Canh bạc mới của Mạc Văn Úy

30/04/2013 06:00 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Ở tuổi 43, khi đã có trong tay một sự nghiệp âm nhạc lẫn điện ảnh khá rực rỡ trên thị trường Hongkong, Trung Quốc, mới đây Mạc Văn Úy (Karen Mok) phát hành album hát tiếng Anh đầu tiên, Somewhere I belong, với tham vọng tiến ra sân chơi lớn hơn.

Biến giấc mơ thành thực

Tờ Pop Culture gọi đây là một thách thức lớn cho ngôi sao Hong Kong khi suốt 20 năm qua cô đã được xem là một biểu tượng của làng nhạc đại lục, giờ nếu muốn ra sân chơi mới, chẳng khác nào sẽ phải làm lại từ đầu. Có nghĩa là Mạc Văn Úy sẽ chơi jazz, một thứ âm nhạc khác hoàn toàn cô trước đây. Bên cạnh đó, việc thể hiện lại các ca khúc rất nổi tiếng của Cole Porter hay George Gershwin, của Beatles, Sting hay Chris Isaak, Portishead cũng là một thách thức với cô.

Mạc Văn Úy cũng đồng ý điều này, “nhưng khi một người bạn khuyến khích tôi thử làm một album tiếng Anh để nghĩ tới thị trường rộng hơn cũng như tự thử thách mình thì tôi quyết định bắt tay vào làm. Tôi vốn luôn có hứng thú với jazz, đó là giấc mơ thuở thiếu thời của tôi chỉ có điều chưa từng ai nhen cho tôi ngọn lửa để thử sức với nó. Lần này là một trải nghiệm thực tế và tôi muốn đem giấc mơ của tôi trở thành hiện thực”, Mạc Văn Úy nói.

Mạc Văn Úy và album vừa phát hành của cô, Somewhere I belong

Để làm khác đi với những gì mà các huyền thoại như Billie Holiday hay Ella Fitzgerald, Mạc Văn Úy thêm vào chất jazz của mình những thanh âm Trung Quốc mà rõ nhất là tiếng đàn tranh mà cô tự chơi. Sự “hôn phối” đem lại những hiệu ứng rất tích cực. Ví dụ như ở ca khúc rất nổi tiếng của nhóm Beatles, While My Guitar Gently Weeps, Mạc Văn Úy đã thay đoạn gian tấu với tiếng guitar điện kinh điển của Eric Clapton bằng tiếng đàn tranh rả rích. Hiệu ứng này làm giảm độ nhanh của bài và khoác cho nó một màu sắc phương Đông bí ấn và giọng hát của Mạc Văn Úy đưa đẩy nhẹ nhàng. MV ca khúc này được khán giả yêu cầu phát lại nhiều nhất trên kênh âm nhạc Channel V mới đây và nó là ca khúc tiêu biểu cho sự thay đổi của Mạc Văn Úy trong một diện mạo âm nhạc mới.

Trong album này, Mạc Văn Úy hát chậm hơn, rõ hơn và ngúng nguẩy hơn. Nhiều người đã rất ngạc nhiên về cách phát âm tiếng Anh của Mạc Văn Úy chẳng khác gì một quý bà hát jazz đúng điệu. Cần phải nhớ lại rằng Mạc Văn Úy nổi lên từ thị trường Hong Kong nhưng suốt một thời gian dài cô sống ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cô có thể hát tốt tiếng Anh, Pháp và Ý bên cạnh tiếng Quảng Đông và Quan Thoại. Cha Mạc Văn Úy mang hai dòng máu Trung Hoa và xứ Wales trong khi mẹ cô vừa Trung Hoa lại có thêm dòng máu Iran và Đức. Chính vì pha trộn quá nhiều dòng máu trong mình mà ở album đầu tiên ra thế giới này, Mạc Văn Úy đã đặt tựa album là Somewhere I Belong (Cõi nơi tôi thuộc về). “Nhiều lúc tôi tự hỏi mình thuộc về nơi đâu và thật sự tôi không trả lời được nhưng tôi biết chắc trong âm nhạc thì tôi thuộc về sân khấu, đó là mái nhà chung mà tôi có thể ở bất kỳ đâu”, Mạc Văn Úy thổ lộ.

Chất liệu trong ngôi nhà âm nhạc của Mạc Văn Úy trong album này là jazz và sắc màu Trung Hoa. Những ca khúc kinh điển hoặc nổi tiếng như Love For Sale (của Cole Porter), The Man To Love (George Gershwin) hay Cross Over Bourbon Street (Sting), Wicked Games (Chris Isaak)… được phối ngẫu hứng trên chất liệu nhạc cụ truyền thống Trung Hoa và tỏ ra khá hòa hợp.

Tờ AP nhận định album này là một sự kết hợp Đông Tây khá nhuần nhuyễn và “phù hợp tai nghe của nhiều châu lục”. Trong khi đó BBC cũng khen album này, khi nó được ra mắt tại Anh vào đầu tháng 4, là “một cố gắng thật sự của một nghệ sĩ châu Á nổi bật”. Nhiều người cũng rất thích thú với hai ca khúc thời tiền chiến của Trung Quốc được Mạc Văn Úy hát lại trên nền jazz Thượng Hải những năm 30, 40 thế kỷ trước tạo cho album một cách nhìn tổng thể có câu chuyện và có một ý tưởng xuyên suốt như một cách “nhận diện” được một Mạc Văn Úy không bị hòa lẫn.

Báo chí Hong Kong cũng dành nhiều ngôn từ có cánh cho album mới của Mạc Văn Úy và xem đó là một chiến lược khôn ngoan của cô khi đánh vào thị trường nhạc cao cấp như jazz để mở biên độ người nghe “nhưng vẫn giữ được cho mình lượng fan khổng lồ ngày xưa”.

Muộn còn hơn không

Thật ra cách mà Mạc Văn Úy đang làm là chỉ mới với thế giới âm nhạc của cô mà thôi. Trong khoảng hơn một thập niên qua, có rất nhiều nghệ sĩ châu Á, từ Hong Kong, Đài Loan, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tìm cho mình một lối đi từ jazz để thâm nhập thị trường rộng lớn ở Anh, Mỹ và châu Âu và rồi từ đó “nhập cảnh” trở lại thị trường trong nước để dành lại thị phần của các ca sĩ jazz Anh, Mỹ trên ngay trên mảnh đất quê hương. Vào những cửa hàng CD ở Việt Nam bắt gặp không ít những Lisa Ono, Keiko Lee, Susan Wong hay Emi Fujita… trên kệ đĩa. Họ hát lại những tình khúc cũ trên nền acoustic nhẹ nhàng, đong đưa, trên tiếng rải dìu dặt của guitar, luếnh loáng của dương cầm pha thêm bập bùng của contrebass, tạo một sự hoài niệm gọn gàng, như thể nhắm cocktail bên bờ biển, chỉ khác nhau cách pha hương vị nhẹ nhàng ấy theo giọng hát và tai nghe của từng vùng. Có thể cách mà Mạc Văn Úy đang làm, tuy hơi muộn, nhưng đó sẽ là đường đi sắp tới đây của cô.

“Tôi không tham vọng sẽ đi xa nhưng rõ ràng dự án âm nhạc này gợi cho tôi rất nhiều hứng thú và chưa biết bao giờ tôi sẽ ngừng lại”, Mạc Văn Úy tâm sự. Somewhere I Belong đang là tấm giấy thông hành đưa Mạc Văn Úy đi xa hơn trong sự nghiệp âm nhạc bởi jazz là một ngôn ngữ phi biên giới nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi bởi không phải ai cũng có thể thử sức với nó. Nhưng với những gì đang thể hiện, Mạc Văn Úy (người đã từng có 15 album tiếng Trung bán chạy nhất) có đủ sức để theo đuổi nó. Tờ Jayne Stars nhận định album này là một nấc thang mới trong sự nghiệp của cô và khẳng định cô là một nghệ sĩ tài năng.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm