10/04/2024 07:36 GMT+7 | Văn hoá
Với bản dựng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử, hình ảnh của nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt một lần nữa xuất hiện trên sân khấu kịch. Đức ông Lê Văn Duyệt cùng các câu chuyện ly kỳ về cuộc đời mình và những nhân vật liên quan đã hiện lên lung linh dưới ánh đèn sân khấu qua sự dàn dựng của đạo diễn Hoàng Duẩn.
Vở kịch này được công diễn vào tối ngày 10/4 và sẽ diễn thường xuyên tại Nhà hát Thanh Niên (Nhà Văn hóa Thanh Niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM).
Nội dung khá sát với sử liệu
Vở kịch Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử chủ yếu tập trung vào câu chuyện đối đầu giữa Lê Văn Duyệt và Phó Tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý dưới triều vua Minh Mạng. Qua những cuộc đối đầu đầy cam go giữa họ, người xem sẽ thấy được tấm lòng vì dân vì nước và bản lĩnh của vị Tả quân, từ đó để hiểu vì sao ông chiếm vị trí trang trọng trong lòng người dân Nam bộ.
Người dân sống cơ cực vì tô thuế nặng nề, cùng sự nhũng nhiễu, tham lam, cậy quyền cậy thế của Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý - đồng thời là cha vợ vua Minh Mạng.
Khi Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn thành Gia Định, đời sống của người dân nơi đây đã thay đổi: Những tấm áo tả tơi đã lành lặn, gương mặt lo lắng đã được thay thế bằng những nụ cười. Bởi vì, ông là vị quan có công lớn dưới thời vua Gia Long, được ban cho đặc quyền vào triều không cần quỳ lạy vua, tiền trảm hậu tấu, nên đã biến những đặc quyền ấy thành sức mạnh chống lại một thế lực xấu xa, để đem lại cuộc sống thanh bình cho người dân.
Những người dân áo rách bị hà hiếp, tiếng đàn kìm và tiếng hát của 2 ông cháu "nghệ sĩ" cất lên, hoặc cái chết của Lê Văn Duyệt trong thanh âm của âm nhạc dân gian Nam bộ và tiếng voi gầm... là những cảnh lay động trái tim khán giả.
Ước mơ Sân khấu sử Việt học đường
Kịch IDECAF là nơi đã giới thiệu các vở kịch lịch sử đến với công chúng trong nhiều năm nay và được khán giả đón nhận tích cực như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê... Vậy nên, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ấp ủ ý tưởng xây dựng một sân khấu đem đến cho khán giả trẻ những vở kịch lịch sử đẹp trong nhiều năm nay. Dù đầu tư các vở kịch lịch sử khá tốn kém, tập luyện vất vả, diễn khó hơn, có thể khó bán vé... nhưng mong muốn người trẻ Việt Nam hiểu và yêu sử Việt đã thôi thúc Huỳnh Anh Tuấn cho ra đời Sân khấu sử Việt học đường.
"Chúng tôi sẽ không chỉ đơn thuần tạo ra những vở kịch nghệ thuật, mà còn mong muốn Sân khấu sử Việt học đường là không gian học tập lịch sử hấp dẫn. Chúng tôi có nhiều mức ưu đãi về giá vé và trích kinh phí tổ chức xe đưa đón học sinh, sinh viên", ông Tuấn chia sẻ thêm về dự án này.
Nhà hát cũng dành một sảnh để trưng bày những thông tin sơ bộ về nội dung vở diễn, các nhân vật và các poster để khán giả tìm hiểu trước khi thưởng thức vở kịch.
Cách IDECAF trở lại với kịch lịch sử
Tính từ vở Vua Thánh triều Lê công diễn vào năm 2017, đến nay đã 7 năm, Kịch IDECAF mới trở lại diễn một vở lịch sử. Vì vậy, ai cũng dồn hết tâm huyết của mình cho Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử. Các diễn viên đều đã làm tốt phần việc của mình, từ vai chính, vai thứ cho đến vai anh lính say rượu...
Một nhân vật tưởng chừng như tâm lý không có thay đổi nhiều, không có đấu tranh nội tâm như Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý - trước sau là một tham quan cậy quyền thế - nhưng qua nét diễn của Đại Nghĩa đã có những biến hóa thú vị. Nhìn cách diễn của diễn viên Đại Nghĩa thì biết anh đã đầu tư nhiều cho vai diễn này. Anh nồng nhiệt trong từng điệu bộ của nhân vật, từ cái phất tay đến bước chân di chuyển, bằng cách mượn nét diễn của diễn viên hát bội...
Sự trịch thượng, ngang ngược của một người tự cho mình nhiều quyền, vì là cha vợ vua; nét hèn yếu, run sợ khi bị tổng trấn ra quyết định xử tử; biến sắc khi nhận ra mình không thể thay đổi quyết định của Lê Văn Duyệt… đều được Đại Nghĩa xử lý rất tốt.
Khác với Đại Nghĩa, diễn viên Đình Toàn (vai Tả quân Lê Văn Duyệt) rất có lý khi chọn nét diễn dịu dàng với người vợ tri kỷ, thân tình với người bạn Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu, nhẹ nhàng với người dân và cứng rắn, dứt khoát, không thỏa hiệp với tham quan Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý. Vì đây là bối cảnh xử lý những chuyện "nội bộ" ở thành Gia Định, nên khán giả không cần thấy sự dũng mãnh của Lê Văn Duyệt khi chỉ huy nơi trận mạc, nhưng sẽ cảm nhận được những thay đổi nội tâm, mỗi khi rơi vào cuộc đấu trí với vua Minh Mạng và với Huỳnh Công Lý.
Đình Toàn đã đem lại sự xúc động cho khán giả vì cách thoại rất tình cảm mỗi khi nhân vật đến với người dân, hoặc tâm tình cùng vợ và cả những cử chỉ dịu dàng, cúi người xuống cùng người dân, đưa 2 tay dìu dắt, nâng đỡ khi bà con đến phủ của mình.
Diễn viên Quang Thảo lần đầu tiên đến với kịch lịch sử đã gặp ngay một vai khó, nhưng anh đã làm được. Vai vua Minh Mạng của anh có nhiều phân vân trong cách hành xử với Huệ Phi - người vợ đang được nhà vua sủng ái - sau những lần hay tin cha bà hại dân hại nước, có sự trăn trở mỗi khi đưa ra các quyết định liên quan đến Lê Văn Duyệt, vì vừa kính nể vừa bực tức... khiến khán giả có cái nhìn đa chiều về nhân vật này.
Diễn viên Hoàng Trinh khá "thuận tay" khi nhận vai Đỗ Thị Phận - chánh thất phu nhân của Tả quân Lê Văn Duyệt - vì có nét dịu dàng, sang trọng. Chỉ tiếc, Quốc Thịnh là diễn viên tốt, nhưng đất diễn cho nhân vật Trương Tấn Bửu của anh còn khá ít.
Kịch lịch sử cần được… tranh luận
Vừa tả thực vừa ẩn ý là chìa khóa mà đạo diễn Hoàng Duẩn đã tìm ra để dựng vở kịch này. Khán giả có tìm hiểu về Tả quân Lê Văn Duyệt sẽ thấy thú vị với những điệu bộ mà diễn viên mượn từ hát bội, cách nói thơ kiểu Bạc Liêu, hoặc tiếng ngựa phi, voi rống, được cài cắm hợp lý trong các tình huống.
Sân khấu được họa sĩ Lê Văn Định thiết kế theo lối tối giản, chỉ với phông màn, một ít bục bệ mà khán giả không cảm thấy nghèo nàn, chỉ cần vài di chuyển đã có thể thay đổi bối cảnh. Hai bên sân khấu là hình ảnh bông lúa, con cá, bầu rượu, cọ viết, dụng cụ khai hoang... có những dẫn dắt khán giả đến với đất phương Nam.
Nói chung, không cần cảnh trí hoành tráng, không có nhiều đạo cụ, nhưng vẫn thể hiện được ý đồ dàn dựng. Đó là lựa chọn tốt khi dựng trên một sân khấu có sàn diễn khá hẹp và hệ thống đèn chiếu sáng chưa được tốt.
Vì Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử là vở diễn nằm trong Dự án Sân khấu sử Việt học đường, nên hy vọng sẽ mở ra nhiều cánh cửa để khán giả học sinh - sinh viên tò mò, tìm hiểu, tranh luận về lịch sử. Khán giả có thể thắc mắc: Liệu thông tin Lê Văn Duyệt trảm Huỳnh Công Lý trước khi tấu vua có chính xác không? 9 án tử dành cho Lê Văn Duyệt là gì? Vì sao Lê Văn Duyệt không đội mũ phốc đầu vuông (thường gọi là mũ cánh chuồn)? Gia Định thành và thành Gia Định khác nhau như thế nào?... Chính những thắc mắc này, thậm chí tranh luận, thì Sân khấu sử Việt học đường đã đạt được mục đích của mình.
Hoàng Duẩn lần thứ 3 dựng nhân vật Lê Văn Duyệt
Vở kịch Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử được dựng và chỉnh lý trên kịch bản gốc Người mang 9 án tử của nhà biên kịch Phạm Văn Quý. Đạo diễn Hoàng Duẩn là người khá có duyên với đề tài về Lê Văn Duyệt. Năm 2008, anh là trợ lý đạo diễn của NSND Doãn Hoàng Giang khi ông làm vở Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau đó, anh dựng vở cải lương Án tử được HCV Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2020 và bây giờ là kịch Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử.
Với những thành quả đã có, Hoàng Duẩn gặp áp lực vì phải tìm một chiếc chìa khóa mới để không lặp lại chính mình cho lần dàn dựng này. Thế nhưng, anh cũng cho biết mình có nhiều thuận lợi và may mắn.
"Anh Huỳnh Anh Tuấn là người rất mê kịch lịch sử, diễn viên IDECAF giỏi, khát khao diễn kịch lịch sử và những cộng sự khác như biên kịch Võ Tử Uyên, biên đạo múa Vĩnh Khương, nhạc sĩ Cao Minh Thu, họa sĩ Lê Văn Định, nghệ sĩ Ngọc Khánh cố vấn hát bội... cũng đều hỗ trợ tôi rất nhiều" - Hoàng Duẩn cho biết.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất