Sách cho tuổi mới lớn: Cần nhất nhưng thiếu nhất

26/12/2012 09:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - 10 năm, Tủ sách Teen của NXB Kim Đồng đã “đỡ đầu” cho nhiều tác phẩm trong nước, ít nhiều tạo thành đối trọng với… tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đang chiếm lấy sự quan tâm của nhóm độc giả mới lớn “già dặn nhưng dễ vỡ” hiện nay.

Kỷ niệm 10 năm Tủ sách Teen, tuần qua, NXB Kim Đồng cũng tổ chức gặp mặt các tác giả viết cho tuổi mới lớn tại TP.HCM nhằm trao đổi kinh nghiệm viết cho bạn đọc ở lứa tuổi này.

Sách “của Teen, do Teen, vì Teen”

Tủ sách Teen (tên gọi hiện nay) được lập ra vào năm 2002 khi ban lãnh đạo NXB Kim Đồng thời đó, đứng đầu là Giám đốc Nguyễn Thắng Vu, nhận thấy một lượng lớn độc giả “lửng lơ giữa trẻ em và người lớn” (khoảng từ 13 đến 18) từ lâu nằm ngoài phạm vi phục vụ của Kim Đồng, cũng không phải đối tượng của NXB Thanh Niên. Tủ sách Tuổi Mới Lớn ra đời, mở rộng biên độ lứa tuổi của sách Kim Đồng (trước đó chỉ giới hạn ở 14).

Và cũng từ một băn khoăn của nhà thơ Cao Xuân Sơn (hiện là Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP. HCM): “Ở nước ta, sách văn học cho tuổi mới lớn luôn trong trạng thái hụt hẫng. Đây chính là độ tuổi cần sách nhất nhưng lại thiếu sách nhất, đặc biệt là sách văn học”.

Một số bìa sách văn học thuộc Tủ sách Teen.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn cũng là người phụ trách và biên tập mảng sách teen thời gian đầu. Vài năm trở lại đây, mảng sách này do hai nhà văn Vũ Đình Giang và Nguyễn Thị Châu Giang phụ trách.

Định hướng cho tủ sách, theo ông Sơn, là: “Của Teen, do Teen, vì Teen”. “Thời nào cũng vậy, người đọc luôn đi tìm bóng dáng chính mình trong văn học. Bạn đọc Teen cũng không phải ngoại lệ. Có điều, họ ít kiên nhẫn hơn người lớn nhiều bởi dù sao họ vẫn chưa lớn 100%. Viết cho họ, vì thế, thật không dễ như nhiều người nhầm tưởng”.

Sau 10 năm, số lượng đầu sách của Tủ sách Teen lên tới vài trăm.

Tuổi mới lớn “già dặn nhưng dễ vỡ hơn”

10 năm qua, đặc biệt là 10 năm chứng kiến nhiều thay đổi thời cuộc, một thế hệ độc giả mới đã hình thành. Thị hiếu của độc giả tuổi Teen Việt cũng thay đổi theo. Thái độ vồ vập, háo hức, lạ lẫm lúc đầu đã nhanh chóng qua đi. Từ chỗ là “hàng hiếm”, phim ảnh, sách báo cho Teen của các nước trong khu vực “thẩm thấu”, tuôn chảy ồ ạt vào đời sống khiến cách cảm, cách nghĩ của họ biến đổi theo.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn nói: “Dường như các em già dặn hơn, thông minh hơn, nhưng cũng mong manh, dễ vỡ hơn. Tuy nhiên, “cả thèm chóng chán” có lẽ vẫn là nét nổi trội của lứa tuổi này, dù là thời nào. Bởi vậy, làm sách cho teen, chỉ cần lơ đễnh chút xíu là bị độc giả cho “hít khói” ngay!”.

Giới làm sách cho Teen ở Việt Nam đang mất độc giả (phần lớn là nữ) vào tay các tiểu thuyết ngôn tình người lớn của Trung Quốc hay “fanfiction” (truyện người hâm mộ viết) được phổ biến qua các mạng xã hội và ngày càng được xuất bản ào ạt.

Về hiện tượng này, ông Sơn nhận định: “Tôi thấy bình thường. Vẫn là “cả thèm chóng chán”. “Hot” đấy, rồi lại “nguội” ngay đấy. Tuổi mới lớn cũng cần những cơn sốt kiểu “vỡ da vỡ thịt” để lớn lên, không nên lo lắng thái quá”.

Nhân vật văn học Teen: Hoang mang và chưa dám quyết liệt

Đâu là điểm thiếu sót của văn học Teen ở Việt Nam hiện nay?

Có thể học hỏi từ một dòng văn học viết cho teen cực kỳ thành công trên thế giới: văn học kỳ ảo (Harry Potter, Eragon - Cậu bé cưỡi rồng, Chạng vạng…). “Điều cốt lõi của hầu hết tác phẩm kỳ ảo viết cho Teen của phương Tây, là các nhân vật phe thiện luôn sẵn sàng dấn thân đến tận cùng”, theo nhà văn Nguyên Hương - một trong những tác giả viết cho Teen nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay.

Chị Hương viết trong bài tham luận nhân kỷ niệm 10 năm Tủ sách Teen vừa qua: “Đó là điều khác biệt với chúng ta. Trong những tác phẩm cho Teen của Việt Nam, thường thấy nhân vật hoặc vô tư hồn nhiên với việc thường ngày là học và chơi, hoặc tương tư mơ mộng lan man, thay vì can đảm đối diện và vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên. Hoặc nhân vật già dặn hơn tuổi với những suy nghĩ đầy những dấu hỏi về nỗi hoang mang và sự hụt hẫng thất vọng giữa điều mình được dạy dỗ và những điều mình chứng kiến.

Chưa thấy có những nhân vật dám đối diện với vấn đề một cách quyết liệt và giải quyết bằng cách dấn thân gánh vác trọng trách. Mà đó chính là yếu tố cần thiết cho độc giả tuổi Teen ngoài yếu tố giải trí”.

Tủ sách Teen ra đời vào ngày 26/2/2002, ngày phát hành cuốn đầu tiên: truyện vừa Ba trong một của Bùi Chí Vinh. Tên gọi đầu tiên là Tủ sách Tuổi Mới Lớn, từ ba năm nay đổi tên thành Tủ sách Teen bao gồm Teen văn học, Teen cẩm nang sống, Teen giải trí.

Thời gian đầu, chỉ có những nhà văn lớn tuổi vào cuộc (Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Quang Sáng…). Về sau, các cây viết trẻ tham gia sôi nổi, từ những nhà văn đã có tên tuổi ở dòng văn học người lớn (Vũ Đình Giang, Nguyễn Châu Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy) đến những cây bút học trò (Minh Nhật, La Thị Ánh Hường, Đỗ Thanh Vân). Thành công nhất phải kể đến Nguyễn Nhật Ánh. Hiện tại, có hai nhà văn Nguyên Hương và Phan Hồn Nhiên là vẫn viết nhiều và đều.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm