Lời nguyền '3 cái chết liên tiếp' ám ảnh giới sao Mỹ

16/08/2014 14:05 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Liên tiếp 2 ngày 11 và 12/8 vừa qua, 2 huyền thoại điện ảnh Robin Williams và Lauren Bacall đã lần lượt qua đời. Truyền thông Mỹ râm ran thắc mắc ai sẽ là người tiếp theo, bởi họ bị ám ảnh bởi “lời nguyền 3 cái chết”.

Đó là một sự trùng hợp bí ẩn trong làng giải trí Mỹ khi các nhân vật nổi tiếng qua đời thường theo từng nhóm 3 người, nối tiếp nhau trong một thời gian ngắn, thường không quá một tuần. Chuyện này lặp lại nhiều đến nỗi con số 3 trở thành cái dớp.

Đơn cử là năm 2009, sau khi danh hài Ed Mc Mahon qua đời ngày 23/6,  đến ngày 25/6, hai nhân vật lớn khác lần lượt ra đi gồm siêu sao ca nhạc Michael Jackson và minh tinh Farrah Fawcett. Đó là vụ “3 cái chết liên tiếp” nổi tiếng nhất trong số khá nhiều vụ mà người ta biết tới.

Vậy nguồn gốc "lời nguyền" này từ đâu ra?

Từ một tai nạn máy bay

Chuyện bắt đầu từ một tai nạn máy bay gần hồ Clear ở bang Iowa (Mỹ) ngày 3/2/1959, đã giết chết 3 nghệ sĩ nhạc Rock and Roll là Buddy Holly, Ritchie Valens và J. P. “The Big Bopper”.

Sự kiện được gọi là “ngày qua đời của âm nhạc” dựa theo ca khúc American Pie của Don McLean. Kể từ đó, lời nguyền “3 cái chết liên tiếp” có vẻ ứng nghiệm nhiều lần.


Sau Robin Williams và Lauren Bacall, những người bị ám ảnh với lời nguyền đang chờ một ngôi sao nữa cho đủ bộ ba

Thoạt nghe lời nguyền này có vẻ hoang đường. Vì thế không lạ khi nhiều người không tin và cố gắng phủ nhận nó. Theo Washington Post, những người phủ nhận qua blog, diễn đàn, mạng xã hội bày tỏ ý kiến cho rằng cái chết của người nổi tiếng, cũng như người bình thường, diễn ra với tần suất ngẫu nhiên, không theo quy luật.

Nhưng vẫn có những người tin vào quy luật “3 cái chết” và lời nguyền này vẫn tồn tại âm ỉ trong làng giải trí Mỹ. Mỗi lần có một dẫn chứng mới là người ta lại dẫn nó ra.

Ví dụ, ngoài bộ ba của năm 2009, còn có Johnny Cash, Warren Zevon và John Ritter qua đời trong cùng tháng 9/2003. Tương tự là Suzanne Pleshette, Brad Renfro và Heath Ledger trong cùng 1 tuần vào tháng 1/2008.

Thậm chí, quy tắc này còn được mở rộng ra các nhân vật văn học và chính trị, như nhà văn Christopher Hitchens và 2 chính trị gia Vaclav Havel, Kim Jong-il vào tháng 12/2011.

Bị loại vì không đủ nổi tiếng

Trên trang web Polls Boutique, với câu hỏi “Bạn có tin rằng người nổi tiếng chết theo quy tắc 3 người?”, hơn 57% đã trả lời “Có”. Bình luận phổ biến nhất là: “Tôi từng không nghĩ thế, nhưng với cái chết gần đây của Ed McMahon, Farrah Fawcett và Michael Jackson, tôi rất phân vân”.

Thực tế nhiều khi dư luận đã cố tình bỏ bớt cái chết của một số người kém nổi tiếng hơn, qua đó làm nổi bật số 3 tai họa. Ví dụ, trong trường hợp năm 2009 kể trên, tài tử David Carradine qua đời ngày 4/6, diễn viên chuyên đóng quảng cáo Billy Mays qua đời ngày 20/6 và ca sĩ Sky Saxon qua đời ngày 25/6, cùng ngày với Jackson và Fawcett.

Carradine bị loại vì chết trước bộ ba kia tới hơn nửa tháng. Mays và Saxon không được xét đến vì chưa đủ nổi tiếng, khó sánh với những vị kia. Tóm lại, trong nhiều trường hợp, việc các bộ ba được tạo ra còn phụ thuộc vào đánh giá tương đối về mức độ nổi tiếng của người chết.

Với Sky Saxon chẳng hạn, việc nam ca sĩ này bị loại cho thấy một thực tế: nếu đủ nổi tiếng, bạn được xếp nhóm theo một lời nguyền bí ẩn, còn nếu không đủ, bạn bị lãng quên.

Bởi dựa trên nhận định chủ quan, lời nguyền “3 cái chết” không đủ để thuyết phục nhiều người. Một số người lại theo thuyết “2 cái chết”, chỉ tính nếu xảy ra trong cùng một ngày.

Marilyn Johnson, tác giả cuốn sách Dead Beat, từng nêu trường hợp 2 chính trị gia lập quốc của Mỹ Thomas Jefferson và John Adams qua đời cùng ngày 4/7/1826 (Quốc khánh thứ 50) làm ví dụ tiêu biểu.

“Đó còn hơn cả trùng hợp, đó là siêu nhiên” – Johnson viết. Và nếu theo thuyết “2 cái chết” của Johnson, thì việc Fawcett và Jackson chết cùng ngày mới đáng kể.

Vì sao lại là số 3?

3 là một con số đẹp, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống. 3 ngôi của người, hay ba thì quá khứ, hiện tại, tương lai. Thậm chí, có một trang web tên là Threes.com để tổng hợp mọi thứ xuất hiện bộ 3 trong đời sống. “Lời nguyền 3 cái chết liên tiếp” cũng là một hiện tượng được trang web này để mắt đến.

“Mỗi ngày người ta đều chết đi” – Michael Scott Eck, quản trị viên trang web này nói với Washington Post - “Nhưng chúng tôi muốn một sự hoàn thành, trọn vẹn. Tổng hợp thành bộ 3 là cách để trọn vẹn hóa những bi kịch đó”.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm