29/05/2016 13:56 GMT+7
(lienminhbng.org) - Ở Lisbon tháng 5/2014, Atletico khiến tất cả tiếc nuối và thương cảm cho họ. Sau 2 năm, ở Milan, không còn nhiều giọt nước mắt cảm thông cho thầy trò Diego Simeone.
Khi Atletico bị động
Atletico vừa có một trong những trận kiểm soát bóng cao nhất của họ ở Champions League. Theo thống kê mà UEFA đưa ra, Atletico kiểm soát bóng 54%, so với 46% của Real Madrid. Trong đó, Atletico kiểm soát đến 55 và 56% thời lượng ở hiệp 2 và các hiệp phụ. Đây là sự vượt trội so với những gì Atletico trải qua ở Champions League mùa này. Trước đó, Atletico chỉ cầm bóng 46%, thấp nhất trong số các đội vào đến vòng tứ kết.
Cầm bóng nhiều là chủ động? Với nhiều đội bóng là vậy. Nhưng quan niệm cầm bóng là chủ động không chính xác đối với trường hợp của Atletico. Càng kiểm soát bóng thì Atletico lại càng trở nên bị động, dẫn đến việc sẽ bộc lộ những hạn chế của mình.
Theo thống kê mà UEFA đưa ra, Atletico kiểm soát bóng 54%, so với 46% của Real Madrid
Ở San Siro, sự bị động sớm thể hiện khi Atletico không thể đánh phủ đầu Real Madrid, như Simeone lớn tiếng tuyên bố trong cuộc họp báo trước trận. Atletico từng khiến cho Barca lúng túng trong trận lượt về vòng tứ kết, và rồi tìm được bàn thắng sau 36 phút. Trước Bayern Munich, thế trận dồn dập mà Atletico tạo ra khiến Pep Guardiola mất phương hướng, và Saul Niguez chỉ cần 11 phút để ghi bàn thắng, sau pha solo tuyệt đẹp.
Simeone muốn đánh phủ đầu Real nhưng không thể. Trong hơn 10 phút đầu, Atletico lúng túng thấy rõ. Bàn thua là hệ quả tất yếu, cho dù Sergio Ramos đã việt vị khi ghi bàn. Zinedine Zidane đã rất cao tay khi chọn chính phong cách của Simeone để chống lại Atletico: nhường cho đối thủ cầm bóng. Atletico vẫn có thói quen chơi pressing để kiểm soát không gian và vị trí, rồi buộc đối thủ sai lầm. Để đạt được hiệu quả, Atletico hạn chế tối đa việc cầm bóng. Họ chỉ đưa ra phản ứng dựa trên cách đá của đối thủ.
Atletico của Simeone đã lộ hạn chế này, khi họ không thể chủ động tấn công trong các trận đấu cầm nhiều bóng hơn
Real đã nhường bóng cho Atletico, sau khi ghi bàn mở tỉ số. Dùng sở trường của đối thủ để chống lại đối thủ. Kết quả, Atletico liên tục tấn công, nhưng thiếu sáng tạo và ít đột biến. Đây thực tế không phải điều gì mới mẻ. Từ lâu, Atletico của Simeone đã lộ hạn chế này, khi họ không thể chủ động tấn công trong các trận đấu cầm nhiều bóng hơn.
Yếu về tâm lý
Atletico không thể chỉ trích trọng tài Mark Clattenburg. Sau khi công nhận bàn thắng việt vị của Ramos, vị trọng tài người Anh đã đền bù cho Atletico ngay những giây đầu hiệp 2, bằng cách thổi phạt đền, cho dù Pepe không hề phạm lỗi với Fernando Torres. Vấn đề ở đây là các cầu thủ đỏ - trắng không làm chủ được tâm lý.
Griezmann, ngôi sao ổn định và nổi bật nhất trong mùa giải của Atletico, thể hiện sự nặng nề về tâm lý khi sút phạt đền đi trúng xà ngang. Một cú sút mang tính giải tỏa nhiều hơn là có toan tính. Simeone đã có những chiêu bài tâm lý rất tốt, nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi toàn bộ đội bóng. Các cầu thủ Atletico hoặc là những bại tướng 2 năm trước, hoặc lần đầu đá chung kết nên đã thiếu tự tin.
Atletico không thể chỉ trích trọng tài Mark Clattenburg
Bàn gỡ 1-1 của Carrasco mang hiệu ứng cá nhân nhiều hơn là khác biệt trong lối chơi tập thể. Bàn thắng ấy cũng không thay đổi được nhiều khía cạnh tâm lý của Atletico. Bằng chứng là Atletico vẫn tấn công bị động, khi Zidane mắc sai lầm trong việc điều chỉnh nhân sự, và Jan Oblak vẫn nổi bật nhất trong đội. Rất xuất sắc trong 120 phút, nhưng chính Oblak cũng gặp vấn đề tâm lý trên loạt luân lưu, và Juanfran cũng vậy. Juanfran có pha kiến tạo tuyệt đẹp để Carrasco lập công, nhưng lại đá hỏng quả phạt đền mang tính quyết định.
Atletico đã mạnh hơn rất nhiều trong những năm qua, dưới sự dẫn dắt của Simeone, nhưng bản lĩnh của một nhà vô địch châu Âu là thứ mà họ vẫn chưa có được. Bản lĩnh và đẳng cấp là thứ không tự nhiên mà đến. Hai năm trước, Atletico sống, chiến đấu và chết một cách bi tráng, khiến cho người ta phải ngưỡng mộ. Lần này, Atletico đã không thể hiện được thần thái ấy, nên không có nhiều giọt nước mắt cảm thông cho thầy trò Simeone.
54% - Theo UEFA, Atletico cầm bóng 54% trong trận chung kết. Trong 12 trận trước đó, Atletico chỉ kiểm soát bóng trung bình 46%. 2- Juanfran đã kiến tạo thành bàn trong cả 2 trận chung kết Champions League mà anh tham dự. Anh là người Tây Ban Nha thứ 5 làm được điều này, sau Joseito, Gento, Xavi và Iniesta. 3 - Atletico là đội đầu tiên thua cả 3 trận chung kết Champions League/C1 mà mình đã đấu (1974, 2014 và 2016). |
Ngọc Huy
Thể thao & Văn Hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất