Con gái Tổng thống Nelson Mandela hé lộ những ngày cuối của cha: Người ra đi chính là giải thoát

17/07/2014 13:25 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã ra đi ở tuổi 95 vào tháng 12 năm 2013. Ngày 18/7, kỷ niệm 96 năm ngày sinh của ông (18/7/1918 - 18/7/2014), tại căn nhà ở Johannesburg Maki Mandela, con gái cả của cựu Tổng thống nghẹn ngào: "Người ra đi là một sự giải thoát" khi trả lời phỏng vấn của CNN ngày 16/7.

Trả lời CNN tại căn nhà ở Johannesburg, Nam Phi, Maki Mandela – con gái cả của cựu Tổng thống Mandela nghẹn ngào trước ống kính: “Cha tôi đã phải chịu đựng những ngày tháng cuối đời trong đau đớn vì hành hạ của bệnh tật, nhưng rồi, ông lại trút hơi thở cuối cùng và ra đi thật bình yên. Tôi cảm thấy cha mình thật đẹp, trên người ông không còn những dây truyền chằng chịt, cũng chẳng cần máy hỗ trợ hô hấp. Đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất mà ông để lại cho chúng tôi”.

“Có những lần tôi phải nói với các bác sĩ về quá trình điều trị của cha tôi, như vậy là đủ rồi. Nhưng họ là bác sĩ, và họ có nhiệm vụ phải cố gắng làm mọi việc có thể cho tới giờ phút cuối cùng. Còn tôi, tôi là con gái ông. Với tôi mà nói, chẳng còn gì đau đớn hơn khi phải chứng kiến tình trạng của cha mình khi phải khổ sở chống chọi với bệnh tật”.


Đại gia đình Nelson Mandela năm 2008.

Cô Maki Mandela cho biết, một năm trước khi ông Mandela ra đi là quãng thời gian dài đằng đẵng mà cha cô phải chịu đựng quá trình lọc thận kết hợp với máy hỗ trợ thở để duy trì sự sống. "Ông thở bằng máy, rồi ăn cũng bằng máy, họ đưa thức ăn vào cơ thể ông qua đường tĩnh mạch vào dạ dày. Cả cánh tay và bàn tay ông đều sưng phồng lên bởi các loại kháng sinh được tiêm vào tĩnh mạch cùng với bao nhiêu loại thuốc khác" - Maki Mandela nhớ về những ngày cuối của cha.

Phải nằm liệt giường và không thể nhúc nhích, người đàn ông đạt giải Nobel Hòa bình năm 1993 dường như đã không còn một chút liên hệ gì với cuộc sống.


Nelson Mandela cùng người vợ thứ ba của ông, bà Graca Machel.

Maki Mandela cũng đã từng đặt ra câu hỏi với đội ngũ y bác sĩ điều trị cho ông Mandela rằng, tại sao phải kéo dài cuộc sống của ông? “Tôi nghĩ, khi nào chúng ta mới có thể chấp nhận sự thật là chúng ta đã đi vào ngõ cụt và không thể cầu cứu Chúa được nữa?”. Nhưng cô đã im lặng và chấp nhận quyết định của các bác sỹ.

“Tôi biết, mình không thể trách cứ sự chăm sóc tận tâm của đội ngũ bác sỹ trong khi họ luôn túc trực bên cha tôi 24/24. Những hành động họ làm, từ việc tiêm thuốc đến việc đưa thức ăn vào người ông đều mang một thái độ trân trọng và thành kính. Hơn hết thảy, họ luôn ấp ủ những hy vọng về một điều kỳ diệu dẫu biết nó không thể xảy ra".

Tranh cãi về quá trình điều trị của ông Mandela không phải là không có. Trong những bài viết gần đây, khi được hỏi về phương pháp điều trị cho ông Nelson Mandela trong những tháng cuối đời, cựu Tổng giám mục Anh giáo (giáo hội Kitô giáo được thiết lập chính thức ở Anh) Desmond Tutu cho rằng: “Việc làm đó chỉ "tra tấn’" ông Mandela thêm mà thôi”.

Mặc dù vậy, suốt khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật Mandela vẫn rất mạnh mẽ. Sẽ không ai ngạc nhiên về điều đó, vì người đàn ông trên giường bệnh kia chính là người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid và đưa đất nước chạm tới chế độ cộng hòa. “Khoảnh khắc trái tim ông ngừng đập cũng là lúc ông được giải thoát khỏi những đau đớn của bệnh tật” - Maki Mandela nhớ lại - "Con người ấy đã ra đi, nhưng là đi vào lịch sử của nhân loại và trở thành biểu tượng chống lại chế độ phân biệt chủng tộc".


Hình ảnh cựu Tổng thống Mandela yếu ớt chống chọi với bệnh tật.

Theo di nguyện cuối cùng của ông, Mandela được chôn cất trên một nông trại ở Qunu, vùng nông thôn hẻo lánh ở tỉnh Eastern Cape của Nam Phi, nơi gắn liền với thời thơ ấu của Mandela. “Toàn bộ nơi ấy là mỏ đá, chúng tôi phải cài mìn phá để xây dựng nơi an nghỉ cuối cùng của ông” - Maki Mandela cho biết.

Lễ tang diễn ra dưới chân những ngọn đồi mà “cậu bé” Mandela từng rong chơi khi còn nhỏ. Theo truyền thống bộ tộc Xhosa, ông Nelson Mandela được đặt lên một tấm thảm sậy trên sàn của ngôi mộ, để ông có thể yên nghỉ giống như những vị tổ tiên của bộ tộc.

“Người dân Nam Phi đã từng thắc mắc, họ có thể đến thăm ngôi mộ không? Tôi nghĩ thời điểm này vẫn còn hơi sớm, nhưng tôi hy vọng gia đình mình có thể mở cửa "khu vườn ký ức" ấy để mọi người trên thế giới có thể vào và bày tỏ tình cảm chân thành của họ với ông. Gia đình tôi gọi nơi đó là "Ngôi nhà lớn" và cha tôi sẽ không bao giờ cô đơn khi mọi người vẫn luôn nghĩ về ông”.

Duy Quỳnh
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm