Marc Chagall: 'Người hiểu được màu sắc là gì'

11/06/2013 10:11 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Khi họa sĩ Nga Marc Chagall (1887-1985) tới Paris (Pháp) vào năm 1910, thế giới nghệ thuật lúc ấy đang bàn tán nhiều về xu hướng lập thể và những họa phẩm gây xúc động của Cezanne, Van Gogh và Matisse. Triển lãm mới mang tên Chagall: Modern Master (tạm dịch Chagall: Bậc thầy hiện đại) tổ chức tại Tate Liverpool đã lần đầu tiên cho thấy họa sĩ này phát triển tài năng của mình như thế nào trong khung cảnh đó.

Đây là triển lãm lớn đầu tiên tranh Chagall ở Anh trong 15 năm qua.

Triển lãm trưng bày hơn 70 họa phẩm từ các bộ sưu tập cá nhân và công cộng từ Nga, châu Âu và Mỹ.

Lúc sinh thời, danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso từng nói: “Khi Matisse qua đời, Chagall sẽ là họa sĩ duy nhất hiểu được màu sắc là gì”. Cần biết rằng Picasso ít khi thể hiện sự tin tưởng vào khả năng của các đồng nghiệp. Tuy nhiên, nhờ khả năng sử dụng màu sắc, sự tưởng tượng đầy chất thơ khiến người xem cảm nhận được cả ký ức và xúc cảm thông qua những bức tranh giàu hình ảnh tưởng tượng, Chagall đã giành được sự tin tưởng của Picasso.

Thực tế về sau Chagall đã sống lâu hơn cả Matisse và Picasso. Ông qua đời vào năm 1985 ở tuổi 97, là một trong những người cuối cùng của thế hệ các nghệ sĩ hiện đại vĩ đại.



Ảnh hưởng từ Paris

Có thể nói Paris đã giúp “nhào nặn” Chagall trở thành một nghệ sĩ vĩ đại, cũng giống như việc nơi đây đã góp sức tạo ra nhiều nghệ sĩ lớn khác ở cùng thời điểm. Triển lãm mới tại Tate Liverpool đã phản ánh thời kỳ đầu trong sự nghiệp của ông ở nơi đây.

Khi Chagall tới Paris, ông là một chàng trai Do Thái 23 tuổi khá nhút nhát và mộng mơ đến từ Liozna, gần thành phố Vitebsk (hiện thuộc Belarus). Cha ông là cửu vạn cho một nhà buôn, còn mẹ là người bán tạp hóa tại nhà. Tuy thời gian sau này, ông vẫn nói với mọi người rằng khả năng hội họa của mình phần lớn do tự học, song thực tế Chagall đã học nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của họa sĩ duy thực Yehuda Pen, nhà thiết kế bối cảnh và trang phục Leon Bakst cùng nhiều họa sĩ khác ở St. Petersburg.   

“Khi Matisse qua đời, Chagall sẽ là họa sĩ duy nhất hiểu được màu sắc là gì” (Picasso).

Ông lựa chọn tới Paris vào đúng thời điểm. Lúc đó, Paris đang bàn tán nhiều về xu hướng nghệ thuật mới là Chủ nghĩa lập thể. Đã có nhiều triển lãm tranh của Cezanne, Van Gogh và Matisse được tổ chức ở Paris. Tại đây, Chagall bắt đầu học tiếng Pháp và làm quen với cuộc sống của thành phố, song ông lại chưa học ngôn ngữ hình ảnh mới.

Triển lãm trưng bày 2 bức tranh của ông mô tả sự ra đời của con người, trong đó một bức được ông vẽ trước khi ông mới rời nước Nga và một bức ông vẽ ngay sau khi ông tới Paris. Bức tranh đầu tiên mang màu sắc đậm và mô tả một người mẹ thân hình đầy máu, bên cạnh là bà mụ đỡ lấy đứa trẻ đang khóc bằng cả tay và chân. Bức tranh sau đó mang màu sắc sáng sủa hơn, với không gian được phân chia rõ bằng hình chéo, giữa ánh sáng và bóng tối. Qua đây, người ta thấy được sự khác biệt hẳn về cách sử dụng màu sắc và tâm trạng của ông.

Blue Lovers - một trong những bức tranh được yêu thích nhất trong thế kỷ 20 của họa sĩ Marc Chagall

Nước Nga trong ký ức

Khi tới Pháp, Chagall rất thận trọng với tính hình thức của Chủ nghĩa tân thời và ông háo hức học hỏi cách sử dụng màu sắc của Van Gogh. Ông thể hiện tư duy này trong bức tranh The Yellow Room (1911).

Tuy nhiên, những nỗ lực thử nghiệm của ông không phải lúc nào thành công. Chagall từng thử vẽ tranh tĩnh vật và khỏa thân theo phong cách của Picasso và Matisse, song thất bại. Sở trường của Chagall là sức tưởng tượng đầy chất thơ và hoài bão tìm cách thể hiện ký ức, đặc biệt là về nước Nga trong thời thơ ấu của ông. Nhưng sau đó, Chagall đã kết hợp những nghiên cứu về bố cục của trường phái lập thể với những ý tưởng viển vông của Chủ nghĩa tượng trưng để mô tả nước Nga trong ký ức.

The Soldier Drinks (1911/12), bức tranh mang ảnh hưởng của trường phái lập thể mô tả người lính ghé qua nhà trong cuộc chiến Trung - Nga, cùng hai kiệt tác của ông trong thời kỳ này là To Russia, Asses And Others I And The Village đều mô tả ngôi làng và cuộc sống ở nước Nga mà ông đã rời xa.

Thật may mắn khi nhiều họa phẩm của Chagall trong thời kỳ này vẫn còn tồn tại, do ông đã gửi chúng tới một triển lãm của chủ phòng tranh Herwarth Walden để trưng bày ở Berlin. Cá nhân Chagall không tới được triển lãm này. Năm 1914, ông trở về Nga để dự một đám cưới trong gia đình, song ông đã bị kẹt lại do Thế chiến I bùng nổ và sau đó là cuộc Cách mạng Nga. Khi ông rời nước Nga vào năm 1920, các bức tranh được gửi đi gần như đã bán hết.

Đối với Chagall, thời gian bị kẹt lại ở Nga quả là nặng nề, tuy nhiên trong thời điểm đó ông đã cưới được vợ và nhờ làm một công việc văn phòng mà ông đã không phải tham gia cuộc chiến.

Sau Cách mạng Nga, ông trở thành một nghệ sĩ nghệ thuật thị giác ở thành phố Vitebsk. Bức tranh Blue Lovers mô tả cuộc gặp gỡ với Bella, người yêu và về sau là vợ ông, đã trở thành một trong những họa phẩm được yêu thích nhất thế kỷ 20.

VIỆT LÂM (theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm