Luật 'No drumming laws' - Khi nước Mỹ cấm đánh trống

16/09/2017 07:34 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Bộ trống hôm nay không thể thiếu trong ban nhạc hiện đại, kể cả dàn nhạc giao hưởng hay tuồng chèo. Chắc chắn âm thanh của trống, chiêng, bộ gõ nói chung còn sinh ra trước âm nhạc được ký âm theo cách như hiện nay. Nhưng không phải lúc nào nó cũng được trân trọng. Các thuộc địa của Bắc Mỹ hồi thế kỷ 18 từng bị cấm đánh trống - để ngăn ngừa một cuộc cách mạng!

“Để bảo đảm an ninh, phải hạn chế dùng trống và các dụng cụ phát tiếng động lớn nhằm tập hợp đám đông hoặc phát tán tín hiệu hoặc truyền đi những kế hoạch tiêu cực”, và cụ thể hơn nữa: “Tù trưởng nào cho phép dân đánh trống thì bị phạt 10 pound mỗi lần vi phạm” - trích Luật Nam Carolina 1740.

Hôm nay khó có ai nhịn cười khi nghe điều 36 của “Luật nô lệ”, nhưng đó mới chỉ là một trong rất nhiều chi tiết khôi hài của “Luật cấm đánh trống (No drumming laws)” dành cho các thuộc địa của Bắc Mỹ. Bang Georgia cũng chép lại gần như từng dấu phẩy đạo luật trên để áp dụng cho các địa phương trong khu vực. Một thế kỷ sau vài địa phương miền Nam vẫn cấm trống trong các buổi biểu diễn âm nhạc, không hiếm khi cảnh sát lên tận sân khấu để xử lý vi phạm!

Nỗi sợ của các chủ nô lệ trước khả năng truyền thông qua bộ gõ không phải vô cớ. Tuy nhiên, trái với mọi mong đợi, họ không thể hủy diệt được văn hóa này. Thậm chí các nhà nghiên cứu âm nhạc nhất trí rằng chính lệnh cấm đó đã phát minh ra bộ gõ hiện đại.   

Chú thích ảnh
813 trống chiêng các loại, hơn 2 tấn trọng lượng và kết quả sưu tầm từ 20 năm! Đây không chỉ là bộ gõ lớn nhất thế giới - theo Guinness - mà còn… thiêng nhất, vì chủ sở hữu của nó là mục sư Mark Temperato ở Lakeville (New York), và ông muốn qua đó thể hiện đức tin sâu nặng của mình. Để gõ mỗi thứ một nhát, mục sư cần khoảng 60 phút   

“E-mail” của rừng già

Từ đầu thế kỷ 16, hàng trăm ngàn người da đen ở Tây Phi được chở qua Mỹ làm cu-li trên các đồn điền. Nhưng trước đó từ lâu, khi những người da trắng đầu tiên đi thám hiểm châu Phi, họ đã biết chắc thổ dân ở đây không chỉ dùng trống để giải trí, mà còn truyền thông tin qua khoảng cách lớn. Họ gọi dụng cụ này là “trống biết nói” và sử dụng nó từ bao đời. Trẻ con bộ lạc Adiukru phải học cách diễn tả ý mình bằng trống. Một số ngôn ngữ như của người Bulu được thể hiện qua nhịp điệu và cao độ như tiếng trống. Khi gõ trống để truyền tin, thoạt tiên người phát tin gõ tên mình rồi đến tên người nhận, sau đó đến thông điệp cần gửi đi - qua một khoảng cách đến 24 cây số! 

Các nhạc sĩ có loại “trống biết nói” riêng của mình. Chẳng hạn loại trống Dundun của dân Yoruba hay cặp dưới nách có chằng dây trên mặt trống, do đó có thể tác động vào cao độ của âm thanh. Khi gõ, người gõ điều chỉnh lực kéo dây để bắt chước âm điệu của tiếng nói cũng như nhịp câu. Một số ít ngôn ngữ châu Phi có thể thể hiện hoàn toàn bằng trống.

Khi bị lùa lên tàu sang Mỹ, các nô lệ tương lai đem theo trống truyền thống của bộ lạc mình, với lý do rất thực dụng: Trên các chuyến hải hành dài ngày, họ cần nhảy múa như một dạng thể dục để giữ sức khỏe và “giữ giá” khi bị đem bán ở chợ nô lệ.

Chú thích ảnh
"Thiết kế này hướng đến hình thức lý tưởng để con người vượt lên khỏi các phương pháp thể hiện sẵn có” - các kỹ sư của Yamaha nói vậy, nhưng hình như chưa thấy nhạc công nào muốn thử 

Đánh trống không trống

Chẳng bao lâu các chủ đồn điền nhận ra nô lệ da đen của mình có thể truyền thông tin qua khoảng cách lớn bằng thứ ngôn ngữ lạ. Bằng tiếng trống, các nô lệ hỗ trợ những người chạy trốn và điều phối các vụ nổi loạn. Ví dụ như cuộc bạo loạn Stono hồi 1739, được coi là khởi nghĩa nô lệ lớn nhất ở thuộc địa Anh trên đất Hoa Kỳ.

Hệ quả tất yếu là đạo luật “No drumming laws” ra đời, và nó có tác dụng ngay. Từ 1740 cả đất Bắc Mỹ không bói ra nổi một cái trống. Nhưng cái khó ló cái khôn: nô lệ da đen sáng tạo âm thanh bằng đủ loại “nhạc cụ” khác như thìa, nồi, gậy… Nhà xã hội học Ortiz Walton năm 1980 có xuất bản cuốn Music: Black, White, and Blue, trong đó ông nhắc đến phản ứng sáng tạo của người nô lệ: “Người ta chuyển công năng của trống sang chân, tay và cơ thể” - nói cách khác là khiêu vũ.

Trong điệu nhảy Pattin' Juba, còn gọi là điệu Hambone, người múa giậm chân lên nền đất và vỗ tay lên đùi, ngực, tay và má. Sau này họ không chỉ nhảy ở trang trại, mà còn biểu diễn cho khách da trắng như ở các buổi diễn “Minstrel Show.” Vũ công nổi tiếng William Henry Lane là nghệ sĩ da đen đầu tiên được biểu diễn trong nhà hát vốn chỉ dành cho khán giả da trắng.

Pattin' Juba hay Juba là cụ tổ của môn khiêu vũ Tap dancing sau này, nhưng quan trọng hơn, nó làm cuộc cách mạng trong bộ gõ. Trước đó người ta chơi trống theo nhóm, như một dàn hành khúc với mỗi nhạc công một trống. Trong “Pattin' Juba” chỉ một người dùng cả hai tay để chơi hai trống - khó tin, nhưng đúng là lần đầu tiên trong lịch sử!

Chú thích ảnh
Một nhạc công nghiệp dư ở Bờ Biển Ngà không có tiền cho bộ trống đắt tiền của Yamaha, bèn thiết kế nhạc cụ của mình từ những thứ dạt từ biển vào bãi cát

Tay tồi nhưng đầu sáng

Phát minh mới này có nhiều công hiệu lâu dài hơn cả thời điểm chấm dứt chế độ nô lệ vào năm 1865, vì nó tiết kiệm cả diện tích lẫn tiền. Cuối thế kỷ 19 cách thức biểu diễn âm nhạc ở Mỹ có nhiều thay đổi. Như ở nhiều nhà hát cũ, các nhạc công chơi nhạc trên một sàn hạ thấp so với mặt sân khấu. Nay nhạc công biểu diễn chủ yếu ở nhà hàng, vũ trường, du thuyền v.v… trên các diện tích bé xíu để nhận đồng lương chết đói. Thay vì nhiều nhạc công chen chúc, bộ gõ mới cho phép một người tung hoành với bộ gõ phong phú. Thoạt tiên người ta kê trống trầm (bass) bên cạnh, chồng lên trên một trống nhỏ, gọi đó là kỹ thuật gõ kép (double drumming), trông còn lâu mới giống bộ gõ hôm nay - cho đến khi một thầy phù thủy xuất hiện.  

Đi chợ nông sản lâu đời nhất nước Mỹ

Đi chợ nông sản lâu đời nhất nước Mỹ

Đấy là chợ Public Market, nằm ở cuối đường Pike bên bờ Vịnh Elliott (Elliott Bay), thuộc thành phố Seattle. Trước khi vào chợ, bạn có thể ra vịnh ngắm hải cảng.

William Ludwig là người Đức 19 tuổi, thường được chơi trống trong nhà hát Auditorium Theatre ở Chicago. Anh chàng lúng túng không theo kịp với tiết tấu jazz và ragtime ngày càng nhanh từ khi nhạc châu Phi chinh phục nước Mỹ. Double drumming cũng bất lực vì dàn nhạc đòi hỏi nhiều nhịp trống pha trộn hoặc thậm chí chạy song song ngược nhau. Và Ludwig nảy ra một sáng kiến thiên tài: anh lắp một bàn đạp để truyền lực đạp đến dùi trống, sau đó giật lại nhờ lò xo. Giờ thì nhạc công có thể sử dụng cả tứ chi! Sáng kiến này được hưởng ứng rộng rãi và 1910 Ludwig bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Ý tưởng không chỉ dùng hai tay mà còn “đạp” trống bằng chân ngày càng lan rộng, nhạc công chơi trống kiểu này giống như vũ công Pattin' Juba hồi thế kỷ 18, vừa nhảy vừa vỗ tay và giậm chân theo nhịp. Thế là các nô lệ Mỹ, dù không chủ ý, đã thúc đẩy quá trình tiến hóa của bộ gõ - quả là sự trớ trêu của lịch sử, khi chính bộ gõ hiện đại ấy lại xác nhận chỗ đứng của nhạc châu Phi đa nhịp điệu trong âm nhạc Mỹ và từ đó đi khắp thế giới.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm