26/11/2019 06:56 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 21 đang diễn ra tại Vũng Tàu. Lễ bế mạc và trao giải sẽ diễn ra từ lúc 20h ngày 27/11/2019 tại khách sạn Pullman. Với 16 phim dự thi ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, phim nào sẽ giành giải Bông sen vàng?
Hạng mục Phim truyện điện ảnh gồm Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Thạch Thảo, Song lang, Khi con là nhà, 11 niềm hy vọng, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Nơi ta không thuộc về, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Hợp đồng bán mình, Thưa mẹ con đi, Truyền thuyết về Quán Tiên.
Theo dự kiến, LHPVN sẽ trao 1 Bông sen vàng, 2 Bông sen bạc, 2 Giải thưởng của Ban Giám khảo (BGK). Các giải cá nhân gồm Đạo diễn xuất sắc, Tác giả kịch bản xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc, Nữ diễn viên phụ xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc, Âm thanh xuất sắc.
Sẽ rất kịch tính
Đạo diễn Lê Thanh Sơn (thành viên BGK Phim truyện điện ảnh) cho biết: “Nói chung năm nay phim cũng khá ổn, tuy nhiên có vài hiện tượng tốt bất ngờ, hơn hẳn so với những năm trước, nên sẽ tạo khó khăn cho BGK. Tôi không được phép đi vào chi tiết việc chấm giải và cụ thể từng phim, nhưng tôi dự đoán sẽ có phim được trao nhiều giải, sẽ có nhiều phim ra về trắng tay”.
Diễn viên Hồng Ánh thì dự đoán rằng năm nay sẽ không có Bông sen vàng, Bông sen bạc và các giải cá nhân sẽ chia đều cho các phim Song lang, Tháng năm rực rỡ, Hai Phượng, Thưa mẹ con đi.
Còn với nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm thì: “Tôi nghĩ với một nền điện ảnh đang hướng về thương mại và kỷ lục doanh thu như hiện nay, Bông sen vàng chắc lại trao cho Hai Phượng hoặc Cua lại vợ bầu, hai phim giải trí sạch sẽ và xem được, như cách Bông sen vàng từng trao cho Em chưa 18 kỳ trước. Còn nếu họ lựa chọn một tác phẩm xứng đáng thực sự cho tiêu chí nghệ thuật thì với tôi, phim tốt nhất của kỳ này là Song Lang, phim tốt thứ nhì là Thưa mẹ con đi”.
NSND Kim Xuân cũng nghĩ rằng Hai Phượng xứng đáng với Bông sen vàng, vì tính chuyên nghiệp và câu chuyện gần gũi, chân thực. Phim chuyển tại một vấn đề thời sự bóng bỏng, một cuộc đấu tranh chống tội phạm cam go, nhưng lại kể rất tự nhiên, không bị lên gân.
Bộ tứ “dị biệt”
Như vậy, nhìn qua ngó lại, 4 phim được nhiều nhà chuyên môn mong chờ Bông sen vàng kỳ này gồm Song lang, Hai Phượng, Thưa mẹ con đi và Cua lại vợ bầu. Đây có thể gọi là bộ tứ “dị biệt”, vì chẳng phim nào giống phim nào, từ thể loại, cách thể hiện cho tới tiêu chí về thẩm mỹ.
Về nội dung câu chuyện, Song lang kể về cải lương một thời, Hai Phượng là hành trình cứu con bị bắt cóc, Thưa mẹ con đi là chuyện tình đồng tính nam, còn Cua lại vợ bầu là việc hàn gắn một chuyện tình éo le.
Nhà quay phim Nguyễn Nam (thành viên BGK Phim truyện điện ảnh) nói rằng BGK phải làm việc cân não để xem và chấm, chẳng ưu ái thể loại nào. Khi có kết quả cuối cùng, người xem sẽ biết BGK đã làm việc - và tất nhiên, cũng sẽ… bất ngờ, trong một chừng mực nào đó.
Đạo diễn Mai Thế Hiệp (phim Thạch Thảo) thẳng thắn: “Nếu hỏi rằng tôi muốn phim nào được Bông sen vàng thì hiển nhiên tôi muốn Thạch Thảo rồi. Vì xét về các tiêu chí của liên hoan năm nay, phim của tôi đáp ứng được, cách dàn dựng và nghệ thuật kể chuyện cũng có nét riêng, dàn diễn viên tươi mới, hợp vai. Còn nếu nhìn bao quát thì tôi nghĩ năm nay rất khó chấm giải, vì thể loại, ngôn ngữ và định hướng của các phim quá khác nhau, thậm chí trái ngược, ví dụ Song lang và Hai Phượng, Thạch Thảo và Cua lại vợ bầu… thì làm sao để chấm. Nhưng có kịch tính như vậy mới vui, chứ một màu, chưa thi đã biết giải thì còn gì hấp dẫn, tranh luận”.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và diễn viên Trương Ngọc Ánh (thành viên BGK Phim truyện điện ảnh) từ chối tiết lộ cụ thể về quá trình chấm giải, chỉ nói rằng sự căng thẳng và yêu cầu công bằng là không khí chung của các buổi làm việc.
Nghệ thuật thể hiện mới Tiêu chí của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: “… hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc; nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn; nghệ thuật thể hiện mới, sáng tạo”. Kèm theo đó là tinh thần “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất