05/10/2015 09:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày 3 và 4/10 tại TP.HCM, Hội thảo khoa học toàn quốc Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam đã được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, thu hút gần 100 tham luận của những trí thức, nghệ sĩ đầu ngành trên toàn quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự, đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo và cho rằng: “Kết quả Hội thảo sẽ góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là những nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với quá trình con người phát triển toàn diện nói chung và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của con người nói riêng”.
Nguồn sinh khí mới mẻ
PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổng kết hội thảo với những ý kiến tham luận của các đại biểu.
Theo ông Nguyễn Hồng Vinh: “Hầu hết các tham luận, ý kiến đều khẳng định văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp lớn trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế với hàng loạt tác phẩm có giá trị thức tỉnh, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hướng tới những phẩm chất đạo đức mới, bồi đắp lẽ sống và lý tưởng, nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam”.
Những tác phẩm đó, theo ông Nguyễn Hồng Vinh, là của những tác giả lớn trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phan Kế An, Diệp Minh Châu, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Đặng Nhật Minh, Thu Bồn, Lưu Quang Vũ… Những tác phẩm này hướng con người đến các giá trị “chân - thiện - mỹ”, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác.
Một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách người Việt chính là lòng yêu nước. Khi tình hình Biển Đông có những biến động phức tạp, trong hai năm 2011 - 2012, cuộc thi thơ, nhạc Đây biển Việt Nam thu hút lượng lớn văn nghệ sĩ tham gia với trên 1.500 tác giả với kết quả đáng trân trọng.
Ông Nguyễn Hồng Vinh cho rằng: “Sau một giai đoạn mà chất sử thi, anh hùng ca lắng xuống, thì cuộc thi này đã khơi dậy và thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước mạnh mẽ, cổ vũ ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài cuộc thi này, chủ đề biển đảo, chủ quyền dân tộc… tiếp tục được văn nghệ sĩ hưởng ứng, khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo mới trong văn, thơ, nhạc, múa, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật… trên toàn quốc.
Điều này đem lại sinh khí mới mẻ, có tác dụng lớn trong giáo dục nhân cách, lý tưởng sống của con người Việt Nam trước bối cảnh đất nước đan xen thời cơ và thách thức, vận hội và nguy cơ”.
Còn nhiều tác phẩm chỉ đề cao giải trí
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh: “Bên cạnh những thành tựu đạt được, thì sáng tạo văn học nghệ thuật về đạo đức, về nhân cách con người tuy đã được phản ánh với số lượng không nhỏ về những mặt tốt, mặt trái của đạo đức, nhân cách; song nghiêm túc nhìn nhận thì còn không ít tác phẩm chưa khắc họa được rõ nét những nhân vật điển hình mang tính tích cực. Nhiều tác phẩm có nội dung thiếu tính xây dựng, thậm chí phản giáo dục, phản đạo đức, phản nhân cách”.
Một số tham luận nhấn mạnh: Bên cạnh nhiều tác phẩm thể hiện được sinh khí xã hội, khát vọng đổi mới, còn không ít tác phẩm mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật. Cá biệt, đã xuất hiện những tác phẩm xuyên tạc, làm sai lệch bản chất đổi mới, thậm chí phủ nhận quá khứ.
Không ít tác giả, nhất là tác giả trẻ vẫn quá say mê với các đề tài “thời thượng”, những chủ đề “hot”, như: bạo lực, tình dục, bản năng mà quên đi chức năng dự báo của văn học… Tác phẩm văn học, nghệ thuật có xu hướng dễ dãi, chiều theo thị hiếu của thị trường, thể hiện ở nhiều lúc, nhiều lĩnh vực có biểu hiện áp đảo.
Ông Nguyễn Hồng Vinh cho rằng: “Quá trình sáng tạo là quá trình “gạn đục khơi trong”, là tôn trọng các giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc, của những nhân vật lịch sử đã nằm lòng trong các thế hệ người Việt Nam.
Nhưng mấy thập niên gần đây, xuất hiện một số tác phẩm “giải thiêng”, phủ nhận quá khứ và bài xích một số anh hùng dân tộc được nhân dân tôn kính. Một số tham luận chỉ ra hiện tượng sùng bái hình thức, tự đánh bóng mình, biến thật thành giả, cố tạo scandal trong một số hoạt động văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh…
Nhiều nghệ sĩ có phần thờ ơ, thu mình trong thế giới riêng, thiếu chí khí đổi mới tư duy, chạy theo tâm lý đám đông và tìm kiếm lợi nhuận. Nhiều tác phẩm xa rời vấn đề cốt lõi của cuộc sống, đề cao một chiều chức năng giải trí, coi nhẹ chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của tác phẩm, đang có chiều hướng tăng lên”.
Trạc Tuyền (lược ghi)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất