08/12/2015 06:57 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - San José, một chiến hạm Tây Ban Nha bị đắm trong thế kỷ 18, từng chứa trong nó kho báu khổng lồ, lớn tới mức người ta không thể hình dung con tàu có thể nổi được trên biển. Vừa qua, con tàu đã được tìm thấy, sau nhiều thế kỷ nằm dưới đáy biển ở vùng Caribbean.
“Với tư cách lãnh đạo đất nước, tôi rất vui khi được thông báo cho các bạn biết rằng chúng ta đã tìm thấy chiến hạm San José, 307 năm sau khi nó bị đắm” - Tổng thống Juan Manuel Santos nói trong một thông báo đưa ra cuối tuần trước.
Cuộc chiến dữ dội trên biển
Tàu San José được cho là mang theo một trong những kho báu lớn nhất thế giới, trị giá nhiều tỷ đô la. Phía Colombia đã phát hiện San José hôm 27/11, khi một đội tìm kiếm quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Học viện nhân chủng học và lịch sử Colombia (ICANH), tìm thấy một con tàu cổ với đặc điểm cấu trúc giống các mô tả lịch sử về San José. Đây là thành quả xứng đáng sau nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Colombia.
“Ngày hôm nay, chúng ta tưởng nhớ tới 600 người đi biển đã mất mạng khi San José chìm xuống” – ông Santos tuyên bố. 600 con người ông nói tới là những thủy thủ của San José, với phần lớn đã bỏ mạng khi con tàu chìm xuống đáy biển.
Sử sách ghi rằng tàu San José là một nạn nhân trong cuộc Chiến tranh kế vị ngai vàng Tây Ban Nha – vốn nhằm xác định xem ai sẽ lãnh đạo Tây Ban Nha sau cái chết của Vua Charles II, người không có con cái. Bối cảnh dẫn tới cuộc chiến là khi Vua Pháp Louis XIV tuyên bố rằng cháu trai Philip của ông sẽ thành vua Tây Ban Nha vào năm 1700, ngay sau cái chết của Charles II. Nhưng người Anh coi sự kết hợp của Pháp và Tây Ban Nha thành một khối là mối đe dọa khổng lồ. Kết quả là cuộc chiến nổ ra chỉ một năm sau.
Vào thời điểm đó, Tây Ban Nha có một hạm đội tàu chiến chuyên đi tới châu Mỹ, chất đầy vàng bạc châu báu rồi trở lại châu Âu. Người Anh đã tìm cách cướp phá các con tàu dễ bị đe dọa này, coi đây là cách hiệu quả để cắt đứt nguồn cung tiền bạc của Tây Ban Nha.
Năm 1708, Hạm đội Conde de Casa Alegre của Tây Ban Nha, dưới sự chỉ huy của Tướng Don Joseph de Santillan, lên đường về Tây Ban Nha. Hạm đội này gồm 17 tàu, với 3 trong đó là các chiến hạm cỡ lớn. Soái hạm là tàu San José, chở theo 64 khẩu đại bác đồng và hơn 600 thủy thủ. Trong khoang chứa là 7 triệu peso vàng (theo dữ liệu đăng ký chính thức và giới quan sát nói rằng số vàng bạc con tàu mang theo dễ dàng vượt ít nhất là gấp đôi con số này).
Con tàu lớn thứ hai trong hạm đội là San Jaochin, với 64 đại bác đồng và từ 400 - 500 thủy thủ. Thứ 3 là tàu Santa Cruz, với 44 đại bác đồng và 300 thủy thủ. Thứ tư là tàu Nietto, với 40 đại bác đồng và 140 thủy thủ. Đây là các tàu chính mang pháo lớn, còn các tàu khác trong hạm đội phần lớn là tàu buôn, hoặc tàu chiến nhỏ và mang ít pháo lớn.
Bất chấp việc được báo trước rằng tàu đối phương đang lởn vởn chặn đường, hạm đội vẫn tự tin tiến về Tây Ban Nha. Tới ngày 7/6, đội tàu này tới đảo Baru, Colombia và thả neo tại đây do gió không thuận lợi. Đó là khi những người Anh ra tay hành sự.
Với chỉ 4 chiến hạm trong tay, Đô đốc Charles Wager của Anh vẫn khôn khéo nương theo chiều gió để tấn công đội tàu chở kho báu của Tây Ban Nha. Và bất chấp việc đội tàu Tây Ban Nha nhanh chóng dàn trận đón tiếp, các tàu Anh vẫn nổ súng, gây thiệt hại lớn cho đối phương.
Có một thực tế rằng đội tàu Anh được trang bị hỏa lực rất mạnh. Soái hạm dưới sự chỉ huy của Đô đốc Wager là H.M.S Expedition, có tới 72 khẩu đại bác. Con tàu thứ hai là Kingston có 64 khẩu đại bác và Portland là 58 khẩu.
Chiến lược của Wager là tấn công San José, nhằm chiếm lấy kho báu nó mang theo. Tuy nhiên ngay khi người Anh chuẩn bị giành được quyền kiểm soát kho báu thì con tàu bất ngờ nổ tung rồi chìm nghỉm. Nó nằm yên lặng dưới làn nước sâu, cho tới tận tháng trước.
Tìm kiếm di sản bị đánh đắm
Tổng thống Santos đã tuyên bố việc tìm kiếm và bảo vệ “các di sản văn hóa chìm dưới nước” là một ưu tiên của chính quyền. Ông còn vận động thông qua một đạo luật hồi năm 2013, theo đó mọi phát hiện quan trọng trong vùng biển Colombia sẽ nằm lại nước này.
Bộ trưởng Văn hóa Colombia Mariana Garcés tin rằng đạo luật và các hành động của chính quyền đã đóng vai trò chủ chốt, giúp tìm thấy San José. Theo ông, phát hiện này không phải là điều tình cờ, mà là kết quả hình thành từ nỗ lực của vô số người.
Tuyên bố của ông đã khiến người ta nhớ tới một cuộc chiến pháp lý dài hơi mà Colombia phải trải qua để bảo vệ con tàu. Trong hàng thập kỷ, chính quyền Colombia đã phải theo đuổi vụ kiện của công ty tìm kho báu Sea Search Armada (Mỹ), nơi tuyên bố đã phát hiện ra vị trí đắm tàu San José đầu tiên, vào năm 1981.
Sea Search và chính quyền Colombia ban đầu hợp tác tìm kiếm con tàu San José. Có tin nói đôi bên còn đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc ăn chia kho báu mà con tàu mang theo. Tới nay vẫn không biết rõ San José có chứa bao nhiêu vàng bạc trong nó. Nhưng một số lời đồn đại cho rằng kho báu có giá trị tới 17 tỷ USD, theo thời giá hiện nay.
Vì thế, khi Colombia thông qua một đạo luật giảm bớt tỷ lệ chia kho báu mà một công ty tư nhân có thể nhận, từ 50% xuống 5%, Sea Search đã đâm đơn kiện. Năm 2011, một tòa án Mỹ ra phán quyết nói rằng San José là tài sản của Colombia. Tuy nhiên Sea Search vẫn quyết tâm theo đuổi việc kiện cáo, với lần đâm đơn gần đây nhất là vào năm 2013.
Về phần mình, có vẻ như Colombia đã không còn phải bận tâm nhiều với các vụ kiện nữa. Ông Santos tuyên bố chính quyền Colombia sẽ xây một bảo tàng ở Cartagena để trưng bày những gì người ta tìm thấy được trong con tàu.
Và San José không phải kho báu bị thất lạc duy nhất. Colombia ước tính rằng hiện vẫn còn khoảng 1.200 tàu chiến khác của Tây Ban Nha đang an nghỉ dưới làn nước ở vùng Caribbean.
Tường Linh (Theo City Paper)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất