Mạc Can Nhà văn trẻ, ông hề già

07/02/2014 08:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Mạc Can được công chúng biết đến trước tiên qua các vai diễn trên sân khấu và phim. Mạc Can được biết thêm qua tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, theo nhận định của nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Mạc Can là nhà văn từ trên trời rơi xuống”. Và tác phẩm mới nhất của ông, tập truyện ngắn Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn do NXB Trẻ ấn hành. Gọi điện thoại định chúc mừng, thì ông bảo đang dọn đồ vào ở một nhà dưỡng lão trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM.

* Tại sao ông lại vào nhà dưỡng lão vào thời điểm này?

- Tôi sinh năm 1945 trên chiếc ghe cũng là gánh hát của cha mẹ đoạn sông Tiền chảy qua Mỹ Tho thuộc miền Tây Nam bộ. Có lẽ sinh ra như vậy nên số tôi cứ lênh đênh khắp Sài Gòn chứ không có nơi ở ổn định nào. Năm nay tôi cũng gần 70 tuổi rồi, sống một thân một mình lỡ đêm hôm trái gió trở trời thì biết ai giúp cho cái thân già này. Giải pháp hay nhất là vô nhà dưỡng lão, sống có bạn già chung quanh vẫn hay hơn ở một mình? Vào nhà dưỡng lão tôi mừng lắm, tôi khoe với nhiều người là tôi đã có chỗ ở ổn định rồi.



Mạc Can đang diễn ảo thuật hài tại trường PTCS Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng với đa số học sinh là người dân tộc thiểu số vào ngày 9/1


* Được biết ông có một bà vợ người Nhật, hai người có chung với nhau một đứa con gái. Ông từng đi Mỹ để “đoàn tụ gia đình”, sao giờ lại vào viện dưỡng lão?

- Đúng là tôi được bảo lãnh đi Mỹ để sống nhưng tôi vẫn thích ở Sài Gòn hơn. Chuyện tôi và bà vợ người Nhật rất khó nói, có lẽ số tôi phải sống cô đơn nên tôi không thể có một mái ấm yên ổn. Khi tôi sang Mỹ, bà vợ người Nhật nói với tôi: “Ông là cha của con tôi nhưng ông không phải là chồng của tôi”. Nói chung, có được một người vợ và một gia đình luôn là mơ ước của tôi. Tuy ước mơ gần như không thực hiện được thì tôi vẫn rất hạnh phúc khi có được một người con trên cõi đời này.

* Cũng có thông tin cho rằng ông sang Mỹ một thời gian ngắn rồi về chứ không phải sang đó định cư. Lại có tin đồn là ông đi “trốn nợ” chứ không phải sang Mỹ. Ông nghĩ sao về các thông tin kiểu này?

- (Mạc Can lấy các thẻ ghi bằng tiếng Anh ra cho phóng viên coi và khẳng định đấy là những giấy tờ chứng minh ông từng ở Mỹ theo diện định cư chứ không phải là khách du lịch ngắn hạn).

Anh xem, những giấy tờ này do nhà cầm quyền bên Mỹ cấp cho tôi, khẳng định là tôi sinh sống bên đó như thế nào. Lời đồn chỉ là lời đồn thôi. Khi tôi về lại TP.HCM sau một thời gian vắng mặt, nhiều người cũng hỏi tôi câu hỏi này. Tôi trả lời theo kiểu ậm ờ cho qua chuyện, vì tôi biết sự tò mò tọc mạch của thiên hạ thì vô cùng, có giải thích kiểu nào cũng không làm hài lòng tất cả.

Cách hay nhất để giải đáp mọi thắc mắc là tôi viết. Tập truyện ngắn Vừa đi vừa nghĩ suyvừa nhìn do NXB Trẻ ấn hành vừa rồi là một câu trả lời. Tập truyện này ban đầu có tên Đi và sống để viết gồm những truyện tôi viết về cuộc sống khi tôi ở Mỹ. Nếu chỉ ở Mỹ theo diện du lịch, cưỡi ngựa xem hoa thì làm sao ra được những tác phẩm như vậy. Tôi đang viết tiểu thuyết Nửa bước vào miền đất hứa cũng là những câu chuyện mà tôi từng sống ở Mỹ. Tôi xem thời gian ở Mỹ vừa rồi của mình như “nửa bước” đến xứ sở này.



* Xin lỗi hỏi thêm ông, lại có tin đồn rằng Mạc Can yêu một cô làm nghề bán vé số và cô này góp phần làm ông “khuynh gia bại sản”?

- Tôi biết, những tin đồn dạng này về tôi rất nhiều nên tôi không ngạc nhiên hay khó chịu khi có người hỏi tôi như thế. Tôi xin trả lời rằng, với một ông già như tôi, tài sản chẳng có gì ngoài cái xe gắn máy cà tàng và thùng đồ nghề biểu diễn ảo thuật để kiếm sống qua ngày…, thì lấy gì để mà “khuynh gia bại sản”. Đã già lại không giàu thì phụ nữ nào mà theo mình dù người đó làm nghề bán vé số!

Nhưng cũng xin nói thật, tôi có mến một phụ nữ bán vé số ở Hội quán 81 nằm trong khuôn viên Hội Văn nghệ TP.HCM trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3. Số tôi khổ nên thấy người cũng khổ như mình thì tôi thương nên thường mua vé số cho người phụ nữ này. Trong khuôn viên Hội Văn nghệ TP.HCM lúc chưa xây mới, có một quán nhậu lúc nào cũng đông khách từ 10h sáng. Những nghệ sĩ khác thường uống bia còn tôi ngồi ngoài sân uống trà đá để dành tiền mua vé số của người phụ nữ đó. Có lẽ mua vé số nhiều và thường nói chuyện với nhau thành ra thân quen, nên mọi người nghĩ tôi… yêu nàng.

* Nhân nói đến địa chỉ 81 Trần Quốc Thảo, có người cho rằng tiểu thuyết Những bầy mèo vô sinh được ông lấy bối cảnh ở đây để viết?

- Kể từ tác phẩm đầu tay Tấm ván phóng dao như một tự truyện viết về chính cuộc đời tôi đến tác phẩm mới nhất, gần như những gì tôi viết đều ghi lại dấu ấn đời sống mình từng trải qua. Những bầy mèo vô sinh cũng được viết như thế.Trong khuôn viên 81 trước khi xây dựng lại có rất nhiều mèo. Những con mèo này là mèo hoang nhưng chúng thấy nơi này là đất sống an lành nên tìm về rất đông.

Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan làm việc ở báo Văn nghệ TP.HCM là người rất thương mèo nên thường xuyên cho bầy mèo này ăn. Tôi biết trong nhiều yến tiệc, chị Thường Đoan thường lấy thức ăn thừa đem về cho mèo ở 81. Hành động này của chị Thường Đoan khiến nhiều thực khách ngồi cùng bàn nhìn bằng đôi mắt “ái ngại” do họ không hiểu chuyện gì. Chính bầy mèo ở 81 do nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan nuôi đã tạo cảm hứng cho tôi viết Những bầy mèo vô sinh.

* Gần đây, ông thường xuyên đi diễn ảo thuật từ thiện ở vùng sâu vùng xa, ông cảm nhận những nơi hẻo lánh đó đón nhận ông thế nào?

- Tôi vừa có hai chuyến đi nhớ đời đến Tam Nông (Đồng Tháp) và xã Đồng Nai Thượng thuộc huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) để diễn ảo thuật hài cho các cháu thiếu nhi. Cả hai chuyến đi này do nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền và NXB Trẻ tổ chức đi trao học bổng và sách cho học sinh nghèo vùng sâu. Ngoài các món quà vật chất, nhà văn Nguyễn Đông Thức muốn tôi góp mặt cùng đoàn để đem thêm tiếng cười đến cho các cháu.

Ở Sài Gòn hay các trung tâm đô thị, người ta còn biết đến Mạc Can là “nhà văn trẻ”, chứ ở những vùng sâu nghèo khó như thế, người ta chỉ biết đến Mạc Can là “ông hề già”. Làm hề hay viết văn, tôi luôn mong muốn đem đến niềm vui cho nhiều người. Với những vùng khó khăn như xã Đồng Nai Thượng, có lẽ các cháu thiếu nhi ở đây (đa phần là người dân tộc thiểu số) lần đầu tiên tận mắt thấy Mạc Can bằng xương bằng thịt đang diễn hài. Nhìn nụ cười hồn nhiên của các cháu, tôi thấy số phận của mình vẫn còn nhiều may mắn.

* Bây giờ sống trong nhà dưỡng lão, nơi này sẽ thành chất liệu cho tác phẩm văn xuôi tiếp theo của ông?

- Tôi giờ biết mình già rồi, không già thì vô nhà dưỡng lão làm chi? (Cười). Tương lai chỉ hứa hẹn với người trẻ, tôi già nên không dám chắc điều gì nhưng hy vọng trời cho mình còn khỏe, viết được thì cứ viết.

* Xin cảm ơn ông!

HOÀNG NHÂN thực hiện
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm