03/02/2019 08:11 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Xin chữ vốn là nét đẹp trong phong tục Tết Nguyên Đán của người Việt. Cùng với khai bút đầu xuân, tục xin chữ phản ánh tinh thần trân quý chữ nghĩa, hiếu học, tôn sư trọng đạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xin chữ sao cho đúng.
Trước đây, nếu muốn xin chữ người ta phải chuẩn bị "lễ vật" cho thầy đồ. Mâm lễ thường có trầu cau, chè thuốc. Thầy đồ, thường là vị Tú tài do vua ban hoặc nho sĩ được người trong vùng kính trọng sẽ thể theo tâm tư, nguyện vọng, những mưu cầu của người xin chữ mà cho chữ thích hợp.
Mỗi chữ viết ra ẩn chứa cả trí, thần, lực của thầy đồ nên mang giá trị độc nhất, quý báu vô cùng. Người nhận chữ cũng nâng niu như một món đồ đầy thiêng liêng, xin được chữ như xin được may mắn, phúc lộc.
Ông đồ cũng vì thế mà không tuỳ tiện khi cho chữ. Nếu như nguyện vọng của người xin chữ không hợp với thuần phong mỹ tục, hay không có sự hài hòa về mối nhân duyên thì sẽ không có chuyện xin hoặc cho chữ.
Ngày nay, người muốn xin chữ đã dễ dàng hơn rất nhiều. Gần như chỉ cần bỏ tiền ra là có chữ mang về. Nhưng cũng vì thế mà tục lệ này đang rơi vào cảnh "công nghiệp hoá", khiến giá trị của nó cũng dần mai một. Thậm chí, bởi không hiểu chữ Hán nên đã có nhiều trường hợp xin một đằng, chữ nhận về lại một nẻo mà người mua cũng chẳng nhận ra! Hay cũng có người cho chữ thậm chí còn "trả giá" với người xin chữ.
Dịp Tết Kỷ Hợi này, để thực hiện tục xin chữ một cách trọn vẹn, dưới đây là một số lưu ý cho người đi xin chữ.
Tâm thành, đức sáng
Xin chữ vốn là tục lệ thể hiện tinh thần trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt. Trước đây người ta xin chữ còn vì nể phục cái tài hoa, nhân cách của thầy đồ.
Bởi vậy, người đi xin chữ hiện nay không nên có tâm niệm cầu tìm một giá trị cụ thể. Hay nói cách khác là tìm đến chữ như một giải pháp tâm linh cho những bế tắc cuộc sống. Chính bởi sự hiểu biết sai lệch kiểu này mà xin chữ đang bị biến tướng nhiều. Có những "ông đồ" còn đem cả yếu tố phong thủy vào màu giấy viết để thu hút khách.
Thực tế, nhiều người có quan niệm đi xin chữ để cầu đỗ đạt, làm ăn kinh doanh hay giải quyết bất hoà gia đình,... Dù tất nhiên, xin chữ gì là sự phản ánh cũng như dựa trên mong muốn, tâm tư của người xin, nhưng đặt nó lên làm mục đích hàng đầu là điều không nên và dễ biến hoạt động xin chữ thành "mê tín dị đoan".
Mỗi chữ thư pháp ngoài ước mong của người xin, tài đức của người cho thì cần chính sự thành tâm, hướng thiện của con người để phong tục đẹp này được gìn giữ với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó.
Xin chữ không cần xem tuổi, giới tính
Thực tế, việc xin chữ cũng không cần đắn đo xem có hợp năm, hợp tuổi, hợp mệnh hay giới tính,... không bởi bản thân chữ nghĩa không kiêng kị gì cả. Người xin chữ hoàn toàn có thể chọn chữ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của mình, còn người cho chữ có thể lựa tâm ý của người xin để đặt bút viết.
Xin chữ ở đâu?
Muốn xin chữ cần tìm đến chỗ của các "ông đồ". Ngày nay, nếu như không biết cụ thể một ông đồ nào người xin chữ chỉ cần đến các điểm đình, chùa, miếu hoặc những điểm di tích linh thiêng.
Xung quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam ở Thăng Long - Hà Nội, hơn 10 năm trở lại đây, vào ngày đầu xuân đã xuất hiện "Phố ông Đồ", nơi được nhiều người đến để xin chữ đầu năm mới.
Ngoài ra, những “Phố ông Đồ” còn lan tỏa ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, ở các tụ điểm lễ hội vui xuân hay các đình - đền - chùa - miếu... Ở TP HCM, phố ông đồ được hình thành ở khu vực Nhà văn hoá Thanh Niên.
Năm Kỷ Hợi nên xin chữ gì?
Theo truyền thống, việc cho chữ gì không phải do người xin ra "đề bài", mà chính "ông đồ" dựa vào tâm tư, nguyện vọng của người xin sẽ viết ra chữ phù hợp. Người cho chữ phải như một người thầy, am tường văn hoá, xã hội, hiểu biết thâm sâu.
Hiện nay, có không ít thầy đồ dù chữ có thể đẹp, đọc thông, viết thạo nhưng chưa có tư duy văn hoá, xã hội đủ để định hướng cho người xin chữ. Có ông Đồ thuộc hàng “nghệ nhân” thư pháp có tuổi đời, tuổi nghề thụôc hàng “cổ lai hi”, nhưng có ông Đồ trẻ U30 - U40, bút và lực đều non, chưa kể việc giải nghĩa của chữ cũng chưa thấu hiểu …
Ngày nay, người xin chữ hoàn toàn có thể dựa trên hiểu biết của mình để đề đạt với "ông đồ". Với trẻ nhỏ thì có thể xin chữ “Thực vi tiên” để trẻ hay ăn, chóng lớn. Sau độ tuổi đó, có thể cho chữ “Minh”, "Thành", "Đạt". Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng có thể xin chữ "Duyên", chữ "Phúc"… Chữ "Đức" để nhắc nhở đạo làm người, chữ "Hiếu" để thấu nghĩa sinh thành của ông bà, cha mẹ...
Ngoài ra, vào dịp đầu năm, cũng có những chữ cũng được xin phổ biến như một sự “mặc định”. Chẳng hạn, người đi học thường xin chữ "Trí", "Tài", "Nhẫn"; Người buôn bán, kinh doanh xin chữ "Lộc", "Tín", "Phát"; Người xin chữ treo trong gia đình thường là "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Tâm", "An"; Nam nữ cầu "Danh", "Duyên", "Hiếu", "Trung";Tặng bố mẹ chọn chữ: "Tâm", "An Khang", "Bình An", "Thọ"...
Việc xin - cho chữ vốn là theo chữ Nho, mà loại chữ này đến nay đã không còn thông dụng như xưa, do đó không khỏi gây khó hiểu. Bởi thế, vài năm gần đây nhiều người chuyển sang xin chữ quốc ngữ viết theo lối thư pháp. Nhưng cũng có người cho rằng chữ quốc ngữ không có nhiều giá trị.
Để tránh trường hợp hiểu nhầm nghĩa của chữ, nhiều ông đồ còn đề thêm câu thơ trong bức vẽ. Tuy nhiên, việc này thường mất thời gian và không "năng suất" nên không có nhiều "ông đồ" làm.
Trên đây chỉ là một số tham khảo về cách chọn chữ đầu năm. Dù vậy, theo lời khuyên của nhiều ông đồ có tiếng tại Hà Nội thì tốt nhất người đến xin chữ ở trong một tâm thế “an nhiên” tức là không hề tính toán xin chữ gì cụ thể mà ông đồ cho chữ nào thì nhận chữ đó. Như thế, người cho chữ cũng được thỏa lòng hơn trong việc sáng tạo nên những "tác phẩm thư pháp" thực sự, thay vì "tiền trao, chữ giao".
Ý nghĩa một số chữ thông dụng: Chữ Tâm (心): Theo lối viết tượng hình, chữ Tâm chỉ quả tim. Hiểu rộng ra, Tâm chỉ tâm trí, tâm hồn. Làm việc gì mà cũng đặt hết cả con tim và khối óc mình vào đó, tức là có "tâm" thì kiểu gì cũng sẽ thành công. Chữ Thành (成): Thành trong Hoàn Thành, có ý muốn nói tâm nguyện làm chuyện gì cũng được trọn vẹn. Chữ Nhẫn (忍): Chữ Nhẫn bao gồm chữ Đao (刀 - con dao, cây đao) ở trên chữ Tâm (心 - trái tim, tâm trí). Chữ Đao biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động; chữ Tâm biểu trưng cho tâm hồn, mang tính chủ quan, tự do. Trạng thái Nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải bình tĩnh chịu đựng, không được hành xử hấp tấp. Càng vội vã sẽ lại càng làm cho mũi dao lún sâu hơn. Chữ Trí (智): Bao gồm chữ Tri (知 - sự hiểu biết) và chữ Nhật (日 - mặt trời, ý chỉ sự sáng suốt, tỏ tường). Như vậy, Trí nghĩa là tinh thông tất cả, không gì là không biết. Chữ An (安): Bao gồm bộ Miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ Nữ (女- nữ giới, con gái) - ý nói người con gái ở trong gia đình thì rất an toàn. Vì vậy, An mang nghĩa an toàn, bình an. Chữ Cát (吉): Chữ Cát gồm chữ Sĩ (士 - sĩ tử, người có chí khí) ghép với bộ Khẩu (口 - miệng) – lời mà kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp. Chữ này thể hiện mong muốn mọi sự đều tốt đẹp của con người. Chữ Phú (富): Gồm bộ Miên (宀 - mái nhà), bộ Khẩu (口- miệng, miệng ăn) và chữ Điền (田- ruộng). Theo quan niệm người xưa, nhà chỉ có 1 miệng ăn mà lại có 1 thửa ruộng thì chắc chắn giàu có – đây cũng chính là ý nghĩa của chữ Phúc này, thể hiện mong muốn ấm no, sung túc. Chữ Hiếu (孝): Được ghép từ chữ Tử (子 - con) nằm dưới và chữ Thổ (土 - đất) nằm trên, cùng với dấu / tượng trưng cho thanh kiếm. Chữ này có ý chỉ người con chống kiếm đứng trông phần mộ của bố mẹ -chính là người con có hiếu theo quan niệm ngày xưa, sau khi bố mẹ qua đời con chăm lo mồ mả trong 3 năm. Chữ Hiếu mang hàm ý biết ơn và trân trọng công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. Chữ Đạo (道): Không chỉ mang nghĩa là đường đi, chữ này còn có ý chỉ lẽ phải, luân thường, đạo lý. Chữ Đức (德): Đức trong đức độ. Chữ Tài (才): Tài trong tài năng. |
Bảo Chi (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất