Chuyện... loa phường Hà Nội

15/01/2017 07:52 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tại Hội nghị của Sở Thông tin Hà Nội gần đây, đánh giá kết quả, tác dụng của việc dùng loa truyền thanh ở địa bàn phường, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", nơi nào không còn hiệu quả thì cơ quan chức năng mạnh dạn đề xuất xóa bỏ. 

Như vậy là chuyện đã, đang hiện hữu như một sự mặc nhiên giữa rất nhiều bất hợp lý, gây ra sự bức xúc của không ít bộ phận dân chúng đã được người đứng đầu chính quyền Thủ đô Hà Nội xem xét vai trò và “sứ mệnh” của nó. Nhìn nhận lại “lịch sử” của loa phường có thể thấy tác dụng rất hữu ích trong thời chiến tranh. Những năm 1960 và 1970 loa phường là một phương tiện thông tin gần gũi, nhanh nhạy để phổ biến tin tức từ tiền tuyến, thông báo cho người dân ra hầm trú ẩn khi máy bay Mỹ ném bom. 


Loa phường đã lỗi thời?

Trong khi các phương tiện truyền thông chưa phát triển, báo giấy phát hành còn hạn chế thì việc phát thanh các bài trên báo in để cung cấp thông tin cho đại đa số nhân dân là một việc làm hết sức cần thiết và bổ ích. Loa phường không chỉ là một phương tiện thông tin sâu sát tận cơ sở mà đã cấu thành một nét trong đời sống của cộng đồng dân cư suốt mấy chục năm qua. 

Nhưng hiện nay, các phương tiện truyền thông đã phát triển rất phong phú, đa dạng, người dân nào cũng có thể tiếp cận thông tin trong nước và quốc tế qua các loại hình báo chí như báo viết, báo nói, báo hình, báo ảnh, báo mạng; do vậy thông tin từ loa phường chỉ là thông báo về các chủ đề nội bộ của phường như thời gian lĩnh lương hưu, tiêm phòng cho trẻ nhỏ, phòng chống dịch cúm gia cầm, chế độ vitamin, tuyển tân binh, đôi khi là nghị quyết của Đảng ủy và HĐND phường…

Nội dung thông tin đã nghèo nàn, không còn tác dụng thiết yếu mà lại được phát thanh vào các khung giờ không hợp lý nên đã vô tình gây ra phiền phức cho cộng đồng dân cư. Chẳng hạn như mới 5 giờ sáng khi cả khu phố đang yên tĩnh thì tiếng loa phường vang lên phá tan bầu không khí yên tĩnh quí giá với cộng đồng, lại đưa các thông tin không liên quan với nhiều người, hoặc không còn tính thời sự, thiếu chuyên nghiệp đã cho nhiều người phải “hết sức chịu đựng” chương trình phát thanh. 

Hoặc là vào giờ tan tầm chiều, khi qua các ngã tư đông nghẹt, kẹt cứng và ồn ào mà loa phường lại mở hết cỡ thì chẳng những không ai tiếp nhận được thông tin mà còn góp phần làm gia tăng ô nhiễm tiếng ồn. Ấy là chưa kể việc phát thanh loa phường còn làm tăng thêm biên chế, tiêu tốn kinh phí từ ngân sách. 

Vì vậy, không ít lần đã có các bài báo phản ánh những ý kiến của người dân về sự bất hợp lý cùng những phiền phức do loa phường gây ra; đưa ra các đề nghị dẹp bỏ loa phường vì nó đã không còn phù hợp với thực tại nhưng chưa được những người có trách nhiệm quan tâm. Nay đích thân Chủ tịch UBND Thành phố đưa ra ý kiến về việc loa phường đã hoàn thành sứ mệnh đã thể hiện sự sâu sát của người đứng đầu chính quyền thành phố và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Khi người có trách nhiệm cao nhất của chính quyền thành phố bắt đúng nhịp đập của cuộc sống thì sẽ biết rõ những nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của người dân. Từ đó sẽ có quyết sách đúng đắn để đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi đó; thể hiện tinh thần hành động tất cả vì dân. Loa phường là một tồn tại nhỏ nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm lớn vì xem xét bỏ loa phường là giải quyết một vấn đề lâu nay không được quan tâm, đã trở thành nỗi bức xúc nói không có ai nghe. 

Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện việc bỏ loa phường ở Thủ đô Hà Nội làm sao để cho các thành phố khác trong cả nước làm theo. Điều đó không chỉ là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội mà còn góp phần xây dựng văn minh đô thị của các xã, phường.

Quang Vinh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm