(lienminhbng.org) -
Triển lãm Đáy sóng 3 của Trang Thanh Hiền khai mạc lúc 17h ngày 9/7 tại phòng tranh Hồng Hạc (23 Lý Tự Trọng, TP.HCM) là hành trình tiếp theo của họa sĩ này, sau Hà Nội (tháng 8/2014), Huế (tháng 5/2015). Hơn 20 bức tranh mực nho trên giấy vỏ cây trong bộ tranh gần 60 bức của các năm 2011 - 2013 sẽ tiếp tục trưng bày và cập nhật.
Tranh của Trang Thanh Hiền luôn có chung ý tưởng về câu chuyện rất cá nhân, nó đậm cảm tính về tình yêu. Có một số hình ảnh tượng trưng như môi (có khi là lá, là hoa, là lửa…), như mắt - chúng mang tín hiệu về nỗi nhớ, về sự trao đổi tình cảm của những nhân vật hữu hình và vô hình.
Những người đàn bà trong tranh - mà đôi lúc là chính tác giả - luôn bị chia tách, cắt đôi, hoặc nhân thân thành nhiều phần, nhiều mảnh trong thế giới tinh thần, giữa những vai trò khác nhau. Có khi đó là cảm giác khá mong manh giữa nhục dục và sự thanh khiết, giữa lửa và hoa sen, giữa sự kìm nén và sự bốc cháy…
Tác phẩm Sắc sen, mực nho trên giấy vỏ cây, 60 x 40 cm, 2015
“Tôi thật khó để nói về tranh mình, nhưng tôi ngấm và thích những tư tưởng của Phật giáo trong việc dùng biểu tượng. Biểu tượng hoa sen, mang tính tinh khiết và vi diệu, đồng thời mang yếu tố âm (yoni) đàn bà - đẹp khêu gợi, nữ tính, thanh khiết, nhục dục... Bởi vậy nên linh hồn mỗi con người được sinh ra từ một bông sen. Thể xác con người thì được sinh ra từ một người đàn bà”, Trang Thanh Hiền chia sẻ.
Tác phẩm Đa mang, mực nho trên giấy vỏ cây, 40 x60 cm, 2013
Có một chút về tiểu sử của Trang Thanh Hiền cũng cần lưu ý, đó là việc nghiên cứu và xuất bản hai quyển sách liên quan nhiều đến các biểu tượng vừa đề cập. Đầu tiên là sách
Hình tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam (2005), biểu tượng cho sự cứu khổ cứu nạn và cũng là biểu tượng người đàn bà Việt đa đoan, cam chịu, mạnh mẽ. Kế đến là sách
Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam (2007), một loại tháp hoa sen đặc biệt trong các loại kiến trúc Phật giáo.
Ở đó triết lý Phật giáo, triết lý nghệ thuật và nhân sinh thật đậm nét. “Hai công trình này chiếm nhiều tâm sức của tôi, nhưng nó cũng đem lại cho tôi những cảm thức khá đặc biệt về đời sống văn hóa của người Việt, vốn nhuốm đậm tinh thần Phật giáo”, Trang Thanh Hiền nói. Điều này hiển nhiên cũng để lại nhiều dấn ấn trong loạt tranh
Đáy sóng.
Tác phẩm Giấc mơ 1, mực nho trên giấy vỏ cây, 85 x 45 cm, 2015
Bộ tranh này còn một yếu tố đặc biệt nữa, chúng sử dụng loại giấy thủ công của dân tộc Nùng An, miền núi phía Bắc. Đây vốn là giấy của các hoạt động tâm linh như chép kinh, làm tiền giấy trong các tang lễ... Họa sĩ ghép hai mảnh giấy thành một tác phẩm, giống như sự liên nối giữa quá khứ với hiện tại, dân tộc và quốc gia, cái chết và sự sống… Một liên tưởng biểu tượng từ chính vật liệu tạo tác.
Sinh năm 1974 tại Hà Nội, Trang Thanh Hiền đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn hóa học năm 2013. Hiện sống song hành giữa nghiên cứu và sáng tạo.
Văn Bảy