Tết Trung thu: Để trẻ em không quay lưng với truyền thống

29/09/2012 13:57 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Trong những năm gần đây, trên thị trường đồ chơi và những trò chơi Trung Thu trẻ em, thì đồ chơi, trò chơi truyền thống yếu thế rất nhiều so với các đồ chơi ngoại nhập và có nguy cơ dần bị mất đi. Thiếu nhi ngày nay có thể mất đi những cảm xúc, kí ức về tết Trung Thu truyền thống của cha ông.

Xung quanh vấn đề này, TT&VH đã trao đổi với PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam và ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng ban thường trực BQL phố cổ Hà Nội, những đơn vị thường xuyên tổ chức những trò chơi cho trẻ em, đặc biệt là trong dịp Trung Thu này.


Tò he, món đồ chơi truyền thống dành cho trẻ dịp Trung thu

* Ngày Trung Thu đang đến gần, hẳn hai ông cũng có nhiều kí ức về Trung Thu tuổi thơ của mình?

- PGS.TS Võ Quang Trọng: Thế hệ chúng tôi vào dịp này được sống trong không khí rất vui. Trước tết Trung Thu nhiều ngày, cha mẹ đã rất quan tâm đến các con, mẹ bao giờ cũng mua cho tôi đèn ông sao và vài con tò he. Dù chưa đến ngày tết, nhưng buổi tối, trẻ em trong làng tập hợp lại và đi rước đèn. Lũ trẻ chúng tôi hát những bài đồng dao gắn với những trò chơi chúng tôi tự tổ chức.

Một điều trẻ con rất thích nữa là những ngày ấy được người lớn quan tâm hơn, chúng tôi có lỗi lầm gì cũng dễ được tha thứ hơn. Cộng những điều đó lại, Trung Thu thành niềm hứng khởi với tuổi thơ chúng tôi, nó là hành trang suốt chặng đường dài cho mỗi người.

Qua những hoạt động, trò chơi dân gian, di sản văn hóa của cha ông tự nhiên ngấm vào mỗi người, nó lưu mãi trong tâm hồn mỗi người từ tấm bé đến khi lớn lên.

Ông Phạm Tuấn Long

- Ông Phạm Tuấn Long: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thế hệ tôi vẫn thuộc thời kì kinh tế khó khăn, nhưng tôi đã được tiếp cận với những trò chơi truyền thống. Dịp Trung Thu, anh chị em trong nhà háo hức trước đó cả nửa tháng, chúng tôi tự tạo những trò chơi cho mình, lên kế hoạch cho đêm phá cỗ. Ánh đèn rất thiếu, đêm phá cỗ thường tổ chức trên sân thượng trong các khu nhà. Chị tôi hay làm những hạt bưởi phơi khô, dùng dây đồng xâu lại để đốt trong đêm Trung Thu. Bố mẹ cho tiền mua bánh và mâm ngũ quả nhưng ít thôi, mọi người cùng góp lại. Dịp này, cha mẹ cũng dễ bỏ qua những sự nghịch ngợm của trẻ con hơn.

* Không ai cấm được quyền trẻ em thụ hưởng những trò chơi mới lạ. Nhưng nó khác đồ chơi truyền thống, khi cả gia đình bố mẹ, anh chị em cùng làm một đồ chơi, đó là sự gắn kết tuyệt vời mỗi dịp Trung thu.

- PGS.TS Võ Quang Trọng: Đồ chơi hiện đại là sự phát triển chứ không phải làm mờ nhạt truyền thống, bởi thời đại nào thị hiếu ấy. Vấn đề là làm sao chúng ta bảo tồn được truyền thống, và đồ chơi mới làm sao kế thừa được truyền thống và phát triển lên.

Đồ chơi, trò chơi dân gian là giá trị đúc rút kết tinh hàng nghìn năm của cha ông để lại. Nếu so sánh đồ chơi hiện đại với đồ chơi dân gian, hẳn nhiều người thấy đồ chơi dân gian có rất nhiều giá trị, ưu điểm. Đồ chơi trò chơi dân gian kéo con người ra khỏi 4 bức tường, hòa đồng với thiên nhiên. Đó chủ yếu là những trò chơi tập thể, qua cách chơi mọi người giao lưu tình cảm với nhau, tâm hồn được bồi đắp phong phú. Đồng thời nó cũng giúp phát triển toàn diện nhân cách, trí tuệ, thể lực...

Nhưng không thể bắt trẻ em hiện nay cứ phải chơi trò chơi truyền thống. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mỗi một thế hệ có thể kế thừa những nét đẹp của trò chơi truyền thống trước kia.

- Ông Phạm Tuấn Long: Việc hướng dẫn cho các em thiếu nhi tự làm trò chơi giúp các em bồi đắp tính kiên nhẫn, sự khéo léo và tính thẩm mỹ. Vì thế, nếu giúp các em tự làm đồ chơi theo sở thích sẽ có ý nghĩa rất lớn. Ở nhiều nước, các trường học vẫn hướng dẫn cho học sinh tự làm đồ dùng học tập và cả đồ chơi.

Một số trường học Việt Nam, giờ ngoại khóa cũng đã có những môn học tương tự như vậy, mà ngày trước gọi là môn học thủ công. Đấy là cách tốt để giáo dục các em hướng đến trò chơi truyền thống.

* Cả Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và BQL phố cổ Hà Nội đều xây dựng những không gian hướng dẫn các em nhỏ tự làm và chơi những trò chơi truyền thống. Từ phía nhà tổ chức, các ông thấy sự quan tâm của phụ huynh và các em thiếu nhi với những đồ chơi, trò chơi đó như thế nào?

PGS.TS Võ Quang Trọng

- PGS.TS Võ Quang Trọng: Rõ ràng không có chuyện người dân và các em thiếu nhi ngoảnh mặt với di sản truyền thống. Mỗi khi chúng tôi tổ chức làm đồ chơi và chơi các trò chơi đều được các em đó đón nhận hăm hở, hào hứng, thậm chí hết giờ các em vẫn ở lại chơi. Khi các em được trải nghiệm như thế nó tạo ra niềm hứng khởi. Qua đó, bồi dưỡng tình cảm và lòng tự hào với di sản văn hóa cha ông.

Trong sự đô thị hóa hiện nay, chúng ta xây dựng nhiều nhà ở nhưng thiếu không gian văn hóa, vui chơi. Đó là sự hạn chế lớn đến sự phát triển trẻ em. Ngoài ra, nhà trường và các đoàn thể phải dành không gian, thời gian cho các em trở lại với những di sản văn hóa nhiều hơn nữa.

Tôi hay nói với các bạn tình nguyện viên của bảo tàng, các bạn chính là người thổi hồn cho những trò chơi dân gian. Người dân có thể mua một ông tiến sĩ giấy nhưng phải làm họ hiểu được ý nghĩa của nó. Đó là hướng trẻ em đến sự thành đạt, có ích cho xã hội... Người dân biết ý nghĩa của đồ chơi thì mới mua đồ chơi đó. Giá trị vật thể, phi vật thể đan xen, hòa quyện với nhau mới bền lâu được. Nhưng chúng ta mới đang bày bán đồ chơi nhưng thiếu chiều sâu trong chia sẻ giá trị văn hóa của nó.

Vâng, xin cảm ơn hai ông!

Yên Khương - Thảo Vy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm