Bê bối chấn động hải quân Mỹ: Tàu sân bay cũng bị 'chặt chém'

01/12/2013 07:26 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Người lính đó có một câu chuyện đời rất ấn tượng, giống như hành trình tới một giấc mơ Mỹ điển hình mà Hải quân Mỹ sốt sắng muốn kể lại nó. Nhưng vì lợi ích vật chất mà anh ta đã vứt bỏ mọi thứ cao quý đang có, để rồi dính líu vào một trong những vụ bê bối thuộc loại lớn nhất trong nhiều năm qua ở Mỹ.

Sinh ra tại một làng quê nằm ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Michael Vannak Khem Misiewicz đã được gửi đi làm con nuôi tới Mỹ từ bé, qua đó tránh khỏi cuộc diệt chủng do Khmer Đỏ tiến hành ở trong nước.

Tan vỡ "giấc mơ Mỹ"

37 năm sau, Misiewicz trở lại mảnh đất có các cánh đồng chết ngày nào, trong một bộ quân phục trắng phau, không tì vết của sĩ quan Hải quân Mỹ. Anh lúc này đã là chỉ huy một khu trục hạm Mỹ, chiếc tàu chiến mang tên lửa có điều khiển USS Mustin.

Khi bước chân rời khỏi tàu, Misiewicz đã gặp người dì và các thân nhân khác trong một cuộc đoàn tụ đầy cảm động. Các hình ảnh đã không lọt khỏi ống kính của một nhiếp ảnh gia thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tháp tùng, bên cạnh vô số phóng viên báo chí khác.

Chuyến thăm quê đầy Misiewicz hồi năm 2010 đã được Bộ Quốc phòng và báo chí Mỹ đưa tin rầm rộ

Sự trở lại quê nhà đầy vinh quang của Misiewicz vào năm 2010 sau đó đã được phòng quan hệ công chúng của Hải quân Mỹ "tô đậm". Anh cũng là một trong vài sĩ quan Mỹ gốc Á đã được quân đội bố trí để có những chuyến thăm quê gây chú ý.

Nhưng vị trí của Misiewicz như một ngôi sao đang lên đã nhanh chóng rớt xuống đất, bởi anh đang đối mặt với các cáo buộc đã nhận hối lộ, do cơ quan công tố liên bang Mỹ đưa ra, trong vụ bê bối lớn nhất của Hải quân Mỹ suốt nhiều năm qua.

Misiewicz, nay đã 46 tuổi và một số sĩ quan cộng sự đã bị buộc tội tiết lộ thông tin di chuyển của tàu chiến, vốn nằm trong bí mật. Anh ta còn bị buộc tội đã chuyển hướng các tàu chiến Mỹ tới một số cảng biển nhất định, giúp tạo lợi nhuận cho một nhà thầu của quân đội Mỹ có trụ sở ở Singapore là Công ty Glenn Defense Marine Asia (GDMA). Doanh nghiệp này đã bị cáo buộc thu phí quá cao cho hoạt động cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác cho các tàu chiến.

Mạo hiểm sự nghiệp vì vé xem Lady Gaga

Cụ thể hãng tin AFP dẫn cáo trạng của tòa án Mỹ cho biết vào cuối quãng thời gian phục vụ với tư cách thuyền trưởng tàu USS Mustin, Misiewicz đã bị ve vãn bởi một doanh nhân Malaysia tên Leonard Francis, biệt danh "Leonard béo". Ông này là Giám đốc điều hành GDMA.

Francis muốn Misiewicz dành cho công ty mình sự ưu đãi khi anh bắt đầu công việc mới trong vai trò Tư lệnh phó phụ trách các hoạt động của Hạm đội 7.

Misiewicz đã được tặng vé để đưa vợ đi xem biểu diễn vở nhạc kịch Lion King tại Tokyo. Francis còn trả tiền để họ ở trong những căn phòng siêu cao cấp tại khách sạn Shangri-La, Singapore. Theo tài liệu của tòa án, Francis còn dàn xếp để gái mại dâm mua vui cho Misiewicz.

Không lâu sau đó, Misiewicz đã gọi Francis là "Đại ca" trong các lá thư điện tử của mình. Đổi lại Francis gọi anh ta là "Tiểu đệ". Misiewicz thường gửi cho Francis thời lịch trình các chuyến thăm của các tàu chiến Mỹ, vốn là thông tin mật.

Khi nhận được tin, Francis nài ép Misiewicz thay đổi lịch trình để các con tàu này nhận đồ tiếp tế tại các "Trân Châu Cảng" nằm ở Malaysia và Thái Lan, nơi GDMA có thể thu phí cao hơn bình thường. "Tiểu đệ, anh cần thêm nhiều chuyến thăm tới các “Trân Châu Cảng" - Francis từng viết trong một lá thư gửi cho Misiewicz.

Trong cùng lá thư đó, Francis xác nhận với Misiewicz rằng viên sĩ quan sẽ có vé xem một buổi biểu diễn của nữ ca sĩ Lady Gaga. Ông ta cũng nói rằng đang sắp xếp để mua thêm nhiều vé xem các show diễn khác. 


Tàu USS Stennis đã bị GDMA thu phí tiếp tế cao gấp đôi mức bình thường

Ô uế thanh danh

Cơ quan công tố cho biết Misiewicz, đã thành công trong việc chuyển một số con tàu tới các cảng biển được Francis chọn, gồm việc đưa tàu sân bay USS John Stennis tới dừng chân ở Sepanggar, Malaysia. GDMA đã thu phí Chính phủ Mỹ 2,7 triệu USD tiền tiếp tế Stennis, trong khi thường con tàu chỉ tốn khoảng 1,36 triệu USD khi tới các cảng khác ở Malaysia.

Hiện Misiewicz đã không thừa nhận phạm tội âm mưu tham nhũng, vốn có mức phạt tối đa 5 năm tù giam. Những người quen biết Misiewicz nói rằng họ bị sốc trước thông tin và không thể nghĩ rằng một con người như anh ta lại có thể liên quan tới bê bối như vậy.

"Tôi vẫn hy vọng chuyện này không phải sự thực" - một đồng đội giấu tên viết trên một diễn đàn mạng dành cho giới thủy thủ - "Tôi đã làm việc rất gần gũi với Mike trong khoảng 1 năm, khi anh ấy còn là chỉ huy. Những cáo buộc đó hoàn toàn không giống đặc điểm tính cách anh ấy thể hiện mỗi ngày và giờ tôi không thể tin nổi".

Nhưng cũng có người thể hiện sự kinh tởm của họ, gọi Misiewicz là kẻ "có nhân cách tồi", nhận thức nông cạn, đã làm ô uế bộ quân phục đang mặc trên người.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm