Lý do để vỉa hè Hà Nội chúng ta muôn năm không sạch

16/08/2015 23:17 GMT+7

(lienminhbng.org) - Vào ngày 17/8 tới, theo tờ Bangkok Post, Thái Lan sẽ bắt đầu chiến dịch quy hoạch lại vỉa hè thủ đô, theo mẫu vỉa hè của Hong Kong và Singapore.

Nghĩa là sẽ sạch đẹp, những người bán rong sẽ được gom về 600 khu vực được thiết kế theo chuẩn mẫu chung như quầy hàng không được cao quá 1,5m, diện tích dưới 2m2 và bề rộng phải chừa ra 1m vỉa hè. Quầy hàng phải có nóc, tối thiểu là ô. Hàng nghìn người bán hàng rong sống bám vào vỉa hè Bangkok nhiều chục năm qua đối diện với nguy cơ mất công ăn việc làm.

Quay lại với đồng ruộng, họ cũng khó có thu nhập bởi đất đai nhiều nơi đã quá cằn cỗi. Bangkok Post đặt câu hỏi: “Chúng ta có nhất thiết phải chạy theo Singapore trong vấn đề này? Sự sạch đẹp của Singapore có phải là một kiểu mẫu đúng nhất cho Bangkok?”.


Binh sĩ Thái Lan trong một đợt cưỡng chế giải tỏa vỉa hè ở Bangkok hồi tháng 11/2014. Ảnh: AFP

Khoan ngó lại vỉa hè Việt Nam để bàn góp chuyện quy hoạch hàng rong. Có dễ đến cả tỷ lần Hà Nội tỏ ra kiên quyết với chuyện dọn dẹp hàng quán, tịch thu  quang gánh, phạt người bán hàng… để rồi đâu lại vào đấy. Không có thành ngữ nào đúng hơn “Bắt cóc bỏ đĩa” trong lĩnh vực này, mà “cóc” dễ thường tính đến hàng vạn chứ không phải một.

Lý do thì vô vàn, vỉa hè là nơi bao nhiêu con người dựa vào để kiếm sống. Rồi nhà chật không gian thiếu, tội gì người ta chẳng bày ra vỉa hè. Nhếch nhác thật, mất trật tự giao thông, làm thành phố mất mỹ quan thật, nhưng bị xóa sổ ngành hàng rong thì chắc chắn ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Chúng ta hãy bàn đến cái sạch của vỉa hè đã. Vỉa hè Singapore sạch đẹp thật, ném cái rác ra là bị phạt, nhưng chưa phải nhất. Có ở đâu mà vỉa hè sạch đến tuyệt đối không? Có đấy, Thủ đô Bình Nhưỡng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tuyệt không có bóng dáng hàng rong vỉa hè, không hàng quán nên không lộn xộn.

Không có những cái chợ theo lối thông thường kẻ bán người mua, không giằng co mặc cả, bán hàng chộp giật, nên vắng hẳn những tiếng cãi cọ chợ búa. Người dân đi lại chủ yếu bằng các phương tiện giao thông công cộng, tàu điện, xe điện bánh hơi, xe bus, tàu điện ngầm, hoặc xe đạp.

Không hề có bóng dáng xe máy, trừ đôi ba chiếc của cảnh sát cơ động, không ai sở hữu ô-tô riêng, nên chẳng ai bận tâm đến chiếm dụng vỉa hè làm chỗ để xe. Bình Nhưỡng rộng mênh mông mà chưa đến 3 triệu dân sinh sống. Vỉa hè thênh thang dành chỗ cho nguời đi bộ.

Cây xanh và hoa cỏ tràn ngập khắp nơi, từ balcon cửa sổ đến các vườn hoa dày đặc trong thành phố. Tự giác mỗi chiều đi làm về hoặc ngày Chủ nhật, người dân Bình Nhưỡng vừa đến công viên chơi vừa nhặt lá rụng, quét rác và nhổ cỏ dại. Cứ thế, làm gì thành phố không đẹp.

Chỉ có điều, đi trong cái miền xanh sạch đẹp ấy bỗng dưng nhớ đến kinh khủng cái nhếch nhác của vỉa hè Hà Nội. Vỉa hè đúng là linh hồn của thành phố, có lẽ nó nên nhốn nháo sinh động hơn là tĩnh lặng trầm ngâm.

Thậm chí cả việc thành phố đào bới không ngừng lòng đường cũng như thay gạch lát vỉa hè như thay áo, bực mình đến kinh khủng, cũng gây nhớ nhung nhiều hơn một vỉa hè phẳng phiu viền cỏ biếc.

Đó có thể là lý do để vỉa hè Hà Nội chúng ta muôn năm không sạch.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm