29/03/2017 07:52 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Sau phở, bún chả Obama... đặc sản cà phê trứng của Hà Nội là món ngon Việt Nam tiếp theo xuất hiện trên trang điện tử của kênh truyền hình CNN ngày 28/3.
Từ những hàng người ngồi nhấp từng ngụm cà phê trên những chiếc ghế nhựa ở vỉa hè trong lúc buôn chuyện với bạn bè đến những người thích những quán cà phê đắt tiền hơn, chất hơn mọc lên như nấm quanh hai thành phố lớn của Việt Nam là thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đều nói lên một điều: nhu cầu thưởng thức cà phê của người dân Việt Nam là không thể chối bỏ.
Tuy nhiên, theo tác giả, điều những thực khách Hà Nội theo đuổi ở tiệm cafe Giảng không chỉ là một chầu cà phê. Họ đến quán để gọi cà phê trứng, một thức uống đặc sản của thủ đô kết hợp bọt kem trứng với loại cà phê đặc thơm ngon của Việt Nam.
Dù các quán cafe khác ở Hà Nội giờ đây cũng phục vụ loại cà phê trứng này, nhưng tiệm cafe Giảng tuyên bố quán của họ chính là nơi đã sáng tạo ra thứ thức uống này với hai phiên bản nóng và lạnh.
Cà phê trứng của tiệm cafe Giảng là món ngon Việt Nam tiếp theo lên sóng của CNN.
Từ một bí mật gia đình
Đi tìm hiểu về loại thức uống đặc sản này của thủ đô Hà Nội, tác giả gặp ông chủ Nguyễn Văn Đào trong lúc ông đang bận rộn công việc dõi đơn gọi món của khách trong một quyển sổ lớn và phân công cho người phục vụ.
Theo quan sát của tác giả Halima Ali, không khó nhận ra niềm tự hào của ông Văn Đào khi ông được hỏi về loại đồ uống nổi tiếng nhất của tiệm. Câu chuyện kể của ông Đào dẫn đến cha ông, cụ Nguyễn Văn Giảng, người đã sáng tạo ra công thức của loại cà phê này trong lúc còn làm một nhân viên pha chế ở khách sạn Sofitel Legend Metropole.
Đó là năm 1946, thời điểm thị trường thiếu hụt sữa tươi và trứng đánh kem được sử dụng để thay thế. “Tất cả người nước ngoài và Việt Nam ở khách sạn đều thích món này. Vì vậy ông đã quyết định rời khách sạn và bắt đầu bán cà phê trứng, tạo ra thương hiệu của riêng ông”, ông Văn Đào kể lại.
Tiết lộ một chút về nguyên liệu làm nên thức uống đặc sản của thủ đô với “trứng, sữa đặc, bột cà phê, một ít bơ, một ít phô mai...” nhưng ông Đào bật cười cho biết “không thể nói tất cả mọi thứ, đó là một công thức bí mật”.
Ông Mark Lowerson, người quản lý của tour Street Eats Hanoi chuyên đưa khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tham gia các tour ẩm thực Việt Nam, cho biết cà phê trứng luôn nhận được phản hồi tốt. “Với phần lớn khách hàng của chúng tôi, trải nghiệm cà phê trứng là một trải nghiệm thú vị”, ông cho biết.
“Tôi chưa bao giờ gặp một khách hàng không thích nó. Phần lớn uống sạch và thề họ sẽ quay lại uống mỗi ngày một cốc chừng nào họ còn ở Hà Nội. Kể cả những người không hay uống cà phê cũng có thể phải thấy ngạc nhiên”. Lẽ dĩ nhiên, ông cho biết cũng thi thoảng có người không thấy hợp.
Đến văn hóa uống cà phê của Việt Nam
Theo hành trình khám phá văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, tác giả dẫn dắt, dù Việt Nam là một nước có truyền thống uống trà do chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hóa dưới giai đoạn nghìn năm bắc thuộc, song cà phê ngày nay lại là một món đồ uống rất phổ biến.
Lý giải về việc này, Will Frith, một chuyên gia tư vấn cà phê làm việc ở Đà Lạt cho hay, văn hóa uống cà phê của Việt Nam bắt đầu với sự ảnh hưởng của người Pháp. Theo ông, điều này phù hợp với sự phổ biến của bánh mì và phô mai ở Việt Nam ngày nay.
Theo ông Frith, người Pháp đã mang cà phê đến Việt Nam, phần lớn để đáp ứng những người Pháp đến đây. Nhưng ngoài người Pháp, văn hóa uống cà phê của Việt còn chịu sự chi phối của các yếu tố châu Âu khác như người Đức... Theo quá trình này, cà phê bắt đầu luồn lách vào các thành phố ở Việt Nam và ngày càng trở nên phổ biến, hòa quyện vào cuộc sống của người Việt Nam.
Theo ông Frith, những người Việt Nam lớn tuổi thích quán cafe vỉa hè, hút thuốc và chuyện trò. Nhiều người uống cà phê cả ngày. Thế hệ trẻ lại thích những trải nghiệm ở các quán cafe mang âm hưởng châu Âu hơn.
Rồi văn hóa cà phê chứng kiến sự phát triển của những quán cafe đặc biệt với sự kết hợp thêm của các sản phẩm thủ công, các cuốn tiểu thuyết... và cả những cách pha chế mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng hiện đại.
Trong sự phát triển đó của văn hóa uống cà phê Việt Nam cũng như sự cạnh tranh của thị trường cà phê trong nước, ông Đào cho biết, điểm khiến cà phê của quán ông khác biệt với sản phẩm của quán khác nằm trong công thức pha chế. “Nhiều hàng khác cố ăn theo nhưng nó có vị không giống”, ông nói.
Theo Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất