay, 29/5 theo giờ Việt Nam) bị chấn động bởi khủng bố. Những tin tức từ Manchester đã khiến giám đốc LHP Thierry Fremaux phải lên tiếng trên sân khấu Palais, kêu gọi mọi người cùng đứng vững bên thành phố nước Anh và yêu cầu một phút im lặng.
“Còn gì khác để nói về thế giới hiện nay?”
Trước đó, một rạp chiếu của Cannes đã phải di tản khán giả vì nghi ngờ đánh bom. Cảnh nhân viên an ninh ngày đêm dắt chó đi trinh sátcàng nhắc nhở thêm về tình trạng hoảng loạn ở Pháp trước nguy cơ khủng bố, đặc biệt ở bờ biển Nice.
Bên cạnh đó, Cannes lần thứ 70 tràn ngập chủ đề chính trị như tị nạn và Nga. Thế nhưng, nhìn kỹ lại, bao trùm hơn cả chính là vấn đề về giai tầng.
Trong hàng thập kỷ nay, không có LHP Cannes nào lại đa dạng như năm nay. Chủng tộc, những truyện ngụ ngôn về đạo đức, quan hệ giữa các thế hệ, trẻ nhỏ tìm về thiên nhiên... Tất cả đều trên nền tảng khoảng cách giữa tầng lớp lao động và thượng lưu. Như đạo diễn Michael Haneke nói với The Times, một cách ngắn gọn, “Còn gì khác để nói về thế giới hiện nay?”.
Điển hình chính là trong phim tranh giải Cành cọ vàng Happy End của Haneke, kể về một gia đình tư sản nhiều thế hệ ở Pháp nhắm mắt làm ngơ trước những người tị nạn khốn khổ. Vị đạo diễn hai lần đoạt Cành cọ vàng đã chỉ ra rằng, khoảng cách không chỉ xuất hiện giữa gia đình Pháp này với người tị nạn, với tầng lớp lao động phục vụ họ mà ở ngay giữa họ với nhau.
Còn trong The Square của đạo diễn Ruben Ostlund - một trong những phim được nhắc tới nhiều nhất tại LHP năm nay - một phụ trách bảo tàng thuộc tầng lớp thượng lưu bỗng nhận thấy lòng trắc ẩn của mình chẳng phải vô biên khi ông buộc phải nhìn vào những cảnh bất công ở quanh thành phố Stockholm. Chủ đề đạt tới đỉnh cao (và siêu thực) khi một nhóm đeo cà vạt đen bất lực trong việc ngăn cản bất công đang diễn ra bạo tàn trước mắt họ.
Trong khi đó, Loveless của đạo diễn Andrey Zvyaginstev đi sâu vào một cặp vợ chồng Nga đeo đuổi hư vinh đến mức không có thời gian quan tâm tới con trai mình, dẫn tới hậu quả tai hại. Phim kinh dị The Killing Of A Sacred Deer của đạo diễn Yorgos Lanthimos thì về một cặp đôi Mỹ hoàn hảo (Colin Farrell và Nicole Kidman) đang chịu cảnh ngộ khủng khiếp vì sự cẩu thả - một hành động đại diện cho tính tự mãn trong tầng lớp trên của họ.
Nhưng bên cạnh những phẩm chất đáng nể của các phim trên, có một điều mà nó thiếu vắng: những nhân vật ở tầng lớp dưới.
Phải chăng các nhà làm phim cũng nhắm mắt làm ngơ?
Không phải là trong phim không xuất hiện những nhân vật như vậy. Họ có ở đó, nhưng mờ nhạt và không có câu trả lời cho những bất hạnh của họ. Có thể nói, luôn dễ dàng chỉ ra vấn đề hơn là giải quyết nó. Các nhà làm phim tới Cannes hầu như đều đến từ tầng lớp trên, thế nên, khi làm phim, họ cũng thường nói về giai cấp mình, tức luôn dừng lại ở “chỉ ra vấn đề”.
Giống như đạo diễn Ostlund nhận xét về phim The Square của mình: “Tôi thích cảnh những người xem phim ngồi im lặng trong bộ tuxedo đang nhìn những người trong phim ngồi im lặng trong bộ tuxedos”.
Rất may, vẫn còn có ít nhất ba nhà làm phim ở Cannes đi sâu giải quyết vấn đề hơn.
Đầu tiên là A Gentle Creature của đạo diễn Sergei Loznitsa, kể về một phụ nữ Nga như rơi vào mê cung quan liêu trong truyện Kafka khi cố gắng đưa đồ thăm nuôi cho chồng ở tù.
Good Time của Josh và Benny Safdie nhìn vào nỗ lực tuyệt vọng của một thanh niên tầng lớp lao động muốn giúp anh trai thoát khỏi tù tội.
Cuối cùng là The Florida Project của đạo diễn Sean Baker, một trong những tác phẩm sống động nhất tại LHP năm nay. Phim kể về một bà mẹ đơn thân sống cùng con gái trong cảnh cùng quẫn nhưng thay vì kết tội những kẻ đẩy họ vào bi kịch, họ lại chọn tìm cách khắc phục cuộc sống.
Điều thú vị là cách tiếp cận này lại được chính những đạo diễn “tầng lớp trên” ưa thích. “Cá nhân tôi thấy những bộ phim tới từ nơi gọi là thế giới thứ ba lại thú vị hơn những phim về các nước châu Âu chúng ta” - Haneke chia sẻ. Hoặc giám đốc điều hành một LHP lớn khác cho hay tại Cannes: “Tôi thích xem góc nhìn từ dưới lên hơn là từ trên xuống”.
Nếu các giám khảo của Cannes cũng đồng tình với điều này, rất có thể sẽ xuất hiện một làn sóng phim mới, có cái nhìn cận cảnh hơn vào “thế giới thứ ba”.
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất