10/05/2013 08:02 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy kể rằng anh đã hét to một tiếng ở ngoài đường khi nghe tin bộ phim ngắn của mình mang tên 16:30 được chọn tham gia Góc phim ngắn (Short Film Corner) của LHP Cannes 2013 thông qua chương trình Voyage À Cannes. Chương trình sẽ chính thức được giới thiệu vào tối nay (10/5) tại Tổng Lãnh sự quán Pháp, TP.HCM, với khách mời danh dự là đạo diễn Trần Anh Hùng.
“Đây là cơ hội quá tốt, không dễ có đối với một đạo diễn trẻ vì họ được tới một nơi căng thẳng nhất trên thế giới (cười). Ở đó, cùng với không khí mạnh mẽ cho họ sự phấn khởi, hào hứng, họ sẽ đánh giá được sự dũng cảm, bền vững của chính mình. Phim ngắn đầu tay của tôi (Người thiếu phụ Nam Xương - PV) cũng được tham gia tranh giải ở Cannes. Lần đầu tiên đó, tôi đi với sự ngây thơ, hồn nhiên nên không biết cơ hội này quan trọng với mình như thế nào, chỉ có một cảm giác rất vui khi được tham gia”- đạo diễn Trần Anh Hùng nói với Thể thao & Văn hóa.
Còn đạo diễn Phan Đăng Di thì nói với Thể thao & Văn hóa: “Góc phim ngắn là khu vực chiếu giới thiệu thôi nhưng không nhiều phim được chọn vào, đây thường là bước đệm giúp các nhà làm phim trẻ biết về Cannes để rồi ra về và có những kế hoạch tham vọng hơn cho những kì Cannes tiếp theo”.
|
Việc một đạo diễn trẻ bị choáng ngợp trước một LHP tầm cỡ như Cannes là điều hết sức bình thường, vì công việc của họ còn khiêm tốn và mới bắt đầu, “vào biển lớn thấy khó bơi”. Trần Dũng Thanh Huy (phim 16:30) kể rằng anh đã hét to một tiếng ở ngoài đường khi nghe tin phim của mình được chọn, vì đây là cơ hội tốt. Nhưng ngay sau đó là những hình dung và chuẩn bị cho chuyến đi, đâu chỉ có niềm hân hoan, mà cả lo lắng, bối rối.
Khi được hỏi các đạo diễn trẻ từ các nền điện ảnh còn non yếu như Việt Nam nên nhìn LHP Cannes và cơ hội đến đây như thế nào, thì Phan Đăng Di cho biết: “Vẫn phải nhìn như cách cả thế giới nhìn thôi, đây là sân chơi của những cao thủ có số có má cả, võ công mình cũng phải thâm hậu đến mức nào đó thì mới đấu được, không thì cứ đứng ngoài quan sát đã. Quan sát cũng có cái hay là không bị sát thương, không mất tiền. Đến khi thấy tay chân đủ cứng, tinh thần đủ vững rồi thì ta chơi”.
Anh bày tỏ: “Phim Việt Nam ta có cái hay là xưa nay chưa đấu với ai ở võ đài lớn cả, nếu có chiêu lạ biết đâu lại làm nên bất ngờ”.
“Cannes là cơ hội để các bạn được xem những cuốn phim tham gia tranh giải Cành cọ vàng. Những cuốn phim hay sẽ khiến bạn tự hỏi: Tại sao tôi không làm được như thế? Còn những cuốn phim dở sẽ cho bạn hiểu thêm về việc không dễ gì làm được một cuốn phim hay” - Trần Anh Hùng dí dỏm.
Năm ngoái, phim ngắn Hai tư sáu của Nguyễn Hoàng Điệp đã được chọn giới thiệu tại Góc phim ngắn của Cannes, thông qua một tổ chức khác. Nhân sự kiện ấy, đạo diễn này từng trả lời Thể thao & Văn hóa như sau: “Tôi không cho rằng điện ảnh Việt Nam cần an ủi. Đó không phải là thái độ ngạo mạn hay cáu giận, nhưng theo tôi, điện ảnh Việt Nam cần sự thật, cần sự thẳng thắn, biết mình là ai, đang đứng ở đâu một cách sòng phẳng và trung thực…”.
Một cảnh trong 16:30, phim được chọn chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013
Mở thêm hướng đi
Trần Dũng Thanh Huy có được cơ hội tốt lần này, hiển nhiên không thể quên vai trò nâng đỡ, phát hiện của YxineFF. Trần Anh Hùng cũng công nhận điều này: “Bằng cách chiếu phim trên mạng, YxineFF đã cho người xem như tôi cơ hội được xem nhiều phim liên tục, được lựa chọn phim để xem. Sự thuận lợi này đã mang đến trải nghiệm mà không có ở những nơi khác.
YxineFF là bữa tiệc đúng nghĩa, họ có nhiều món ăn, đa dạng khẩu vị khác nhau tạo ra cảm giác muốn được ăn cho người xem. Các nhà làm phim của YxineFF cho thấy giới trẻ có cách thể hiện đa dạng, không hạn hẹp như được học trong trường lớp và tự tin vào bản thân. Điều đó tạo nên sự tươi tắn của tiệc phim. Do vậy, tôi mong YxineFF được phát triển tốt hơn, rộng hơn để những đạo diễn trẻ được tham gia như một nơi có thể trao đổi với mọi người, thấy rõ mình đang đứng ở đâu”.
Ông Timen R.T. Swijtink (nhà tổ chức Voyage À Cannes) cho biết: “Chúng tôi không chỉ mong muốn mang không khí của LHP Cannes đến gần hơn nữa với người Việt mà còn hướng đến việc tạo nên một hành trình giúp các tài năng trẻ được tiếp cận nền điện ảnh thế giới. Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với YxineFF trong chương trình này sẽ mang lại hơi thở mới cho nền điện ảnh trong nước, góp phần phát hiện, hỗ trợ thêm nhiều tài năng điện ảnh mới trên con đường nghệ thuật”.
“Mấy năm vừa rồi nếu không có các dự án độc lập phi lợi nhuận như TPD, YxineFF. Doclab... thì đời sống điện ảnh Việt Nam sẽ nhạt, tẻ và mòn đi nhiều lắm... Nhà nước mỗi năm ra được đôi phim thì rơi hết vào hư vô, phim tư nhân thì vui vẻ được một lúc rồi thôi, rồi cũng lặp, không vui nữa. Trong cảnh đó, các phim ngắn được làm ra hoặc được giới thiệu tại các dự án vừa nêu chí ít cũng gây được hy vọng bởi cái tinh thần trẻ trung, hiện đại, còn đam mê sáng tạo, yêu điện ảnh theo một cách ngây thơ nhưng mạnh mẽ của những người trẻ tham gia. Nhưng để điện ảnh Việt Nam có thể đi xa với một gương mặt trí tuệ, hiện đại và độc đáo hơn, thì mọi phong trào, dù hấp dẫn, dù tốt đẹp đến đâu cũng không thể thay thế được từng cá nhân nghệ sĩ đảm trách lấy sứ mệnh đó” - Phan Đăng Di nói thêm.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất