24/09/2016 06:07 GMT+7 | Tennis Việt
(lienminhbng.org) - Người trong cuộc chia sẻ thẳng thắn rằng rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến thành tích không như ý của Hoàng Nam thời gian qua chính là tâm lý. Chàng trai tuổi mới lớn mang trong mình nhiều suy nghĩ bồng bột và không thể tiến bộ như chúng bạn.
Khổ sở vì tâm lý
Đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương đưa cả 9 giải Men’s Future về Việt Nam để tạo cơ hội cho không chỉ Hoàng Nam mà nhiều tay vợt trẻ chủ nhà đăng ký thi đấu cho thấy họ “chịu chơi” đến mức nào. Nhưng việc Hoàng Nam không thể hiện được nhiều ngoài thất bại liên tục ở 4 giải đấu tại sân nhà đặt ra nhiều vấn đề cho quần vợt Bình Dương.
Đầu tiên là những sự đầu tư. Đơn vị chủ quản của Hoàng Nam chia sẻ có thể Nam chưa tốn kém đến độ phải chi “triệu đô” như Hoàng Thiên (người đàn anh đang đứng cặp với mình ở nội dung đôi nam và là cặp đôi số 1 Việt Nam hiện tại), song Men’s Future đã chỉ ra cho họ những gì phải thay đổi để không phí hoài một tài năng.
Đại diện đơn vị chủ quản của Nam chia sẻ: “Hoàng Nam đang trải qua giai đoạn phát triển tâm sinh lý bình thường của con người, nhưng không thể can thiệp thô bạo được. Cái tuổi bây giờ là khó nói nhất với con người. Phải nhắc nhở từ từ để Nam thấm và ý thức việc khổ luyện. Ở đây phải khổ luyện chứ không phải tập luyện bình thường được. Ví dụ đơn giản như trong một buổi tập, phải đặt mục tiêu giao bóng 100 quả. Hay đặt một chai nước ở vị trí khó để giao bóng sao cho đổ chai nước đó. Hoàng Nam phải biết đặt mục tiêu cho bản thân để tiến lên”.
Tay vợt Lý Hoàng Nam đang có dấu hiệu chững lại về phong độ.Ảnh: V.H
Điều người trong cuộc lo lắng với Hoàng Nam hiện tại là tâm lý tuổi trẻ nông nổi. Nếu trước đây, quần vợt là đam mê bất tận ăn vào trong máu tay vợt gốc Tây Ninh thì hiện tại, Nam đã là cậu trai đang tuổi trưởng thành. Nam cũng có bạn gái để bằng bạn, bằng bè và ít nhiều phân tâm bởi chuyện hậu trường khi bước vào sân quần.
“Tay vợt vô địch 2 giải Men’s Future người Hàn Quốc là bạn của Hoàng Nam, Chan Hong khác Hoàng Nam là anh này không bị phân tâm bởi điều gì ngoài sân đấu. Dù vô địch, tài năng hàng đầu Hàn Quốc như anh ta sợ thầy một phép, HLV bảo sao thì tập như thế, không dám phàn nàn tiếng nói. Chan Hong phải khổ luyện rất nhiều để có được vị trí 350 ATP hiện tại. Ở giải F5 tới đây, anh ta cũng tham dự và là ứng viên nặng ký cho chức vô địch”.
“Nam hay nói chuyện rằng Nam so sánh mình với những người bạn thân như Sumit Nagal hay Chan Hong. Các tay vợt cùng tuổi như Nam đang trong top 400 thế giới. Họ tiến bộ nhanh quá khiến Nam không phải suy nghĩ. Đó cũng là áp lực tâm lý nặng nề với Hoàng Nam. Chúng tôi phải khuyên nhủ Nam rằng không được mang tâm lý tự ti.
Họ làm được thì mình cũng sẽ làm được. Nam từng là cảm hứng của rất nhiều VĐV còn lại của đội quần vợt Bình Dương sau những thành công ở các giải trẻ. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp mà Hoàng Nam phải vượt qua. Tâm lý là một cái ngưỡng và vượt được cái ngưỡng này, chúng tôi tin Hoàng Nam sẽ bắt kịp bạn bè”, người trong cuộc chia sẻ.
Mừng vì Nam thua
Người làm quần vợt Bình Dương thẳng thắn: “Việc những tay vợt trẻ rất có tương lai của quần vợt thế giới đến Bình Dương “kiếm điểm” tích lũy giúp giải đấu quyết liệt, hấp dẫn hơn. Họ nghe tiếng giải đấu ở Việt Nam dễ kiếm điểm hơn nên đến nhiều và không dễ để Hoàng Nam thắng được họ.
Như ở giải đấu Men’s Future F4 mới đây, Hoàng Nam để thua tay vợt người Nhật Bản Takahashi có đẳng cấp vượt trội và sau đó lọt đến chung kết. Nhưng cũng không hề gì. Chúng tôi phải nói thật rằng Hoàng Nam thua lúc này là một điều đáng mừng hơn đáng lo. Bởi lẽ với một con người, đặc biệt người trẻ khi tâm sinh lý chưa ổn định thì chiến thắng thường khiến họ tự mãn, hài lòng với bản thân. Như thế thì sẽ rất nguy hiểm, khó thăng tiến trong sự nghiệp”.
Hoàng Nam đang ở tuổi 19, trong khi Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Bình Dương, ông Lê Việt Cường từng chia sẻ rằng: “Phải đến năm Nam 23 tuổi thì chúng tôi mới nói đến chuyện đặt mục tiêu thành tích cho Nam. Còn bây giờ đến lúc đó, Nam cứ đánh thoải mái và quan trọng nhất thời gian tới là hoàn thành kỹ chiến thuật lẫn thể lực”.
4 giải Men’s Future đã qua, Nam toàn bị loại sớm. Việc thua ngay trên sân nhà, Hoàng Nam tất nhiên không hề dễ chịu. Càng áp lực hơn cho Nam khi trước đó, tay vợt chủ nhà đặt mục tiêu phải vô địch được 1 trong 9 giải. Điều Nam gặp khó khăn lúc này chính là không thể thắng được bản thân trong những cú đánh quyết định. “Nam từng nói với chúng tôi rằng các tay vợt dự Men’s Future ở Bình Dương trình độ không quá nhỉnh hơn Nam và Nam hoàn toàn đủ đẳng cấp chơi sòng phẳng với họ. Nhưng cái họ hơn mình chính là ở những cú đánh cuối cùng, họ dám làm quyết đoán còn Nam thì không làm được”, người trong cuộc chia sẻ.Mới đây, đơn vị chủ quản của Hoàng Nam đã đưa tay vợt này tham dự giải VĐQG. Hoàng Nam vô địch giải mà không tốn nhiều sức, với phía Bình Dương, họ xem điều này là bình thường: “Nam có thể xưng hùng xưng bá trong nước dễ dàng, điều đó có ý nghĩa gì đâu khi đến Men’s Future, Nam mới biết mình là ai.
Phải thua để biết mình đang ở đâu, hay nhất Việt Nam không có nghĩa thế giới cũng chỉ ở tầm tương tự. Con người phải rơi xuống vực sâu để chiêm nghiệm và có ý thức vươn lên, chúng tôi mong Hoàng Nam sẽ nhận ra điều đó. Sự nghiệp tương lai của Hoàng Nam là quần vợt chuyên nghiệp và Nam đang có sự đầu tư tốt nhất. Sắp tới Hoàng Nam có thể sẽ được bổ sung thêm một HLV thể lực nữa để làm việc cùng HLV phụ trách chuyên môn người Thụy Điển. Nam sẽ phải cải thiện điểm yếu thể lực kém, bằng chứng là những giải đấu thường xuyên bị vọp bẻ và phải bỏ cuộc. Chi phí để thuê mỗi HLV vào khoảng 3500 USD/người/tháng”.
Trận đơn thắng ấn tượng nhất Phải tới giải thứ năm thì Hoàng Nam mới có trận thắng ở nội dung đơn ấn tượng khi đánh bại Renta Tekudo, hạng 732 ATP. Đối thủ bỏ cuộc ở những game cuối set 3 còn Hoàng Nam đầy nỗ lực và mạnh mẽ hơn. Bốn giải trước đó, Hoàng Nam chỉ thắng được ba trận trước các đối thủ không mấy tên tuổi, và cũng chỉ được 3 điểm thưởng. Hiện Hoàng Nam đã tụt hơn trăm bậc, xuống 953 và nếu không sớm lấy lại phong độ có thể bị văng ra khỏi Top 1000. “Không ai quan trọng đánh đôi” Như chia sẻ của đơn vị chủ quản, Hoàng Nam không phải được đầu tư để phát triển ở nội dung đánh đôi. Ưu tiên hàng đầu phải là sự nghiệp riêng của bản thân. “Ở Việt Nam thì văn hóa quần vợt của chúng ta nhiều khi khác với nước ngoài, cứ đánh đôi thì nhiều người xem hơn đánh đơn. Họ xem nhiều vì có lẽ họ cũng chơi đánh đôi và họ học được nhiều hơn từ các tay vợt. Nhưng với Hoàng Nam, đánh đôi là để rèn luyện bổ sung thêm. Ở Wimbledon năm ngoái, Hoàng Nam vô địch giải trẻ, về Việt Nam được hỏi han, săn đón như ngôi sao. Nhưng ở Thụy Điển, có tay vợt cũng lọt đến trận chung kết khi về nước không ai quan tâm và biết đến”. Sau Hoàng Nam, quần vợt Bình Dương đang sở hữu cái tên khá chất lượng khác là Văn Phương. Tay vợt được xem là thần đồng của quần vợt Việt Nam có thể hình tương lai thậm chí lý tưởng hơn Hoàng Nam và có lối đánh bền, hoa mỹ. Văn Phương cũng được trao cơ hội rèn luyện ở giải Men’s Future mới đây. Phía Bình Dương cũng đang cân nhắc tổ chức thêm giải đấu cho các tay vợt của họ đào tạo và cả VĐV trẻ Việt Nam thời gian tới, học hỏi mô hình của quần vợt Ấn Độ (có 24 giải Men’s Future mỗi năm). Người làm quần vợt nơi đây ấp ủ sẽ có một Học viện quy mô: “Hiện tại, cứ 10 tài năng trẻ thì tìm ra được 1 Lý Hoàng Nam. Chúng tôi muốn có ít nhất 100 tài năng đào tạo để cho ra lò thêm nhiều Hoàng Nam hơn nữa”. |
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất