Làm phim lịch sử: Bao nhiêu tỷ là...vừa?

21/06/2008 12:12 GMT+7 | Phim

(TT&VH Online) - 118,8 tỷ đồng là tổng dự toán cho bộ phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn vừa mới được Giám đốc Hãng phim Truyện VN đưa ra. Và cách đó mấy hôm là thông tin về tổng dự toán bộ phim truyện video Trần Thủ Độ cũng có thể “ngốn” tới 51 tỷ đồng. Những con số từ hàng chục đến trên trăm tỷ đồng nêu trên không khỏi khiến dư luận chú ý. Có vẻ như qua rồi cái thời của “Ký ức Điện Biên”, kinh phí làm phim mới mươi mười lăm tỷ đồng đã bị xem là... kỷ lục!

* Lý giải của người trong cuộc

Giám đốc Hãng phim Truyện VN Lê Đức Tiến cho biết: “Trong 118, 8 tỷ đồng dự toán của Thái tổ Lý Công Uẩn thì: làm âm thanh trên 500.000 USD; kỹ xảo 50.000 USD/phút; cải tạo bối cảnh, phục trang, đạo cụ, vũ khí,... khoảng 34 tỷ đồng; ngoại cảnh tại Việt Nam và Trung Quốc khoảng 25 tỷ đồng...”. Như vậy, phần bối cảnh (cả cải tạo và ngoại cảnh) “ngốn” nhiều kinh phí nhất của phim. Theo kế hoạch, có 3 bối cảnh lớn: Cung Trường Xuân, Hoa Lư; khu vực điện Càn Nguyên; ngã ba sông, nơi thuyền rồng vua Lý cập bến, rồng hiện lên…

Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ sử dụng 25 phút kỹ xảo; theo giá thành mà ông Tiến đưa ra, số tiền đầu tư cho kỹ xảo khoảng 22 tỷ đồng. Tính ra thì Lý Công Uẩn vẫn “vượt trội” so với Trần Thủ Độ về kinh phí. Trong khi đó, để trải dài 15 tập Trần Thủ Độ trong khoảng 900 phút, số lượng bối cảnh chắc chắn sẽ nhiều hơn. Vậy đáng ra Trần Thủ Độ phải dự toán con số lớn hơn Lý Công Uẩn mới phải?!

Tuy nhiên, mức dự toán Lý Công Uẩn có thể hiểu là cho một bộ phim hoành tráng. Phải thừa nhận là phim nhựa cần, thậm chí rất cần đến những bối cảnh hoành tráng, thể hiện tầm vóc của sự kiện. Nhưng nói thế thì những bộ phim lịch sử của Trung Quốc phát trên truyền hình lâu nay cũng đâu có thiếu những cảnh huy động hàng trăm quân chính, rồi chiến thuyền… Và phim nhựa cũng không phải phim nào cũng cần đến những đại cảnh hoành tráng, kể cả phim lịch sử, mà vẫn hiệu quả.

Lý giải cho việc cần đến 51 tỷ đồng cho 15 tập phim, tính ra hơn 3 tỷ đồng/tập, Giám đốc Hãng phim Truyện I Tất Bình cho báo giới biết: “Tổng dự toán phim được xây dựng trên cơ sở yêu cầu của phim và kết quả của nhiều đợt khảo sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng của Hãng. Đồng thời phải căn cứ vào thực tế của điện ảnh Việt Nam khi bắt tay vào sản xuất mảng đề tài lịch sử: không bối cảnh, không phục trang, đạo cụ... tất cả phải xây dựng từ đầu nên không thể lấy mốc kinh phí sản xuất phim thông thường làm cơ sở tính toán được”.

Một hoạ sỹ thiết kế bối cảnh của phim này lý giải: Phim truyền hình lịch sử Ngọn nến Hoàng Cung dựa vào bối cảnh có sẵn là dinh thự Bảo Đại ở Đà Lạt, rồi khu di tích lịch sử Cố đô Huế… nên không phải tái tạo bối cảnh, vì thế giá thành cách đây 5 năm mới vào khoảng 100 triệu đồng/tập. Còn Trần Thủ Độ, thời điểm lịch sử của câu chuyện phim đã ở quá xa và bối cảnh phải dựng mới hoàn toàn. Có thể quay toàn bộ, kể cả nội cảnh và ngoại cảnh ở Trung Quốc, và như thế giá thành sẽ giảm hơn nữa so với con số 51 tỷ đồng, nhưng vì muốn có ra màu sắc Việt nên chỉ những cảnh nội cung hay liên quan đến ngựa xe… mới thuê mướn tại các phim trường Trung Quốc. Còn lại đều dựng lại VN…

* Bao nhiêu thì vừa?

Hoạ sỹ Vũ Huy, người được phân công thiết kế bối cảnh phim Thái tổ Lý Công Uẩn, cho rằng, dự toán 200 tỷ đồng vẫn còn ít so với quy mô kịch bản. Theo kịch bản, phần thiết kế mỹ thuật bối cảnh rất hoành tráng, thuyền bè lớn, rồi di cư cả một triều đình để xây dựng thành Thăng Long…Điều đáng nói là theo dự toán trước đây, bối cảnh khoảng 7-8 chục tỷ đồng nhưng sau khi dư luận phản ứng gay gắt với tổng dự toán gần 200 tỷ đồng, dự toán cho bối cảnh chỉ còn khoảng 25 - 30 tỷ đồng. “Nếu người Trung Quốc tính toán cho dự án này thì phải 8 trăm tỷ đồng. Dựng cung thành thời Lý, dù bằng cát-tông, rồi ghế vua ngồi… Phải sang Trung Quốc xem phòng thiết triều của Vua mới thấy (tốn kém)”, anh nói.

Ông Tất Bình so sánh: “Truyền hình CCTV của Trung Quốc làm phim Bích huyết kiếm dài 30 tập, mỗi tập 45 phút, tiêu gần hết 3 triệu đô la Mỹ, mặc dù bối cảnh, phục trang, đạo cụ, v.v... của họ đã có gần như đầy đủ, nếu có đi thuê thì cũng chỉ phải thuê với giá rất thấp. Chưa kể kinh nghiệm làm phim lịch sử của Trung Quốc đã được tích lũy từ lâu, khác với chúng ta vừa làm vừa học”. Ông cho biết thêm, để xây dựng lại Tử Cấm Thành ở trường quay Hoành Điếm, các bạn Trung Quốc phải bỏ ra gần 30 triệu đô la Mỹ và làm việc cật lực trong gần 2 năm trời!

Thật ra, nói mức tiền đầu tư cho phim thì… vô cùng. Mức đầu tư nào đều có thể coi là hợp lý theo quy mô của bộ phim. Không ít nhà làm phim, khi được báo chí hỏi đến số tiền hàng chục tỷ đồng đầu tư cho các phim lịch sử này, đều cho rằng, nên chọn quy mô giản dị vẫn hiệu quả, làm phim lịch sử không nhất thiết cứ phải hoành tráng.

Chính hoạ sỹ Vũ Huy cũng đồng tình với ý kiến trên. Nhưng theo anh, cái sự hoành tráng ấy là do kịch bản ban đầu được duyệt để làm phim.“Kịch bản được Hà Nội hướng vào một bộ phim hoành tráng. Trong không khí hào hứng muốn có những công trình văn hoá lớn cho 1000 năm Thăng Long, nhà biên kịch phóng tay viết kịch bản hoành tráng… Sao lúc duyệt kịch bản, các vị nhà giáo nhân dân, nghệ sỹ nhân dân, nhà làm phim lão thành cả… mà không cắt đi?”.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc thừa nhận: “Kịch bản của tôi có hoành tráng, nhưng là tập trung thể hiện tầm vóc hoành tráng của Đức Lý Thái Tổ ở một quyết định thiên tài: dời đô. Đây là quyết định vô cùng trọng đại, tạo ra bước ngoặt lớn lao, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc, cả đất nước. Chính vì thế, qua nhiều lần sửa chữa, phần dời đô càng được tôi nhấn mạnh. Ở kịch bản sửa lần thứ 7 của tôi, dày 112 trang, phần dời đô chiếm tới 72 trang. Càng viết, càng ngẫm, càng thấy quyết định dời đô là cuộc đổi mới, cải cách vĩ đại của Đức Thái Tổ”.

“Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào lễ kỷ niệm với rất nhiều hạng mục chứ đâu phải điện ảnh. Có điều, điện ảnh như cô gái đẹp và… nhạy cảm nên nhiều người để ý. Nếu ngay từ đầu, Hà Nội nói rằng lúc này nghèo khó thì thay vì làm phim, để tiền mà xây bệnh viện hay đền thờ/khu tưởng niệm Lý Công Uẩn như lá phổi giữa lòng thành phố để nghỉ ngơi thì…”, hoạ sỹ Vũ Huy nói. Và anh quy lỗi cho… các ông quy hoạch các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc thì liên hệ với… tổng dự toán để xây dựng Bảo tàng Hà Nội là 2.300 tỷ đồng, cũng là tiền thuế của dân. Ông cho rằng, cần phải phân biệt rõ việc đáng làm, cần phải làm, thậm chí nếu không làm là có tội với lịch sử.

* Tiền và thời gian

Chỉ còn 800 ngày mà giờ này vẫn chưa ai dám chắc có làm phim hay không. Vậy còn thời gian nào để làm hàng ngàn đạo cụ, rồi còn thuyền bè, ngoại cảnh cung điện… Có tiền mà không có thời gian để chuẩn bị thì sản phẩm nghệ thuật liệu có đảm bảo chất lượng? Nhiều nghệ sỹ đã xót xa kêu trời khi thời gian trôi qua từng ngày mà dự án vẫn nằm trơ trọi. Chỉ sợ đến lúc quyết định làm thì thời gian không còn nhiều, lại làm ẩu, làm cho có và người ta lấy đó làm nguyên nhân đổ tội cho một bộ phim dở!

Không biết các dự án này sẽ đi về đâu?!

Hải Đông – Lê Vọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm