Man United của ngày hôm qua đã chết rồi

13/09/2014 08:57 GMT+7

(lienminhbng.org) - Một bộ óc Hà Lan trên băng ghế huấn luyện, những ngôi sao ngoại quốc đổ bộ xuống Old Trafford, còn các tài năng trẻ lần lượt phải ra đi. Man United mà chúng ta đã từng biết đã chết rồi. Bây giờ là một kỷ nguyên mới.

Gary Neville là một trong những người chỉ trích sự thay đổi trong chính sách Man United mạnh mẽ nhất. Anh là một người hoài cổ và luôn nghĩ rằng HLV của Man United phải thuộc Vương quốc Anh. Theo anh, Man United cần phải chống lại xu thế sử dụng HLV ngoại, và David Moyes nên được trao thêm cơ hội, thay vì bị sa thải sau chỉ một mùa. Gary Neville đã không thể ngăn được xu thế ấy, nên anh cố vớt vát quan điểm của mình, rằng người kế nhiệm tại Man United cần phải kế thừa những giá trị truyền thống của CLB. 


Bao giờ Man United mới lại có một thế hệ trẻ thành công như Thế hệ 1992?

Nhiều người khác không đồng ý với Gary Neville, khi cho rằng Man United cần thực dụng hơn trong chiến lược phát triển, song cựu hậu vệ này vẫn khẳng định rằng rằng chính những con người nội đã tạo nên một Man United có một không hai. Một HLV người Anh sẽ tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ của Anh tỏa sáng. Đó đã những gì tạo nên Man United.

Chủ nhật này sẽ là ngày đầu tiên của kỷ nguyên Man United mới. Tiếp Queens Park Rangers tại Old Trafford, Van Gaal sẽ đưa ra sân một đội hình xuất phát gồm hầu hết các cầu thủ ngoại, và đắt giá. Jonny Evans và Darren Fletcher đá chính, thì đó cũng chỉ là tạm thời do các cầu thủ ngoại ở vị trí đó dính chấn thương. Lời hứa sẽ mang về “mỗi mùa một Suarez” càng khiến tương lai của các cầu thủ nội mờ mịt. Trợ lý Ryan Giggs bảo rằng Man United sẽ cho các cầu thủ trẻ cơ hội thi đấu, nhưng thật ra, anh không hề có quyền quyết định, nhất là trước một HLV độc đoán và bảo thủ như Van Gaal.


Januzaj (trái) đang ít có cơ hội thể hiện

Với kế hoạch đưa một đội bóng xếp thứ bảy mùa trước giành vé chính thức dự Champions League mua sau, Van Gaal cần sự đầu tư gấp rút chứ không thể dựa vào phong cách cũ trên nền tảng đào tạo trẻ được. Với chiến lược ấy, Van Gaal đã thải loại được một số cầu thủ kém chất lượng, song cũng có những ngôi sao trẻ đã trở thành nạn nhân của chính sách ấy. Adnan Januzaj là một ví dụ. Tài năng trẻ người Bỉ vụt sáng ở mùa trước và hứa hẹn sẽ trở thành một ngôi sao lớn, nhưng bây giờ có nguy cơ chìm vào quên lãng. Cơ hội đá chính của anh ngày càng ít. Từ đầu mùa giải, Januzaj được đá 4 trận nhưng đều phải vào sân từ ghế dự bị và không tạo được ấn tượng gì.

Man United theo kiểu Man City

Tất nhiên, không ai bảo việc Man United bạo chi là vô đạo đức cả. Họ cần phải hòa với xu thế chung để mang về những ngôi sao ngoại chất lượng nhằm tăng cường sức cạnh tranh. Sự thật là kể từ sau thế hệ 1992, Man United không sản sinh ra một tài năng lớn nào cả nên họ rất cần sự đầu tư để không trượt khỏi nhóm các ông lớn.


Tân binh Falcao và ông thầy ngoại Louis van Gaal

Ed Woodward, phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Man United đã chơi một canh bạc lớn, nhưng cần thiết, khi đầu tư xấp xỉ 150 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa rồi. Việc các fan mong đợi và đồn đoán đội hình xuất phát của Man United, khi họ có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt là trên hàng công, đã mang lại một hiệu ứng tích cực về tinh thần. Nhưng đó có phải United không? Không, không phải United của Neville, Giggs, và những ngôi sao một thời mà ta từng biết. Đó không phải United mà Sir Alex đã từng chăm chút.

Đó là một United theo dạng Man City, Chelsea, Real Madrid, Inter Milan. Đó là một Man United Internationale, là nơi hội tụ của những ngôi sao, chỉ coi Old Trafford là một điểm dừng chân trong sự nghiệp “lưu diễn”.

Cristiano Ronaldo đã có những năm tháng không quên tại United, nhưng đội bóng của anh bây giờ là Real Madrid. Old Trafford chỉ là một chặng qua đường của ngôi sao người Bồ trên hành trình xuất phát từ Sporting Lisbon và kết thúc ở Bernabeu. Falcao đã nói về việc gắn bó với Man United lâu dài, nhưng đây là một ý niệm mơ hồ, và xét về lý thuyết, anh đang thi đấu theo dạng cho mượn. Nên nhớ, cách đây một năm, anh cũng từng tuyên bố rằng “Tôi đang rất háo hức trước khởi đầu mới”, “rất hạnh phúc” trong ngày ra mắt ở Monaco.


Falcao và Blind liệu có gắn bó lâu dài với Man United

Có thể đội bóng này sẽ đạt được nhiều thành tích lớn, nhưng không giống như ngày xưa. Đừng ai nghĩ rằng Falcao, Di Maria và Marcos Rojo sẽ trích tiền tiết kiệm để gửi cho Atletico Salford, một CLB đang thuộc sở hữu của những cựu danh thủ thế hệ 1992 nhằm gây dựng lại một Man United đích thực. Đơn giản, họ là cầu thủ Man United nhưng không có đủ gắn bó để nuôi dưỡng một tình yêu đích thực.

Man United của ngày hôm qua đã đi mất rồi!

Tuấn Cương (Theo Daily Mail)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm