(TT&VH Cuối tuần) - Có lẽ điều đầu tiên khiến các vị khách nhận được giấy mời tới LHP Cannes phải hồi hộp suy nghĩ là: Liệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu có làm cho những hội hè hoành tráng kiểu như thế này trở nên ảm đạm? Chắc ban tổ chức cũng lo sợ không kém và đã phải cầu viện cả những diva ngoại hạng đã về chiều như Mariah Carey. Nhưng họ đã không uổng công.
Mariah Carey và Lenny Kravitz là điểm sáng đầu tiên của LHP được bắt đầu trong tâm trạng ảm đạm của thoái trào kinh tế, bởi lẽ: mỗi lần phải “thắt lưng buộc bụng” thì văn hóa dường như là chỗ “phải vạ” đầu tiên. Nhưng có một điều lạ là: chẳng có bóng đen nào của thế giới tài chính khiến các “chân dài, chân ngắn” điện ảnh nhụt chí trong cuộc đua lần thứ 62 giành Cành cọ Vàng bên bờ Côte d’Azur!
Mariah Carey tại Cannes
Ban tổ chức đã không tốn công sức lẫn tiền của để vời cho được các tên tuổi ít nhiều có chỗ đứng vững chắc trong trí nhớ khán giả. Penelope Cruz, Jude Law và Willem Dafoe là những minh tinh được mời đầu tiên. Nhân tiện cũng phải kể tên các sao đã vào lứa tuổi khả kính: nam tài tử lão thành Pháp Gerard Depardieu cũng có mặt cùng một số người đồng hương nổi tiếng của ông như Isabelle Huppert (lần này không chỉ lướt trên thảm đỏ mà còn được cử làm chủ tịch ban giám khảo) và chàng cowboy huyền thoại “Elvis của Pháp“ Johnny Hallyday trẻ mãi, không chịu già. Và trước khi tấm thảm đỏ được trải ra thì một ngôi sao kỳ cựu khác cũng đã được xếp vào đội quân hùng hậu của những người thắng cuộc sắp tới đây: Clint Eastwood với giải Thành tựu trọn đời được trao tại Paris cuối tháng Hai vừa qua.
Nhưng phải đợi đến ngày thứ ba sau khai mạc thì không khí Cannes mới trở nên sôi động thực sự với sự có mặt của Mariah Carey trong phim Precious (Carey thủ vai nhân viên xã hội bên cạnh anh chàng hộ lý Kravitz, một vai phụ mờ nhạt). Xưa nay người ta vốn nghi ngại khi ca sĩ lấn sân điện ảnh, và quả thật cả Carey lẫn Kravitz đều không phải cậy đến phim để đánh bóng thêm tên tuổi mình. Mà hình như ngược lại: phim ảnh cần sao để lên ngôi, nhất là trong thời buổi suy thoái kinh tế này?
Mariah Carey và các diễn viên trong Precious
Mở báo Pháp mấy hôm nay, các fan của Carey có thể sẽ lo ngại cho thần tượng của mình: trông cô tiều tụy và bất hạnh. May mà đó chỉ là vai của cô trong phim.
Precious kể về cô bé béo phì 16 tuổi cùng tên ở Harlem, khu phố tăm tối nhất của New York City, vốn được coi là đất màu cho bạo lực và căm hận. Carey không son phấn, áo quần xộc xệch trái ngược với ấn tượng long lanh thường nhật đã đem về cho phim này nhiều giải tại LHP Sundance trước khi tới Cannes. Tuy nhiên dư luận vẫn sôi động bởi 110 phút bùng nổ xúc cảm. Các cảnh bạo lực tuy chỉ hiện ra rất ngắn, song đủ khủng khiếp để truyền tâm trạng tuyệt vọng của cô bé Precious sang khán giả. Họa vô đơn chí, sau mỗi thảm họa là tiếp ngay thảm họa mới. Không những bị bố mẹ và xung quanh đánh đập, Precious còn mang thai lần thứ hai bởi bố đẻ và phải đơn độc tìm lối thoát khỏi địa ngục. Cô bé học viết, dần dần chiếm được sự chú ý và tôn trọng của mọi người - cho đến thảm họa tiếp theo. Để bảo đảm một sự công tâm, cũng nên nhấn mạnh rằng nữ diễn viên trẻ Gabourey Sidibe trong vai Precious mới thực sự là ngôi sao của Cannes 2009 - cho dù hào quang của Carey và Kravitz khó ai át nổi. Minh tinh Carey tuy nhiên cũng đáng được “khen” nhờ thành tích cắn răng chịu khổ ải trên trường quay: không có phòng nghỉ riêng, không son phấn, không giày cao gót, và chỉ được đem theo một vệ sĩ! Điều này đã được chính Carey bộc bạch phần nào trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây tại Cannes.
* Chị được mời đóng phim này ra sao?
- Một bạn gái cho tôi xem tiểu thuyết
Push của Sapphire và bảo rằng mỗi phụ nữ da màu đều phải đọc cuốn này. Sau khi xem xong, tôi cho rằng mọi phụ nữ đều phải đọc nó. Tôi choáng váng vì cốt truyện, và khi được biết là anh bạn lâu năm Lee Daniels của tôi sẽ dựng phim trên nền cuốn sách ấy thì tôi phát sốt lên! Lee hỏi tôi có muốn tham gia không, và nhân vật bà Weiss ở Sở Xã hội được Lee sáng tạo riêng cho tôi có thể nói là cực kỳ đối nghịch với con người tôi.
* Nghĩa là rất khó cho chị? - Vì người ta luôn tìm trong nhân vật những điểm quen thuộc. Tôi phải lột từng lớp vỏ của mình như bóc củ hành - ca sĩ, nhân vật nổi tiếng, người quen đứng trong ánh đèn pha - để hóa thân vào vai bà Weiss, chính là người lột tả tình cảnh của Precious cho người xem hiểu rõ. Lee bắt tôi phải thay đổi cả từ dáng đi, trong khi tôi có thói quen đi trên đầu ngón chân cả khi không có giày cao gót. Và đó chỉ là một trong vô vàn thói quen mà tôi phải rũ bỏ một cách khó nhọc. Đã thế, thời gian chuẩn bị lại khá ngắn.
* Làm phim xong thì chị lại khoác các lớp vỏ hành cũ lên người? - Thì tôi bắt buộc phải thế mà (cười). Trong phim tôi không được trang điểm, người ta còn trang điểm thêm cho mắt tôi trở nên thâm quầng hơn.
* Thiếu cuộc sống xa xỉ có mệt mỏi đối với chị không? - Khuôn mặt tôi được nhiều người biết, và mỗi một nét xa xỉ dù chỉ thoảng qua cũng làm hại bộ phim. Thú thực đó là một bài học lớn trong đời tôi, vì thói quen của tôi đã quá mạnh. Sân khấu ca nhạc cũng có máy quay phim và đèn pha, nhưng ngược hẳn với phim trường. Diễn viên bị săm soi như nằm trên ghế của nha sĩ, và tất nhiên đó là chủ ý. Một lần Lee bắt quả tang tôi tô một chút son môi và rất bực mình. Ít nhất thì bây giờ tôi cũng biết là lúc mới ngủ dậy, khi chưa trang điểm thì trông mình xấu xí ra sao (cười).
* Chị có trải nghiệm nội tâm gì khi đóng một bộ phim khốc liệt như vậy? - Tôi là một người đa cảm và hay khóc, nhất là trong những khoảnh khắc xúc động như vậy. Nhưng vai bà Weiss không cho phép làm điều ấy, và thế là tôi đã khóc trong những giờ nghỉ. Có thể xin nói thêm về xuất xứ của tôi. Phía gia đình bố tôi có một số cô chú sống trong hoàn cảnh phức tạp, từ khía cạnh ấy tôi được biết nhiều người đã trải qua tình huống tương tự như trong
Precious. Bản thân tôi cũng có kinh nghiệm cá nhân khiến mình đồng cảm với
Precious. Khi chuyện trò với các diễn viên khác, tôi biết họ cũng đã từng bị đẩy vào bên lề xã hội, từng bị lạnh nhạt ruồng rẫy như
Precious. Người ngoài dễ tưởng tôi lớn lên trong một thế giới hào hoa và suốt ngày chỉ biết ca hát. Không, không hẳn thế đâu (cười buồn bã).
* Phim cũng đề cập đôi chút tới giới công nghiệp nhạc pop, về vẻ ngoài hào nhoáng, về mơ mộng của các cô gái trẻ...
- Ngày tôi 19 tuổi và được ký hợp đồng lớn đầu tiên, người ta chỉ vào nửa mặt bên trái của tôi và bảo đó là nửa xấu, đừng bao giờ cho phóng viên chụp vì trông kinh lắm. Tôi xấu hổ và mặc cảm hàng năm trời (cười).
* Sau những xúc cảm mãnh liệt nhờ tiếp xúc với những cuộc đời như của Precious, chị có cảm thấy công nghiệp giải trí quá thiên về bề nổi không?
- Cứ cho là thế đi, tất nhiên. Nhưng trong phim cũng có cảnh Precious tưởng tượng ra một thế giới ảo để lẩn tránh thực tại man rợ hằng ngày, lúc ấy cô bé đi trên sân khấu dưới ánh đèn chói lọi, và tôi cho rằng đó cũng là một nguồn động viên lớn đấy chứ. Thế giới ảo của Precious thì ra là thế giới thật của tôi. Nhờ nghề hát và sự say mê mà cuộc sống của tôi rất khác với mọi người khác, vì vậy tôi rất biết ơn số phận đưa tôi tới phim này.
* Chị khơi nguồn lực từ nơi nào để sống?
- Ngày còn bé đó là âm nhạc và lòng tin vào Đức Chúa. Mẹ tôi thường bảo: “Con sẽ thành một ngôi sao”, bà nói câu đó hằng ngày và gieo vào tôi sự tự tin ấy. Âm nhạc luôn là nơi tôi tìm đến để là chính mình. Khi lớn lên tôi có thêm bạn bè và những người khác giúp tôi vượt qua những khó khăn đầu đời (năm 19 tuổi Carey được Tommy Mottola, một chủ hãng thu âm hơn cô 20 tuổi, phát hiện và cưới làm vợ, chung sống 7 năm - TT&VH Cuối tuần). Ngày nay chẳng ai muốn đả động đến nữa, nhưng thành thực mà nói thì đó là một mối quan hệ lợi dụng, cả về tình cảm lẫn vật chất và sự nghiệp. Nhưng đó đã là quá khứ.
Đức Anh