08/11/2016 21:53 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chiều tối 8/11, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Cơ quan thường trú Đắk Nông, ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, Tổ công tác đặc biệt của huyện đang tích cực tuyên truyền, rà soát tình hình dân cư ở địa bàn xã Quảng Trực và Đắk Ngo, làm tiền đề triển khai Dự án ổn định dân cư ngoài quy hoạch tại đây (Dự án theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại công văn số 205 Văn phòng Chính phủ).
UBND tỉnh và huyện Tuy Đức đã khảo sát, chọn được 5 điểm dân cư tại 4 công ty trên, trong đó Công ty Long Sơn có 2 điểm với gần 200 hộ sinh sống, còn lại mỗi công ty có 1 điểm dân cư.
Trước đó, ngày 3/11, UBND huyện Tuy Đức đã tiến hành họp dân để tuyên truyền, thống nhất trước mắt thành lập các Ban Tự quản để quản lý dân cư, sau đó đủ điều kiện thì thành lập thôn và tiến tới thành lập xã. Trong buổi họp chiều 7/11 với các đơn vị liên quan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, huyện trước mắt phải xây dựng hệ thống đường giao thông, giếng nước, cột thu sóng điện thoại...
Cùng với đó, lực lượng công an tiếp tục tuần tra, chốt chặn, nắm bắt tư tưởng trong dân, dự báo, tham mưu cho chính quyền kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.
Về vụ xô xát giữa người dân với Công ty Long Sơn liên quan đến việc tranh chấp đất xảy ra ngày 23/10 làm 3 người chết và 16 người bị thương, ông Long cho biết đây sự việc vô cùng đáng tiếc. Bởi trước đó, ngày 5/10, UBND huyện Tuy Đức có tổ chức tiếp công dân. Buổi tiếp do Chủ tịch UBND huyện chủ trì, nội dung nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân có liên quan đến Công ty Long Sơn và một số công ty khác; đồng thời giải quyết một số vướng mắc, các vấn đề liên quan giữa người dân và công ty từ trước tới nay.
Qua tuyên truyền vận động, các hộ dân cũng rất ủng hộ chính quyền, ủng hộ công ty; mong muốn diện tích đất đang canh tác cần giữ nguyên hiện trạng, công ty không được tác động, đồng thời họ cũng không lấn chiếm đất của công ty.
Sau đó, UBND huyện Tuy Đức đã có kết luận theo ý kiến của nhân dân, yêu cầu các công ty trong đó có Công ty Long Sơn không tác động đến diện tích đất dân đang canh tác, dù chưa xác định được diện tích đất của người dân canh tác có đúng pháp luật hay không, nhưng trước mắt phải giữ nguyên hiện trạng.
Ngược lại người dân cũng giữ nguyên hiện trạng không tác dụng xấu đến diện tích đất của Công ty Long Sơn và các công ty khác đang sử dụng để chờ Dự án ổn định dân di cư ngoài quy hoạch theo ý kiến chỉ đạo tại Kết luận số 205 của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nhằm ổn định dân cư tại địa bàn 2 xã Quảng Trực và Đắk Ngo. Đặc biệt, trên diện tích đất của 4 công ty gồm: Công ty Long Sơn, Công ty Kiến Trúc Mới, Công ty Hoàng Ba và Công ty 59.
Kể từ đó đến ngày 22/10, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là khu vực 4 công ty đã ổn định, bình yên. Tuy nhiên, đến sáng 23/10 đã xảy ra vụ xung đột nói trên.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức phân tích, nguyên nhân sâu xa để xảy ra vấn đề này là do những tồn tại về quản lý đất đai, mối quan hệ giữa công ty với người dân trong hỗ trợ đền bù… Nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ nổ súng chết người này là Công ty Long Sơn đã tổ chức lực lượng cưỡng chế, san ủi vườn điều của người dân khi chưa thông báo với chính quyền địa phương. Dù người dân có sai nhưng trên đất đó vẫn có tài sản của dân là cây điều, các tài sản khác. Thứ hai, Công ty Long Sơn không có quyền cưỡng chế mà việc cưỡng chế là phải do chính quyền tổ chức, phải làm theo quy định của pháp luật. Nếu công ty Long Sơn phối hợp với chính quyền địa phương, có sự vào cuộc của các ngành, các cấp thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.Sau khi sự việc xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện cùng các ngành hữu quan phối hợp giải quyết, đến nay tình hình đã đi vào ổn định. Quan điểm xử lý của tỉnh Đắk Nông và UBND huyện Tuy Đức là: Sai thì phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
Trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có 18 công ty đang thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp. Riêng xã Quảng Trực, Đắk Ngo có 661 hộ di cư ngoài quy hoạch đang canh tác trên diện tích của 4 công ty gồm: Long Sơn, Hoàng Ba, Kiến Trúc Mới và Công ty 59. Đây chính là khu vực UNND tỉnh Đắk Nông đang tiến hành khảo sát để thu hồi một phần diện tích đất của các đơn vị này, nhằm thực hiện Dự án ổn định dân di cư ngoài quy hoạch nếu được Chính phủ phê duyệt./.
P.V - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất