20h30 ngày 24/2, Manchester City - Chelsea: Người giàu cũng khóc

24/02/2013 06:24 GMT+7

(lienminhbng.org) - Cả hai đều đã gặt hái thành công bằng chi tiêu, nhưng nuôi dưỡng thành công không thể chỉ bằng chi tiêu. Chelsea và Manchester City đã leo lên đỉnh cao bằng thực lực tài chính của các ông chủ, nhưng trở thành một tượng đài của bóng đá Anh thì không thể thiếu thực lực tự thân.

*Lượt đi 0-0

Man City (phải) mới là đội xứng đáng thách thức M.U hơn?

Dấu ấn tài phiệt

Theo trang thống kê chuyển nhượng của Premier League, Chelsea và Man City là hai đội tiêu tiền mạnh tay nhất trong lịch sử giải đấu. Cụ thể, Chelsea đã chi hơn 841 triệu bảng (700 triệu trong vòng 9 năm qua), còn Man City đã ném 703 triệu vào TTCN (gần 600 triệu trong 5 năm qua).

Các nhà tài phiệt là nguyên nhân của thành công. Chelsea giành 3 chức vô địch Premier League, 4 Cúp FA, 1 Champions League, 2 Cúp Liên đoàn và 2 Community Shield dưới thời tỷ phú Abramovich. Man City chấm dứt cơn khát chức VĐQG kéo dài 44 năm vào mùa bóng trước, nhờ các tỷ phú Arab.

Yếu tố được thúc đẩy mạnh mẽ nhất của mô hình tài phiệt là con người: Các cầu thủ giỏi được lắp ghép bởi những HLV giỏi để giành lấy thành công ngắn hạn. Quá trình ấy đòi hỏi sự đào thải rất mạnh mẽ, vì tiền thường không đi kèm sự kiên nhẫn: Chelsea đã trải qua 9 đời HLV trong 9 năm, còn Man City là 3 HLV trong 5 năm.

Nhưng quá trình đào thải ấy cũng hoàn toàn phụ thuộc ý muốn của các tài phiệt: Abramovich có thể kiên nhẫn với các cầu thủ (Shevchenko, Torres), nhưng không bao giờ chớp mắt khi sa thải HLV. Các tỷ phú Arab thì tỏ ra kiên nhẫn hơn với HLV (Roberto Mancini) hơn các cầu thủ (vụ Balotelli mới đây là điển hình).

Bài học của người Ý

Mô hình tài phiệt đã giúp bóng đá Ý thống trị châu Âu vào cuối thế kỷ trước, nhưng nó cũng bắt đầu cho sự sụp đổ của nền bóng đá này vào đầu thế kỷ mới, khi các ông chủ gặp rắc rối, vướng vòng lao lý hoặc không còn tiền đầu tư cho đội bóng (Lazio, Fiorentina, hoặc thậm chí là Milan hiện nay).

Đơn giản vì nhiều năm bị đặt dưới sự chi phối của các ông chủ yêu bóng đá bằng cảm tính, các đội bóng không còn biết cách tồn tại độc lập. Trong quá trình đó, họ đánh mất sự hợp lý trong điều hành, kinh doanh từ bóng đá thiếu hiệu quả và không thể tạo ra nền tảng để kéo dài chu kỳ thành công.

Trong những năm thành công ấy, Chelsea và Man City không giới thiệu được gương mặt trẻ khả dĩ nào. Trong danh sách triệu tập mới nhất của đội tuyển Anh, chỉ có 3 cầu thủ Chelsea (2 người đã trên 30, là Cole và Lampard), 2 của Man City.

Nếu như Manchester United đã giới thiệu được lối chơi đập nhả đẹp mắt vào cuối thế kỷ trước và sau đó, thay đổi để trở thành đại diện ưu tú của lối chơi thực dụng trong thế kỷ mới; Arsenal đã từng ghi vào ký ức người hâm mộ cách chơi bóng ngắn tinh tế và tốc độ trong nửa đầu của thập niên trước, thì Chelsea chưa tạo được bản sắc đặc biệt ấy dù đã giành cả chục chiến quả dưới thời Abramovich, còn Man City thì chưa hề dám mơ đến điều này.

Giá trị thương hiệu cũng là một khía cạnh mà Man City và Chelsea phải học tập M.U và Arsenal, là tổng hòa của những thành công sân cỏ, bản sắc và cả chiến lược phát triển hợp lý.

Người Ý đã sụp đổ vào thời điểm mô hình "gia đình trị" của các tỷ phú sụp đổ. Khi tiền đi mất, đội bóng không còn biết kiếm tiền để tự nuôi nó, chưa có một bản sắc để kéo các khán giả đến với nó, trong khi không tự đào tạo được nhân lực để kế thừa.

Đó là bài học cho Man City và Chelsea. Thực tế là hiện tại, họ cũng đang xếp sau M.U, kiểu mẫu thành công nhất trong lịch sử Premier League, kết hợp tốt giữa tiền, chiến lược và tạo ra bản sắc. Tương lai thì hãy nhìn người Ý.

Ai thay đổi sớm hơn?

Cả hai đều đã nghĩ đến sự thay đổi. Chelsea và Man City mua các cầu thủ có kỹ thuật để "Latin hóa" lối chơi, tuyên bố muốn chơi đẹp. Họ đi du đấu quảng bá hình ảnh, bắt đầu siết chặt chi tiêu. Giá trị thương hiệu của cả hai đã nằm trong tốp 10 thế giới năm qua (Chelsea thứ 5 và Man City thứ 8).

Nhưng Chelsea vẫn là một con cờ trong tay tỷ phú Abramovich: Chơi đẹp hay không là để thỏa mãn con mắt của ông. Thậm chí, báo chí Anh cho rằng kiên nhẫn với Torres, một vấn đề thuần chuyên môn, cũng là ý muốn của ông.

Man City muốn tồn tại độc lập hơn. Họ thuê các cựu Giám đốc của Barcelona là Txiki Begiristain và Ferran Soriano về điều hành. Số tiền mà các ông chủ Arab bơm vào đội bóng giờ được thông qua bằng bản hợp đồng bán tên sân trị giá 400 triệu bảng trong 10 năm cho hãng hàng không Etihad. Không còn mang tính tùy tiện và theo cảm hứng như số tiền đầu tư của ông Abramovich vào Chelsea.

Đó là nền tảng ban đầu cho thành công tương lai của đội bóng này. Nếu có một CLB đuổi kịp M.U ở mùa giải này, thì đó có lẽ là Man City.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Đội hình dự kiến

Man City: Hart - Zabaleta, Kompany, Lescott, Clichy - Y. Toure, Barry - Silva, Aguero, Nasri - Dzeko

Chelsea: Cech - Azpillicueta, Cahill, Terry, Cole - Lampard, Luiz - Ramires, Mata, Hazard

Dự đoán: 2-1


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm