06/07/2015 10:37 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Được biết đến như một chuyên gia về giáo dục với những quan điểm khá thẳng thắn và khách quan, TS Giáp Văn Dương từng có hơn chục năm làm việc tại nước ngoài trước khi quay về Việt Nam và mở cổng đào tạo trực tuyến mở GiapSchool. Đó là lý do Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tìm gặp anh trong chuyên mục kỳ này.
Nhưng, thay vì nói về bản thân mình, Dương tỏ ra hào hứng hơn khi chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về văn hóa đọc, về thực trạng tích lũy tri thức hiện nay - những câu chuyện đang gắn liền với công việc của anh.
* Đã từng có những ý kiến khá tiêu cực về nhu cầu tự đọc, tự học của các bạn trẻ hiện nay. Nhưng ngược lại, với những gì đang có trong tay, dường như chúng ta cũng chưa có cách nào để cải thiện điều này?
- Đọc là cách hiệu quả nhất để tích lũy tri thức. Nhưng việc tưởng chừng đơn giản ấy cũng chưa trở thành thói quen của cộng đồng. Không những thế, cũng không có được điều kiện thuận lợi để cải thiện.
Có nhiều lý do cho sự không thuận lợi ấy. Thực tế, trong truyền thống của mình, người Việt vốn không có thói quen ghi chép, lưu trữ, phân tích tư liệu. Các nhà khoa học, hay các chuyên gia người Việt, cũng ít quan tâm đến việc viết sách khoa học cho đại chúng. Kết quả là chúng ta thiếu cả sách chuyên khảo và sách phổ biến tri thức bằng tiếng Việt, do người Việt viết. Với sách dịnh thì chúng ta cũng chưa làm được bao nhiêu. Dẫn đến ý thức tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ sách vở của số đông nói chung đã yếu lại càng thêm yếu.
Ở đây, có lỗi của cả phía các nhà xuất bản, độc giả và quan trọng hơn hết là từ phía các nhà làm chính sách. Do đó, nếu đổ lỗi cho ngành xuất bản hay độc giả thì cũng chỉ là một phần của câu chuyện. Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng: nền kinh tế và công nghiệp Việt Nam chưa phát triển tới mức thôi thúc người ta phải cập nhật những kiến thức khoa học hiện đại như một nhu cầu sống còn. Vì thế, cầu không đủ lớn để các nhà xuất bản đầu tư làm những cuốn sách nhiều hàm lượng tri thức, mà nghiêng sang các ấn phẩm dễ dãi, vô thưởng vô phạt.
Rồi, chừng nào chương trình giáo dục còn như hiện tại thì câu chuyện vẫn sẽ bế tắc. Bởi, để hình thành nhu cầu tự học, tự đọc, các em phải được làm quen với việc đọc, tra cứu, tìm tài liệu... khi còn trên ghế nhà trường. Việc sử dụng sách tham khảo phải trở thành một phần của việc học. Nhưng, chương trình hiện thời bám sát sách giáo khoa, không còn một kẽ hở nào cho học sinh tham khảo thêm sách bên ngoài. Học sinh học chính khóa và học thêm tối ngày, không còn thời gian để đọc sách bên ngoài. Phương pháp giảng dạy cũng không khuyến khích các dự án nghiên cứu nhỏ. Học chỉ để thi, theo dạng mẫu định sẵn, nên chỉ cần ôn luyện nhuần nhuyễn hoặc thuộc lòng mà không cần đọc rộng biết nhiều. Vì thế, sách tham khảo bị đánh bật ngay tại cổng trường. Lên đại học câu chuyện sẽ lặp lại với giáo trình, hoặc các bài giảng chép tay của thầy. Sinh không cần đến sách chuyên khảo của bên ngoài vẫn có thể tốt nghiệp.
* Anh chưa đề cập tới sự xuất hiện của internet trong hai thập kỷ gần đây. Sự thật, so với trước, độc giả vẫn có những cơ hội lớn để tìm kiếm kiến thức cho mình. Miễn là họ biết ngoại ngữ, để không dừng lại ở những thông tin bằng tiếng Việt...
- Đúng là hiện giờ có rất nhiều sách và các khóa học trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Chủ yếu bằng tiếng Anh. Nhưng ở đó có một rào cản khác, rào cản ngôn ngữ. Dù được học ngoại ngữ hơn chục năm ở phổ thông và đại học, nhưng số người có thể đọc sách chuyên môn bằng tiếng Anh là rất ít.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, rào cản lớn nhất là rào cản tâm lý. Đó là tâm lý không muốn thay đổi, không có nhu cầu học hỏi mới. Đặc biệt khi sự thành công không đến từ tri thức, mà chủ yếu từ mánh mung quan hệ, thì việc tâm lý coi thường tri thức lại càng phát triển. Người ta sẽ chỉ tập trung vào quan hệ, thay vì học hỏi và phát triển bản thân mình.
* Tôi vẫn muốn đề cập tới những tín hiệu tích cực trong văn hoá đọc, dù chưa nhiều. Chẳng hạn, chúng ta bắt đầu thấy thấy sự xuất hiện của một nhóm những học giả có tri thức và có nhiệt tâm để truyền bá những cuốn sách có giá trị tới dư luận.
- Tôi hoàn toàn đồng ý. Dù chưa nhiều, nhưng sự xuất hiện của một nhóm những cá nhân như vậy là điều cần thiết. Theo thời gian, họ sẽ phát triển nhiều hơn về số lượng, và sẽ có ảnh hưởng đủ mạnh đến cộng đồng. Đây chính là nhóm dẫn dắt trong việc hình thành trào lưu văn hóa mới, trong đó có văn hóa đọc. Sự nương tựa và hỗ trợ nhau giữa các cá nhân này cũng rất quan trọng. Rất có thể, khi gặp một cuốn sách khó, bạn chỉ đọc vài chục trang là nản, nhưng sẽ lại tiếp tục nếu có người đồng hành và thảo luận cùng mình.
* Còn việc một doanh nghiệp như cà phê Trung Nguyên đứng ra lập "tủ sách đổi đời" để tặng 100 triệu cuốn cho độc giả thì sao? Anh nhận xét thế nào về 5 cuốn sách được chọn trong chương trình này?
- Tôi thấy cả 5 đầu sách được chọn này đều là những cuốn hữu ích. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao cuốn Khuyến học của Fukuzawa. Quốc gia khởi nghiệp của Saul Singer và Dan Senor cũng rất thú vị. Còn Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, hay các cuốn sách còn lại, cũng rất đáng để tham khảo.
Vì thế, việc tặng sách của Trung Nguyên là một điều tích cực và đáng trân trọng. Đặc biệt trong bối cảnh nhà nước chỉ chú trọng đến “hạ tầng cứng” mà bỏ qua “hạ tầng mềm”, trong đó có hạ tầng tri thức. Thiếu hạ tầng tri thức mà muốn phát triển thì cũng giống như tìm cách xây nhà trên bùn vậy.
* Với những gì vừa trao đổi, anh có bi quan không?
- Thật lòng là không. Bởi, thực tế là như vậy, và mình cần học cách chấp nhận nó, như nó vốn thế. Không thêm bớt, không bóp méo, cũng không bi quan hay lạc quan. Từ đó mới tìm ra cách làm đúng. Lâu nay, khi nói về những chuyện này, chúng ta vẫn thường tự đặt mình vào vị trí của những chuyên gia ngồi ở khán đài để phán xét, trong khi cuộc sống lại diễn ra ở trên sân. Phải xuống sân để đối mặt với cuộc sống và hành động thì mọi việc mới thay đổi, chứ ngồi trên khán đài để lạc quan hay bi quan thì không giải quyết được gì.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương sinh năm 1976, từng tốt nghiệp Kỹ sư ngành Hoá dầu Đại học Bách khoa Hà Nội Thạc sĩ ngành Công nghệ Hoá học (Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) và Tiến sĩ ngành Vật lý Kỹ thuật Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Anh từng có thời gian làm việc tại Đại học Liverpool (Anh) và Đại học Quốc gia Singapore trước khi trở về VN năm 2012. |
Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất