10/04/2014 13:41 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Ngân sách đầu tư cho ASIAD đang là câu chuyện được bàn tán sôi nổi. Đó cũng là chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.
Cà phê thể thao: Chúng ta đang rộn ràng với đề tài tổ chức ASIAD 2019 tại Việt Nam. Dự kiến chi ngân sách 150 triệu USD cho sự kiện này, dư luận cho là chỉ đủ xây 2 cái sân vận động Mỹ Đình theo thời giá hiện tại. Quan điểm riêng của anh về việc đầu tư này thế nào?
Hồng Ngọc: Trước hết, chúng ta cần đánh giá một việc có nên làm hay không qua lợi ích kinh tế và xã hội mà nó mang lại, sau nữa là có khả thi và an toàn trong mức độ cho phép về tài chính không.
Về lợi ích kinh tế, việc tổ chức ASIAD có lãi không, hay ít nhất là thu có đủ bù chi không ? Hoặc nó có tạo ra doanh thu và lợi nhuận gián tiếp, như kích cầu du lịch không, tỷ như có bao nhiều người Việt Nam hoặc nước ngoài đi du lịch kết hợp xem ASIAD ? Tất nhiên, lợi ích kinh tế ngắn hạn không phải lúc nào cũng là thước đo, và đó là lý do cần đánh giá cả lợi ích xã hội. Tổ chức ASIAD có giúp dân ta tích cực tập luyện thể dục thể thao hay không?
Có những giá trị khác, như xây dựng hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, và làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc chẳng hạn?
Dân ta có câu “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Tôi thì đả phá lối suy nghĩ này, nó thể hiện văn hóa quá đề cao thể diện đến mức sĩ diện của chúng ta. Một miếng ăn ở giữa làng và ở xó bếp có giá trị như nhau về mặt dinh dưỡng và sức khỏe.
Nhưng chi phí tổ chức cho một miếng ăn giữa làng có thể đắt đỏ ngang với chi phí ăn một sàng ở trong bếp. Mọi nguồn lực đều hữu hạn, mà nếu chúng ta theo đuổi việc ăn uống giữa làng, nghĩa là cơ thể chúng ta mất đi cơ hội nạp vào cả sàng thức ăn chỉ để lấy sĩ diện hão, trong khi bụng thì đói meo, có thể làm cơ thể suy kiệt.
Còn tổ chức một giải thể thao quốc tế mà làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc thì tôi nghĩ đó chỉ là ảo giác. Thật vô nghĩa khi chúng ta nói về dân tộc, về quốc gia với niềm tự hào lớn, trong khi đứng trước hải quan nước ngoài chúng ta bị kiểm tra kỹ hơn bình thường, và ở các nước láng giềng người ta cắm những biển cấm viết bằng tiếng Việt!
Nhưng nếu không có SEA Games hay ASIAD, biết đến bao giờ chúng ta mới có những công trình như sân vận động Mỹ Đình?
Xét về mặt công trình kiến trúc, SVĐ Mỹ Đình chẳng là gì trong thế giới hiện đại. Nó quá nhỏ bé và khiêm tốn về thiết kế so với SVĐ Rungrado May Day với 150.000 chỗ ngồi của Triều Tiên. Điều chúng ta phải xét tới là xây SVĐ Mỹ Đình để làm gì? Nếu nó trở thành nơi tổ chức hằng tuần các sự kiện thể thao lớn thì đó là một sự đầu tư hữu hiệu về mặt xã hội và thể thao.
Nhưng nếu chỉ được sử dụng như một sân bóng đá phong trào thì lẽ ra tư nhân có thể làm tốt với 1/100 ngân sách đó, nếu có sẵn quỹ đất. Đó là chưa kể những công trình như vậy sẽ tốn thêm ngân sách để duy trì vận hành.
Hoặc là nhà nước phải cấp tiền cho nó duy trì hoạt động, hoặc là phải áp dụng cơ chế “tự hạch toán”, và khi đó thì “ban quản lý” công trình sẽ phải tìm mọi cách để có nguồn thu, như mở nhà hàng tiệc cưới hay quán cà phê… tại cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, dẫn đến việc công trình được sử dụng sai mục đích, công năng thực tế không tối ưu với thiết kế cũng là sự lãng phí với xã hội.
Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các chế độ theo đuổi việc xây dựng các công trình kiến trúc hoành tráng và xa hoa đều nhanh chóng dẫn đến sụp đổ, vì vắt kiệt sức dân chúng. Còn nếu đó là công trình do tư nhân xây dựng thì đó lại là dấu hiệu của một xã hội phồn thịnh.
Anh lại chuyển sang chủ đề quen thuộc là nhà nước và tư nhân rồi. Đó phải chăng là đặc thù của nền thể thao Việt Nam?
Nước Anh không phải thảo luận gì khi CLB Arsenal xây SVĐ Emirates bởi vì đó là vấn đề của CLB này, ngân sách của chính phủ Anh hay thành phố London không phải chịu trách nhiệm. Vận hành nó thế nào, khai thác nó thế nào là vấn đề riêng của CLB này.
Còn khi chúng ta xây dựng sân Mỹ Đình hay Cung thể thao dưới nước, hoặc sắp tới có thể là một công trình lớn khác phục vụ ASIAD, thì đều bằng ngân sách, tất cả chúng ta đều có quyền và trách nhiệm thảo luận về nó vì là tiền thuế mà mỗi người chúng ta đều đóng theo một cách thức nào đó.
Việc sử dụng ngân sách để xây dựng các công trình thể thao là vấn đề chung của các nước phát triển sau. Vì thể thao là con đường nhanh nhất để được biết tới rộng rãi ở quy mô quốc tế, trong khi sự phát triển tự nhiên của kinh tế, xã hội và thể thao ở các nước này chưa đủ để xuất hiện các công trình thể thao lớn một cách tự nhiên, mà cần một cú hích là “thể diện” khi tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế. Có lẽ bệnh chung của người nghèo và nước nghèo là sĩ diện! (cười)
Vậy theo anh bằng cách nào để một đất nước có những công trình thể thao lớn mà không ngốn ngân sách nhà nước?
Nếu không muốn dùng tiền ngân sách thì phải tạo điều kiện cho tư nhân tự làm. Tư nhân chỉ làm khi họ có lợi ích ở việc đó, hoặc đam mê việc đó. Chỉ khi thể thao là phần quan trọng của cuộc sống, như ăn – mặc - ở, trở thành nhu cầu mà mọi người luôn sẵn sàng chi trả thì các công trình thể thao mới có cơ hội thu hồi vốn và sinh lời. Đó là chưa kể chính sách đất đai có hỗ trợ tư nhân xây dựng các công trình thể thao hay không, chứ nếu phải mua đất đô thị ở các thành phố lớn mà xây sân vận động thì…
Cả việc người dân có nhu cầu cao về hoạt động thể thao lẫn chính sách đất đai cho công trình thể thao đều phụ thuộc vào chiến lược thể thao quốc gia. Một chính phủ chú tâm vào xây dựng nền thể thao cộng đồng vì sức khỏe và phồn thịnh của dân chúng và một chính phủ đề cao việc xây dựng các đội thể thao gà nòi và các công trình thể thao tiêu biểu vì “thể diện quốc gia” sẽ ứng xử khác nhau, và quyết định ngã rẽ của một nền thể thao.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất