Calcio đoàn kết Italia, chia rẽ Italia

15/03/2011 12:01 GMT+7 | Italy

(TT&VH) - Ngay cả khi Garibaldi đặt chân lên Marsala, Sicilia để bắt đầu cuộc trường chinh thống nhất nước Ý vào năm 1860, và Verdi sáng tác vở Aida để rồi những đoạn nhạc đó luôn vang lên trên các khán đài, họ cũng không thể hình dung nổi một ngày nào đó, có một nỗi đam mê đã nối tiếp công việc của họ, nhưng cũng chính là tấm gương phản ánh tất cả những vấn đề của đất nước ấy: bóng đá.

Đoàn kết rất ít

Khi Azzurra thất bại, người Ý nhanh chóng quên đi là mình cũng đã có một ĐTQG để quay lại với tình yêu cục bộ của họ: các CLB, Ảnh Getty

Tháng 5/2010, nước Ý kỉ niệm tròn một thế kỉ ngày ĐTQG của họ ra đời. Dù mang màu áo xanh nước biển, màu của nhà Savoya đã có công thúc đẩy quá trình thống nhất Italia vào năm 1861, nhưng đội bóng Thiên thanh chính là biểu tượng của sự đoàn kết đất nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, đấy chính là đội bóng duy nhất ở Italia, chứ không phải các CLB, kể cả khi các đội bóng giành Cúp châu Âu hay Scudetto, có thể kết tinh tất cả niềm đam mê calcio của người Italia. Những trận đấu của Azzurra đã từng luôn được chờ đợi. Đối với một quốc gia mà sự kết nối tất cả không phải từ những thứ họ ăn mỗi ngày, vì pizza và spaghetti cũng chỉ được coi là một đặc sản kiểu Ý theo góc nhìn của người nước ngoài chứ không phải chính người Ý, không phải từ ngôn ngữ mà họ nói, vì mỗi vùng có một thổ ngữ, thì bóng đá là một yếu tố không thể được bỏ qua trong việc kết nối quốc gia.

Điều ấy, ngay từ đầu thế kỉ 20, trùm phát xít Mussolini hiểu rất rõ. Mussolini, trong những

Chính trị hóa calcio

Trong khi hơn 1/3 số CĐV Milan theo xu hướng thiêu hữu và bỏ phiếu cho đảng Pdl của Berlusconi, thì đa số CĐV của Roma theo phe trung tả và cánh tả (vì lí do truyền thống và cũng có lẽ là để đối lập với các CĐV Lazio). Nhiều CĐV Inter theo đảng Lega Nord đòi tách miền bắc khỏi nước Ý và có xu hướng bài ngoại (bất chấp thực tế là đội bóng của họ gồm chủ yếu là cầu thủ ngoại). Juventus có lượng CĐV lớn nhất nước, 29% toàn bộ số tifosi, nhưng rải rác khắp nước, nhiều nhất là ở miền trung và miền nam. Một sự kết hợp lỏng lẻo, yếu ớt, không chắc chắn như chính họ, như nền chính trị Ý, như chính nước Ý…

năm tháng xây dựng và củng cố chế độ phát xít những năm 1920-1930, đã nhìn ra ở thể thao nói chung và bóng đá nói riêng sức mạnh nền tảng để gắn kết quốc gia đầy rẫy vấn đề của ông lại. Nhưng mối liên hệ ấy quá lỏng lẻo, và chỉ gắn kết được người Ý trong chiến thắng. Đối với một đất nước đã hàng thế kỉ nay sống trong những tranh cãi liên miên về đủ mọi thứ cả quan trọng lẫn vớ vẩn, thì chừng nào đội tuyển ấy còn chiến thắng và đem đến những niềm đam mê chinh phục cháy bỏng, như đã từng có các năm 1982, 1990 và 2006, chừng đó người ta còn sát cánh bên nhau. Khi đội tuyển thất bại, cái khối tinh thần ấy tan rã. Bây giờ, niềm đam mê cho “Nazionale” (đội tuyển quốc gia) còn phai nhạt nhiều hơn nữa. Kể từ sau thảm bại của Azzurra ở World Cup 2010, sự quan tâm của công chúng vào đội bóng ấy trở nên ít đi. Việc Prandelli đưa vào đội dòng máu mới những cầu thủ nhập tịch như Ledesma, Thiago Motta, hay ngôi sao ương bướng da đen Balotelli (điều kích động cảm giác tự hào dân tộc và màu da của nhiều người Ý) đã càng đẩy nhiều tifosi xa hơn khỏi Azzurra hơn. Những kẻ muốn li khai chỉ đợi có vậy để khuấy động sự bất mãn và đẩy dư luận vào những cuộc tranh cãi điên rồ, khi có một tuyển thủ nào đó, vì lí do chính trị hoặc dốt nát, khi chào cờ không hát nổi quốc ca!

Chia rẽ rất nhiều

Sau những năm tháng với cánh tay sắt của Mussolini, không ai làm được điều kì diệu như thế nữa. Chính trị vào cuộc một lần nữa, nhưng không phải gắn kết quốc gia để tạo nên chế độ mà là lợi dụng calcio vì những mục đích hoàn toàn tiêng tư, gây hại cho Azzurra, khi các CLB choán lấy hình ảnh của Azzurra, và một CLB, thay vì ĐTQG sau khi ĐTQG bị lợi dụng đến mức không còn gì để lợi dụng nữa, trở thành công cụ chính trị của cá nhân. Berlusconi, khi bước lên vũ đài chính trị những năm 1990, đã lấy khẩu hiệu thúc đẩy đội Italia tiến lên làm tên đảng Forza Italia của mình. Ông biến bóng đá thành một yếu tố không thể tách rời trong thành công của mình. Ông là ông chủ: chủ tịch Milan, chủ tập đoàn Mediaset, thủ tướng chính phủ, ông chủ đất nước. Berlusconi xóa nhòa mọi ranh giới trong các hoạt động của mình. Chính trị, làm ăn, thể thao, tất cả hòa làm một. Milan, chứ không phải Azzurra, trở thành công cụ đại chúng để duy trì hình ảnh chiến thắng của ông. Sau những thất bại các năm qua là một chiến dịch mua sắm rầm rộ mùa này. Không có gì ngạc nhiên khi nỗi đam mê của các Milanista đậm xu hướng chính trị đến thế: Hơn 40% milanista bỏ phiếu cho đảng Pdl, đảng của Berlusconi!

Trong một quốc gia đã chỉ còn sống bằng những hào quang quá khứ của đế chế La Mã với những binh đoàn đã biến họ thành một đất nước thống nhất từ 2 nghìn năm trước, cho đến khi đế chế ấy sụp đổ và nước Ý tan rã, thì chủ nghĩa địa phương trở nên nổi trội. Người ta quen giới thiệu mình đến từ vùng nào, thành phố nào, chứ ít khi nói họ là người Italia. Trên sân bóng, sự dính líu của chính trị, của lòng thù hận mang tính giai cấp hoặc vùng miền đã khiến những người mệnh danh là “bianconeri”, “rossoneri”, “viola” hay “giallorossi” phải tìm đủ mọi cách để phủ nhận lẫn nhau, tiêu diệt nhau và dựng lên những giới tuyến ngay trong lòng các SVĐ. Các tifosi Napoli hận Roma, Milan thù Genoa, Lazio ghét Juve…Các cuộc điều tra tifosi năm 2010 cho thấy 42% lượng CĐV khẳng định họ có “kẻ thù” là CĐV đối phương, xu hướng bạo lực giữa các nhóm CĐV đối địch tăng 5% so với năm trước, và trừ Juve, Inter và Milan có số CĐV lớn nhất, rộng khắp cả nước, các đội khác tự khép mình trong các ranh giới vùng. Tifosi của Roma và Napoli chủ yếu ở miền trung nam, CĐV của Fiorentina, Cagliari, Lazio và Bologna chỉ tập trung ở thành thị. Khi niềm đam mê cho quốc gia ít đi, chất địa phương tăng lên, bạo lực trở thành một thói quen để giải quyết những vấn đề nan giải của cuộc sống.

Cuộc khủng hoảng lớn nhất: bản sắc

Tuần này, những lễ kỉ niệm sẽ diễn ra khắp nơi trên đất Italia. Nhưng trên sân cỏ ở khắp đất nước, trên các khán đài, người ta không mong đợi điều ấy. Sự lợi dụng của chính trị, cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc, sự chênh lệch giàu nghèo ngày một lớn giữa miền bắc và miền nam không chỉ trong cuộc sống mà từ lâu đã ăn sâu vào bóng đá, sẽ dẫn đến những phản kháng từ chính các tifosi-công dân-cử tri. Các tifosi miền bắc sẽ giơ các biểu ngữ đòi loại bỏ miền nam khỏi nước Ý. Các tifosi miền nam đưa ra các băng rôn thể hiện sự bất mãn với chính quyền trung ương vì ở đó, người ta chết dần chết mòn vì mafia, vì ô nhiễm do rác thải công nghiệp miền bắc chuyển xuống chôn giấu trong các khu dân cư, vì những bất công xã hội, vì thất nghiệp và vì nghèo đói. Ngày kỉ niệm 150 thống nhất Italia lại chứng kiến sự phân rã lớn lao trong lòng xã hội của nó, thể hiện một phần qua calcio, một nền bóng đá khủng hoảng không hẳn về tài chính, mà về bản sắc, như chính nước Ý.

Nỗi buồn Torino…

Nước Ý mới, độc lập và thống nhất, khởi đầu từ Torino ngày 17/3 của 150 năm về trước. Thủ phủ của xứ Piemonte ấy trở thành thủ đô đầu tiên của nước Ý trong vòng 5 năm, trước khi chuyển đến Firenze và cuối cùng trao vị trí ấy cho Roma năm 1871. Torino và cả nước Ý bây giờ đang kỉ niệm ngày thống nhất, nhưng bóng đá ở thành phố công nghiệp lớn nhất nước Ý ấy thì không. Juventus đang trải qua một mùa bóng vứt đi nữa, đã không thắng trong 4 trận liên tiếp, đã cách rất xa khu vực dự Cúp châu Âu và có thể lần đầu tiên sau 20 năm, kể từ mùa bóng thảm họa dưới tay Gigi Maifredi (không tính đến mùa họ tụt Serie B vì vụ Calciopoli), đội bóng giàu truyền thống nhất Italia không được dự bất cứ Cúp châu Âu nào. Torino, CLB chiếm trọn trái tim của 70% dân số thành phố và đã từng khiến cả nước Ý khóc hết nước mắt sau vụ máy bay của họ đâm xuống đồi Superga ở chính Torino vào năm 1949 giết chết cả đội bóng lúc ấy đang thống trị calcio, giờ đang lay lắt ở giữa bảng xếp hạng Serie B, giờ hầu như không có bất cứ hy vọng nào trở lại hạng cao nhất. Những năm tháng mà Torino vừa là thiên đường, vừa là địa ngục, như năm 2003, khi Juve đoạt Scudetto và Torino đứng cuối bảng xếp hạng, tụt xuống hạng B, như năm 1976, khi Juve đoạt Scudetto và Torino đoạt ngôi á quân, đã qua từ rất lâu. Bao giờ Torino mới trở lại là thủ đô bóng đá của nước Ý?


Anh Ngọc
                   






Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm