Góc nhìn: Đưa Man City lên đỉnh thì dễ...

27/10/2014 14:03 GMT+7

(lienminhbng.org) - ... Nhưng giữ đội bóng này ở lại đỉnh cao thì thậm khó. Roberto Mancini đã bó tay, và giờ, đến lượt Manuel Pellegrini lúng túng trước thử thách này.

1. Tháng 5 năm ngoái, Man City sa thải ông Mancini sau 3 năm rưỡi gắn bó, với ba danh hiệu giành được. HLV người Italy đã chấm dứt 44 năm chờ đợi một chức vô địch quốc gia Anh của CLB này. Ông cũng là người đã ký hợp đồng với một loạt những cầu thủ trụ cột của đội hình hiện tại, bao gồm Yaya Toure, David Silva, Sergio Aguero, Samir Nasri và Edin Dzeko; đồng thời làm việc và giúp Joe Hart, Vincent Kompany, Pablo Zabaleta tiến bộ.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi bắt đầu xây dựng đội bóng này từ 5 năm trước" - Mancini sau này kể lại trên tờ FourFourTwo. "Trong vòng hai năm, chúng tôi đã vô địch FA Cup lẫn Premier League. Chúng tôi đã chiến thắng mọi thứ ở Anh. Đội hình hiện tại vận hành với 9 cầu thủ dưới quyền tôi. Tôi rất vui vì tôi hiểu rõ những cầu thủ này. Tôi nghĩ không dễ để xây dựng một đội bóng mạnh với chỉ 4-5 năm".

Nhưng cuối cùng thì người tự nhận rằng mình hiểu rõ nhất tập thể mình đã tạo dựng cũng không thể giúp nó bảo vệ thành công chức vô địch. Mancini là người đã sửa chữa đội bóng này trong hơn hai năm để đưa nó lên đỉnh cao, nhưng ông không thể duy trì được thành công. Mùa bóng sau chức vô địch Premier League, Mancini không những gặp rắc rối với vấn đề phong độ, mà ông cũng không thể quản nổi Man City nữa. Vụ đánh nhau với Mario Balotelli ngay trên sân tập là một minh chứng.

2. Pellegrini cũng đang thực sự gặp rắc rối, dù mùa này, Man City đã rất quan tâm đến thị trường chuyển nhượng. Đội bóng áo xanh thành Manchester đã thua hai và hòa hai sau 9 vòng, với động lực thi đấu giảm sút đáng ngạc nhiên. Những cầu thủ xuất sắc nhất của họ mùa bóng trước, trừ Sergio Aguero, đều không thể duy trì được phong độ. Vincent Kompany, Yaya Toure và David Silva chỉ còn là cái bóng mờ của chính họ.

Một bài viết của tờ The Guardian cách đây hai năm đã ví von rằng Man City giống như nhà vô địch Premier League năm 1995, Blackburn Rovers. Đội bóng ấy đã đăng quang bằng một đội hình đắt giá (đáng kể nhất là siêu sao tiền đạo Alan Shearer), nhưng nhanh chóng trượt dốc sau mùa giải huy hoàng ấy: "Họ là một đội bóng mạnh với những tên tuổi lớn, nhưng động lực để tiến lên và tiếp nối vinh quang lại là sự tự hào và truyền thống".

Đó có lẽ là vấn đề mà những tập thể được xây dựng vội vã luôn gặp phải: Họ có đủ năng lực để đi đến đỉnh cao, nhưng duy trì được mình trên đỉnh cao ấy là những yếu tố vô hình đã được xác lập bằng một quá trình bền bỉ kéo dài hàng chục năm lịch sử, như sự tự hào, bản năng chiến thắng và khí chất nhà vô địch.

3. Điều đó giải thích tại sao có những đội bóng có thể bất chấp thăng trầm để duy trì sự thống trị của mình ở các giải VĐQG trong nhiều năm, như Juventus ở Italy, Bayern ở Đức hay Man United ở Anh, ngay cả khi chất lượng đội hình của họ không thực sự vượt trội so với các đối thủ giàu tham vọng khác cùng giải đấu.

Tạo lập một thứ văn hóa chiến thắng bền bỉ ấy là điều Man City đang cố gắng hướng tới, bằng việc tập trung hơn vào đào tạo trẻ, thuê hai cựu Giám đốc thể thao của Barcelona để tìm ra bản sắc chơi bóng cho đội, cũng như phát triển một nền tảng tài chính cân bằng hơn. Nhưng để thực sự trở thành một "đại gia" có văn hóa chiến thắng từ trong máu, họ sẽ còn phải trải qua nhiều thử thách nữa.

Vì thế, những gì diễn ra không như ý ở mùa giải này có thể không phải là lỗi của Pellegrini, mà đơn giản là do nội lực của Man City thật sự chưa đủ để vượt qua chính mình. Họ sẽ cần thêm thời gian để tạo ra một tập thể chiến thắng thực sự.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm