Nhà văn Nguyễn Thành Nhân: Người lính trở về

17/11/2013 16:27 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Cuộc chiến ở mặt trận Tây Nam, rồi chiến trường Campuchia ác liệt, đầy ám ảnh, thế nhưng ít để lại dấu ấn trong tác phẩm văn chương, nếu không kể tiểu thuyết Mùa xa nhà mà Nguyễn Thành Nhân hoàn thành từ năm 1999. Cuốn sách đã khắc họa chân thực những đóng góp quý báu của người lính tình nguyện Việt Nam trên đất nước bạn.

Tiểu thuyết Mùa xa nhà có cả bản tiếng Anh do tác giả tự dịch, cả hai bản từng in nhiều lần trên mạng và trên giấy. Gần đây nhất, bản tiếng Việt do NXB Quân đội nhân dân in hướng tới kỷ niệm 35 năm (1979-2014) ngày đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, vừa bán hết. Năm 2004, NXB Trẻ đã xuất bản tiểu thuyết này, sắp tới đây, họ sẽ tái bản.


Nhà văn - dịch giả Nguyễn Thành Nhân

Sinh 1964 tại Sài Gòn, Nguyễn Thành Nhân là một chàng trai nhỏ nhắn, có phần rụt rè. Tháng 3/1984, anh được gọi nhập ngũ và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, cơ số của trung đội súng 12 ly 7, thuộc trung đoàn BB4, sư đoàn 5 Mặt trận 479, đóng quân ở Batdomboong, giải ngũ năm 1987 với cấp bậc thượng sĩ.

Trở về quê nhà, Thành Nhân vừa làm bảo vệ sân vận động Thống Nhất, vừa học luật, lấy bằng cử nhân năm 1994. Anh làm việc tại văn phòng Liên đoàn Bóng đá TP.HCM và làm nghề luật một thời gian ngắn trước khi nghỉ hẳn để dịch sách, viết văn.

Lý do viết Mùa xa nhà hẳn có nhiều, trong cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Nhã Thụy, anh nói: “Tôi đã xa rời cuộc chiến đúng 10 năm khi đặt bút viết Mùa xa nhà (1987-1997), tư liệu thì ngoài ký ức chỉ có dăm trang nhật ký. Những gì thể hiện qua Mùa xa nhà không chỉ là ký ức, chúng còn là những cảm nhận và đúc kết chọn lọc sau 10 năm rời xa cuộc chiến”.


Tiểu thuyết Mùa xa nhà trong “diện mạo” gần đấy nhất, do NXB Quân đội nhân dân in.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết này là Huy, một chàng trai Sài Gòn bước vào cuộc chiến lúc cao điểm nhất. Chỉ bằng những câu chuyện nho nhỏ, sinh động ở một trung đội, diễn ra trong vài năm, nhưng Mùa xa nhà đã khắc họa được bản chất của chiến tranh và khát vọng hòa bình.

Cuối năm 2004, khi tiểu thuyết này lần đầu được phát hành, trên báo Tuổi trẻ, nhà văn Nguyễn Đông Thức viết: “Cầm bút viết về cuộc sống của lính tráng như là một thôi thúc tự bên trong của Nhân. Mùa xa nhà được âm thầm viết trong hai năm, hoàn thành năm 1999, khi cuộc thi Văn học tuổi 20 lúc ấy vừa phát động, Nhân đã gửi tham dự. Được cả hai ban sơ khảo và chung khảo đánh giá rất cao, hoàn toàn có thể được giải cao nếu tác giả chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng, nhưng lúc đó Nhân vẫn cương quyết giữ nguyên bản thảo”.

Tiểu thuyết lận đận không vì kể những điểm gì quá rùng rợn, hay nhạy cảm, mà vì nó gần gũi, chân thật về chiến tranh. Qua những nhân vật như Huy và Quân, tiểu thuyết như đặt ra các câu hỏi mang tính truy vấn về ý nghĩa của chiến tranh. Thật ra, nhưng câu hỏi như thế này không hiếm, nhưng vấn đề là không nên nói ra để nhụt chí chiến đấu, không nên tỏ bày “tâm hồn tiểu tư sản” như vậy. Thế nhưng Huy và Quân vẫn chiến đấu vì nghĩa vụ, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây chính là giá trị nhân văn của tiểu thuyết này, giúp nó chân thực và không bị lạc thời, dù cuộc chiến đã qua từ lâu.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm