25/01/2017 07:57 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Khác với mọi năm những người chơi hoa sành điệu đất Hà Thành thường tìm cho mình một cành đào rừng thì năm nay đào thất thốn lại được nhiều người chơi hoa mang về nhà trưng Tết.
Được xem là “hoàng hậu” của các loại đào bởi vẻ đẹp tinh tế mà các loại đào khác không có được, đào thất thốn xưa vốn chỉ dùng làm “đặc sản tiến vua”. Giờ đây giống hoa vương giả này vẫn được người dân vùng Nhật Tân bảo tồn, chăm sóc để đáp ứng thị hiếu của những người chơi hoa khó tính khi Tết đến xuân về.
* Thắm sắc đào thất thốn Nhật Tân
Nhật Tân là vùng đất hiếm hoi của cả nước còn trồng được đào thất thốn, nhưng số lượng cây cung cấp ra thị trường cũng rất khan hiếm và giá cũng rất đắt, kén người chơi.
Trước đây, những gia đình trồng đào ở Nhật Tân hầu như nhà nào cũng có vài cây đào thất thốn nhưng giờ đây do tốc độ đô thị hoá của vùng này quá nhanh, đất trồng đào đang bị thu hẹp dần đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì nghề trồng đào truyền thống nói chung và giống đào quý này nói riêng.
Đào thất thốn của Hà Nội
Đào thất thốn thường chỉ ra hoa sau rằm tháng Giêng nhưng giờ đây người trồng đào Nhật Tân đã có cách “thúc” đào nở đùng vào dịp Tết. Nổi tiếng về trồng đào thất thốn ở Nhật Tân là anh Lê Hàm với 20 năm nghiên cứu nuôi trồng loại đào này, đào thất thốn đã trở thành niềm đam mê, sở thích của anh. Anh cũng là người có kinh nghiệm trong việc “thúc” đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Nói về sự công phu để có một gốc đào thất thốn, anh Lê Hàm cho biết, năm nay thời tiết nóng lạnh, mưa gió thất thường nên không thuận lợi cho đào thất thốn. Vất vả nhất là những ngày đông nhưng nắng nóng như mùa hè khiến việc chăm đào thất thốn thêm phần vất vả. Ngược lại có những thời điểm nhiệt độ xuống quá thấp nên anh phải dùng điều hòa để duy trì nhiệt độ ổn định “ủ” cho đào bung hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Hiện vườn đào thất thốn của anh Hàm có 70 gốc đào được anh chăm chút từng gốc đào, đặc biệt phải làm nhà để ủ đào.
Theo các nghệ nhân trồng đào thì đào thất thốn nguyên bản chưa lai ghép phải là loại đào có cây cao hơn mặt đất 7 tấc (hơn 1m), trồng trong 3 năm mới đơm hoa, 7 năm cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, vào ban đêm hoa tỏa hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được.
Đào thất thốn đẹp nhất là có tán hình nấm, lá dày, xanh thẫm, cành mọc chia đều ra xung quanh. Người trồng đào thất thốn phải chăm sóc cực kỳ cẩn thận, từ khâu chọn đất trồng phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào. Ngay cả nước tưới cây cũng phải bằng nước sạch để cây đào trở nên thanh cao, tao nhã, xưa kia chỉ các bậc quyền quý, nhà giàu mới chơi loại đào này.
Việc chăm dưỡng cũng không kém phần khó khăn, vất vả, nhất là những ngày rét mướt, sương muối hay những hôm nắng bỏng héo lá, người trồng đào phải là một “bà đỡ” thật khéo thì đào mới trụ được. Chơi đào thất thốn phải đánh nguyên cả cây, cho vào chậu chứ nếu chỉ cắt cành thì quá lãng phí và không biết cách chơi đào.
Thế nhưng do rất khó để đào thất thốn ra hoa nên giờ đây đào đã được người dân cấy ghép với các gốc đào ta, đào bích nên đào thất thốn không còn sắc thắm đặc trưng nữa. Hiện nay đào thất thốn của Nhật Tân có tới 4 loại đào thất thốn là đỏ đậm, loại đỏ nhạt hơn, một loại có màu như đào phai và một loại có năm cánh.
Cận cảnh nụ đào thất thốn
Ông Nguyễn Trọng Mẫn, Phó Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nhật Tân cho biết, hiện Nhật Tân có khoảng 10 hộ trồng đào thất thốn, trong đó có hộ anh Lê Hàm và ông Hà là trồng nhiều nhất, còn lại 50% các hộ trồng đào ở Nhật Tân mỗi nhà cũng có vài cây đào thất thốn nhưng cũng ít khi được chơi mà để cho thuê. 100% số đào thất thốn chỉ dành để cho thuê chứ không bán, giá thuê từ vài triệu đến hơn 100 triệu đồng cũng có. “Chơi cây cảnh nên giá cả cũng vô cùng, hợp mắt người chơi thì được giá còn giá thấp cũng có, tùy từng loại đẹp hay xấu”, ông Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, do loại đào này phải đầu tư lớn, đòi hỏi cao về kỹ thuật chăm sóc nên hợp tác xã cũng không khuyến khích. Tuy nhiên hiện nay để nhân giống đào này, người dân Nhật Tân thường ghép với các gốc đào ta, bích đào nên tiền đầu tư không cần nhiều nhưng khâu chăm sóc để “thúc” đào ra hoa đúng dịp Tết không đơn giản. Trồng đào thất thốn nổi tiếng ở Nhật Tân là anh Lê Hàm phải làm nhà lắp điều hòa để “ủ” đào.
Gần đây, trường Đại học Nông nghiệp cũng đã lai tạo ra giống đào thất thốn dáng nhỏ, dễ trồng và chăm sóc nhưng sắc hoa không thắm như đào thất thốn xưa kia được.
* Hút khách vì “lạ”
Chợ hoa Vạn Phúc những ngày Giáp Tết là một điểm văn hóa không thể bỏ qua đối với những ai có thú vui lang thang chợ hoa để tìm cho mình một dáng hoa đẹp để trưng trong những ngày Tết. So với các chợ hoa khác, chợ hoa Vạn Phúc phong phú các chủng loại nhưng giá cả khá phải chăng. Trong hàng trăm loại hoa đua sắc ở đây, những cây đào thất thốn tuy không nhiều nhưng thu hút sự chú ý của những người đến mua hoa bởi yếu tố “độc và lạ”.
Những gốc đào Thất Thốn sù sì bật lên những nụ hoa đỏ đậm, cánh dày đẹp… ai đã trót ngắm nhìn thì khó lòng hờ hững.
Một đoàn du khách thành phố Hồ Chí Minh thích thú ngắm nhìn và lôi điện thoại ra chụp một dáng đào thất thốn siêu trực, dáng cổ kính, từ gốc đến cành đều sùi phồng nổi những u cục sù sì. Gốc thất thốn chỉ nhỏ như một cây chi mai nhưng những cành hoa chi chít nụ bừng lên một sức sống mãnh liệt như mùa xuân hứa hẹn mang tài lộc đến cho mọi nhà.
Theo những người bán hoa ở chợ hoa Vạn Phúc, ngoài giống đào thất thốn ở Nhật Tân thì hiện có nhiều đào thất thốn nhập từ Trung Quốc về, dáng cây chỉ nhỏ như một cây chi mai, rất nhiều nụ, mỗi cây chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng. Giống đào thất thốn nhập từ Trung Quốc chỉ dùng trong Tết sau thì bỏ chứ mang ra vườn trồng rất khó sống. Nhưng loại đào thất thốn này đang được nhiều người ưa chuộc vì dáng nhỏ dễ trang trí trên bàn nước hay góc nhà, giá cả phải chăng.
Với đặc điểm riêng mà không một loại cây nào có được là dù bị cắt lìa cành vẫn trổ hoa, kết quả, đất càng cằn cỗi hoa càng đẹp thì với sức sống mãnh liệt của mình, đào thất thốn xứng đáng là loại hoa quý đại diện cho mùa Xuân làm đẹp thêm vùng đất Hà thành mỗi độ Tết đến, Xuân về./.
Tuyết Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất