23/05/2019 07:16 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nếu có một cái tên cay đắng bậc nhất sau hơn một lần bắt hụt chuyến tàu lên ĐTQG thì hẳn phải là Nguyễn Việt Thắng, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam và Long An. Lần đầu, đấy là khi đội bóng dưới thời HLV Alfred Riedl tập trung chuẩn bị cho AFC Asian Cup 2007 trên sân nhà và lần thứ hai, năm 2012, thời điểm ĐTQG đi Thái Lan đá AFF Suzuki Cup.
Vào thời điểm năm 2007, Việt Thắng đang thuộc biên chế của CLB Gạch Đồng Tâm Long An, ĐKVĐ V-League, với phong độ cực cao của bộ ba Việt Thắng - Carlos Rodriguez - Carlos Antonio, cùng cặp Minh Phương - Tài Em và thủ môn Santos. Số cầu thủ Long An trên ĐTQG khi ấy, với Minh Phương và Tài Em, cũng rất thân và rất hiểu Việt Thắng.
Nhưng, HLV Alfred Riedl vẫn lắc, dù Thắng đã từng hạ mình xin một suất "xách nước, bổ cam". Đơn giản, bởi HLV trưởng người Áo đã có cặp Công Vinh - Thanh Bình chơi cực kỳ ăn ý tại chiến dịch Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Đây cũng là 2 tiền đạo mà ông Riedl nhắm tới kế hoạch kép là SEA Games 2007 vào cuối năm, diễn ra tại Korat (Thái Lan).
AFC Asian Cup 2007 thực sự là một nấc thang danh vọng với bóng đá Việt Nam nói chung và các cầu thủ nói riêng, với suất chơi tứ kết lần đầu tiên trong lịch sử. Rất nhiều người đã đổi đời từ đây. Mãi đến hơn 10 năm sau, đội bóng dưới thời HLV Park Hang Seo hiện tại mới tái lập lại được kỳ tích này, khi giải đấu được tổ chức tại UAE hồi tháng 1/2019.
Trở lại với Việt Thắng. Năm 2012, Thắng thậm chí đã phải vay nóng 500 triệu để bồi hoàn hợp đồng với Thanh Hóa, hòng thoát án kỷ luật để hy vọng HLV Phan Thanh Hùng điền tên mình đi Thái Lan như đã hứa. Lúc này, Thắng đã là nhà vô địch Đông Nam Á, đã là ngôi sao lớn, có tổng giá trị chuyển nhượng trên dưới 20 tỷ đồng, nhưng ông Hùng vẫn lắc, không phải không có lý do.
Chuyện một HLV chọn ai là việc của họ và đã nằm trong tính toán về chiến thuật, thậm chí cả bài toán kinh tế, thông qua việc bắt tay với đối tác để nâng giá cầu thủ. Đấy là việc hết sức bình thường và người ngoài khó nắm được. Việt Thắng hiện đang làm trợ lý cho HLV Lê Huỳnh Đức tại SHB Đà Nẵng, sau vài năm thử thách với vai trò đào tạo trẻ ở PVF, hẳn cũng hiểu điều này.
Toàn bộ câu chuyện của Việt Thắng và rất nhiều các cầu thủ cùng thời của anh, như Văn Vinh của SLNA từng bị từ chối cho kế hoạch chuẩn bị SEA Games 24 chẳng hạn, nói lên bản chất của bóng đá chuyên nghiệp. Không phải anh cứ chơi tốt ở CLB, hay được lăng xê, là có thể chắc suất lên ĐTQG mà đấy là việc riêng của HLV trưởng cùng ê-kíp.
Những ngày vừa qua, các thông tin về một cuộc lobby cho cầu thủ Việt kiều hay ngoại binh nhập tịch lên ĐTQG theo kiểu "quân anh quân tôi" đã làm nhiễu sóng dư luận, như một kiểu "đục nước béo cò". Chúng ta có quyền đưa thông tin, quan điểm, thậm chí là định hướng, nhưng nếu bất cứ ai trong số chúng ta lạm dụng điều đó, thì đấy không phải là việc nên làm với HLV Park Hang Seo, vì gọi ai hay dùng ai hoàn toàn là quyền hạn của ông.
Hơn 10 năm trước, lứa cầu thủ của Việt Thắng, Công Vinh…, đổi đời là nhờ các HLV Alfred Riedl, rồi Henrique Calisto, điều này không có gì phải bàn cãi. 10 năm sau, ông Park Hang Seo thực sự đã giúp bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới và việc các học trò của ông cũng đổi đời theo, là hết sức bình thường. Nước lên thì thuyền lên, bóng đá Việt Nam đang được giá.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta được phép can thiệp vào công việc của ông Park, kiểu như nên gọi cầu thủ này hay vì sao không gọi cầu thủ kia. Rõ ràng ông thầy người Hàn Quốc cần nhận được sự tôn trọng cao nhất, sau những gì mà ông làm được cho bóng đá Việt Nam trong gần 2 năm qua.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất