09/07/2014 15:46 GMT+7 | World Cup 2018
(lienminhbng.org) - Khi ra mắt Real Madrid, năm 1953, Di Stefano đã 27 tuổi. Ông mất gần 10 năm để trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của vai trò thủ lĩnh và đổi mới. Di Stefano (sinh tại Buenos Aires, năm 1926) đã giúp Madrid đứng đầu nền bóng đá châu Âu trong nhiều năm, nhưng điều kỳ lạ là ông thậm chí chưa từng dự World Cup.
Để tưởng niệm tới huyền thoại người Argentina, chủ tịch danh dự của Real Madrid, người vừa mới đi vào cõi vĩnh hằng ngày 7/7/2014, Thể thao & Văn hóa xin tạm dừng chuyên mục bàn tròn để giới thiệu với bạn đọc một bài trả lời phỏng vấn của Di Stefano dành cho nhà báo Diego Torres vào ngày 17/2/2008, trong đó “La Saeta” (Mũi tên) nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông với nhiều tình tiết hấp dẫn. Chuyên mục bàn tròn sẽ trở lại vào số báo sau.
Ông nhớ gì về trận đấu đầu tiên của mình với tư cách là cầu thủ chuyên nghiệp, năm 1947, khi River Plate gặp San Lorenzo?
Lúc đó đội bóng chỉ có 16 người. Các cầu thủ ở đội hình một được ngồi trên ghế, còn chúng tôi ngồi dưới đất. Moreno nhìn tôi và nói: “còn cậu, sao không quấn băng cổ chân”. “Quấn băng ư ? Tôi thậm chí không còn biết cái băng quấn là gì”. “Phải cẩn thận chứ, mặt sân tồi lắm, trật cổ chân thì khốn”, Moreno nói với tôi như vậy và gọi nhân viên giúp việc: “Mang một cái băng quấn cho cậu bé này nhé”. Những cầu thủ lớn hơn đã dạy tôi như thế. Các cầu thủ người Argentina đã xuất hiện như vậy. Do đó mà ngôi nhà tương lai của các chàng trai của Madrid cần phải là sân tập ở đội hình một. Cần phải được sống với những cầu thủ lớn. Tình đồng đội là tất cả.
“Theo nghề đá bóng làm gì? Nhà tôi có ruộng vườn rồi”
Tại sao ông lại thích đọc sách về Martin Fierro (về cuộc đời của một anh hùng dân tộc người Argentina cùng tên)
Bởi vì tôi luôn học được một cái gì đó. Khi còn bé, có lúc tôi thích làm ruộng nên bố mẹ thường cho tôi đi trồng khoai tây. Tôi bắt đầu chơi bóng đá một cách nghiêm túc vào năm 14 tuổi tại Los Cardales, một khu dân cư nhỏ cách thành phố Buenos Aires 60km. Ở các khu vực quanh sông Lujan thậm chí lúc đó vẫn còn lợn rừng và gà lôi. Nhưng bố mẹ tôi không muốn đi săn bằng súng, mặc dù trong nhà vẫn có một khẩu để lùa ngựa và bò.
Các cầu thủ của River có xe riêng hay không?
Xe ư ? Ở nơi tôi sống, cứ nửa giờ là có một chiếc xe điện đi qua. Negri là người duy nhất có xe riêng, vì sống trong một gia đình khá giả. Xe của anh ấy rất đẹp. Trước đây, chẳng mấy ai nghĩ bóng đá là một nghề nghiêm chỉnh. Tôi quen không biết bao nhiêu cầu thủ xuất thân từ nghề chăn ngựa (Argentina là nước có những thảo nguyên mênh mông và rất đep, gọi là pampa). Đó là những cầu thủ phải bỏ học để đá bóng kiếm tiền và phụ giúp gia đình. Tôi chơi bóng ở khu phố và tự nói: “Theo nghề đá bóng làm gì ? Nhà tôi có ruộng vườn. Tôi xem các quảng cáo tuyển người chơi bóng và nói: mình đi làm gì cơ chứ”.
Nhưng cuối cùng ông lại trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp?
Có một anh thợ điện là cầu thủ của River quen với bố tôi. Anh ấy hỏi thăm gia đình tôi và mẹ tôi kể có một đứa trẻ đá bóng rất hay. Tôi bỗng nhiên nhận được giấy mời đá thử từ CLB River. Tôi đã hỏi: ai đã giới thiệu tôi thế. Hóa ra là mẹ tôi.
Đó là một tin xấu?
Tôi đi thử vì không còn cách nào khác. Tôi lên xe điện số 88 và tức giận đi tới sân Chacarita, nằm ở sau nghĩa trang. Tôi lên xe và nhìn thấy một người đi vào mang theo một tờ báo và một đôi giày đá bóng. Và tôi tự nói: có lẽ anh này cũng đi thử ở sân của River. Anh ấy nhìn tôi và ngồi bên cạnh. “ Xin chào, khỏe chứ ? Cậu cũng đi River à”. “Vâng”. “Còn anh?”. “Tôi cũng thế”. “Thế cậu bao nhiêu tuổi”. “Tôi 17”. “Tôi cũng thế”. “Anh làm gì?”. “Tôi làm việc với ông già ở nghĩa trang. Tôi là người tưới hoa”. Anh ấy là Salucci.
Ông có vượt qua buổi thử nghề hay không?
Cả hai..Họ xem chúng tôi thử trong 30 phút. Cuối cùng HLV chờ tôi ở cổng. Đó là Peucelle. “Cậu có thẻ căn cước chứ”, ông hỏi tôi và nói “Hãy đưa ra đây”. Và thế là tôi gắn bó cả đời với bóng đá. Khi đã ký vào, tôi đã thuộc về quyền quản lý của CLB.
Họ trả lương ông thế nào?
Ở Hạng Ba, họ trả 20 peso cho mỗi trận thắng. Với phần thưởng đầu tiên, tôi mua cho mình một bộ vét cỡ 49 ở một cửa hàng Autentico và sau đó mua hai chiếc quần dài ở nhà may Casa Braulio.
Ông có trở lại chơi bóng đá ở khu phố?
Có chứ, nếu không sẽ bị coi là ngạo mạn ngay. “Đừng tưởng cứ chơi ở River mà lên mặt nhé. Đừng hòng”. Khi mà tôi đã trưởng thành và có tiếng, người ta có hỏi: “Anh trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như thế nào”. Tôi trả lời: “Tôi chơi bóng đá một cách tình cờ. Bởi vì bà già nói chuyện với một anh chàng thợ điện”.
Bao nhiêu lần ông bị hỏi các cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử là ai?
Tôi luôn trả lời: đó là Labruna, Pedernera, Moreno y Loustau (những cầu thủ cùng thời với Di Stefano).
Moreno nói nhảy tango cũng là một phần của tập luyện có đúng không? Các ông có thức đêm nhiều không?
Chúng tôi chỉ đi chơi tối vào các ngày được phép đi. Không phải cứ chơi tốt là sau đó được đi cabaret. Và các cầu thủ cũng không uống mỗi người một chai Whisky như người ta nói bởi vì sự nghiệp của người như vậy rất ngắn, trong khi tất cả chúng tôi đều chơi tới độ tuổi 40. Người ta đến cabaret là để khiêu vũ, để nghe các dàn nhạc. Người Argentina như vậy, chứ không phải đến Cabaret để bắt gái.
Người ta nói bóng đá của ông được hoàn thiện ở Madrid. Nhưng ở River ông đã phải thay một huyền thoại là Adolfo Pedernera. Sự chuyển đổi của ông là như thế nào?
Về chiến thuật mà nói, tôi đã chín tại Bogota. Khi thi đấu cho River, tôi được xếp đá cánh phải. Nhưng trung phong của đội bị thương, thế là họ đưa tôi đá ở vị trí đó. Peucelle nói với tôi: “Dù ở vị trí đó, cậu phải lùi về sâu hơn nữa, như Pedernera. Cứ thế mà làm. Trong trận gặp Atlante, chúng tôi thắng 7-0, tôi không ghi bàn nào nên rất thất vọng. Khi về phòng thay đồ, Peucello nói: “Tốt, Alfredo, chơi bóng là phải như thế”.
Ông thấy thế nào về mức trả lương cầu thủ bây giờ?
Mỗi thời một khác. Khi người ta nói bây giờ các cầu thủ được trả lương cao quá, tôi nói: cần phải trả cao hơn, vì có 400 triệu người xem bóng đá, theo dõi họ.
“Xuất sắc nhất vẫn là Messi”
Chiến thuật cũng tiến bộ hơn nhiều?
Tiến bộ gì cơ chứ. Xung quanh bóng đá có rất nhiều sự phóng đại. Ở thời của tôi, về chiến thuật điều cần nhất là có ba hoặc bốn cầu thủ trên sân cỏ phải biết chơi như một đội bóng. Còn đâu là vấn đề tài năng nghề nghiệp, láu cá, biết có mặt đúng lúc...
Hồi đó, lừa qua vài ba đối thủ đã là khó khăn. Bây giờ xem “gã điên Messi” thực sự là môt cuộc trình diễn. Tôi vẫn đang nghiên cứu cách chạy mà bóng gắn như keo vào chân của cậu ta. Bí quyết nằm ở những chạm ngắn và sức mạnh. Messi mạnh như Gento và khỏe hơn cả Maradona.
Ông thích những cầu thủ nào?
Xuất sắc nhất là Messi, sau đó là Cristiano Ronaldo. CR7 có tốc độ khủng khiếp. Điều gì thống trị bóng đá ? Đó là kỹ thuật và tốc độ. Tại sao Madrid gặp khó khăn trong những năm qua ? Là vì thiếu tốc độ.
Ông nghĩ thế nào về bóng đá châu Âu khi mới đến đây?
Ở Argentina tất cả là sự sáng tạo. Ở đây tất cả là thể lực. Tất cả đều biết nhảy lên đánh đầu, đều chơi với một tiền đạo cắm. Ở Argentina, nếu trời mưa, trận đấu sẽ bị hoãn. Ở Tây Ban Nha, người ta chơi dưới mưa tầm tả.
Hồi trước, đá rắn nhiều hơn bây giờ?
Việc kèm người trước đây lành mạnh hơn. Bây giờ không chỉ kèm, họ còn phạm rất nhiều lỗi, như co kéo. Đáng ra phải nỗ lực hơn đấu thủ để giành bóng, để vượt lên hoặc phá bóng, thì bây giờ các cầu thủ kéo áo và dùng nhiều thủ thuật khác, để rồi bị phạt.
Khang Chi (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất