13/08/2016 08:07 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Sau mỗi pha ăn điểm của Tiến Minh trước Vladimir Malkov, trên khán đài Pavilion 4 xuất hiện chỉ vài tiếng vỗ tay từ phía một số CĐV mặc đồng phục đoàn thể thao Việt Nam. Chính xác, đó là 5 thành viên của đội cử tạ và TDDC đi theo cổ vũ cho Minh trong trận đấu ra quân.
1. Đó là hình ảnh trái ngược với những nhóm CĐV Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, hay Malaysia, mỗi khi các tay vợt của họ bước ra sân đấu. Tiếng kèn, tiếng đập lốp bốp của những thanh nhựa, kèm theo tiếng hò reo không ngớt. Âm thanh ấy cộng hưởng với mái tôn của nhà thi đấu Pavilion 4 tạo nên một cảm giác thực sự ầm ĩ.
Tôi nhớ một ngày trước đó, khi các CĐV từ Việt Nam bay sang reo vang tên Xuân Vinh ở trường bắn Deodoro khi anh đang thi đấu vòng loại môn súng ngắn bắn chậm cự ly 50m, khiến HLV Thị Nhung phải nhắc nhở họ giữ yên lặng và sự tập trung, để vừa giữ hình ảnh đẹp của Việt Nam vừa để Vinh tập trung thi đấu. Các CĐV ấy rộn ràng vì được chứng kiến Vinh thi đấu thành công, hát vang cả trường bắn Deodoro khi anh bước lên bục nhận huy chương. Nhưng không ai trong số họ đến xem Tiến Minh thi đấu ngày hôm qua cả.
Nhưng đó là tâm lý có thể hiểu được của số đông người hâm mộ, vốn chỉ hào hứng trước những vinh quang và thường không quan tâm đến những người thất bại. Tiến Minh có lẽ là VĐV hiếm hoi dự Olympic mà chưa từng vô địch… SEA Games, và bị xem như không có cửa đi tiếp khi nằm cùng bảng với Lin Dan, HCV đơn nam 2 kỳ TVH liên tiếp. Song việc chỉ có lèo tèo vài người trong đoàn, mà không có lãnh đạo đến cổ vũ, liệu anh có chạnh lòng? Nên nhớ, trong ngày hôm qua chỉ có 2 môn thi đấu là cầu lông và rowing.
2. Thật ra, cầu lông vốn là môn thể thao cá nhân, là chuyên nghiệp, đi tour, lấy thứ hạng, giống như quần vợt vậy. Bản thân Minh hiểu điều này hơn ai hết vì anh rất chăm chỉ vác vợt đi các giải. Nhưng khi đã khoác lên mình màu áo ĐTQG dự Olympic thì lại là một chuyện khác. Sự hiện diện và lời động viên của lãnh đạo từ khán đài có khi tác dụng không kém gì… một liều doping.
Nhưng Tiến Minh thừa nhận bây giờ thì điều đó cũng chẳng phải vấn đề lớn. Nhiều năm đứng trên đỉnh cao Việt Nam và hầu như tự mình đăng ký tham dự các giải đấu quốc tế, tự mình lo liệu chuyện ăn ở, tập luyện, Minh đã quen với sự đơn độc. Việc không HLV cũng vậy. Minh cần một chuyên gia thực sự hiểu mình, nhưng không, vì thế anh vẫn thường tự lên đấu pháp và điều chỉnh ở trước và trong mỗi trận đấu.
Đó là điều mà báo chí thế giới hẳn ngạc nhiên lắm về một tay vợt từng nằm trong top 5 của Liên đoàn cầu lông thế giới (BMF). Nên nhớ các tay vợt lớn nước ngoài thường có một đội ngũ HLV, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia thể lực, bác sĩ, chuyên gia tâm lý… đi theo.
Còn Minh? Anh cười: “Tôi có Trang rồi, 2 đứa tập luyện cùng nhau cũng OK lắm”. Tại giải này, khi Minh thi đấu, cô bạn gái-đồng đội Trang làm HLV kiêm săn sóc viên, và ngược lại.
3. Để đeo đuổi một môn thể thao chuyên nghiệp như cầu lông, với khoảng 20 giải đấu quốc tế mỗi năm, ngoài tình yêu, nền tảng kinh tế cũng là rất quan trọng. Trong những năm đầu, Tiến Minh hầu như phải bỏ tiền túi cho đam mê của mình. Từ khi lọt vào top 10 thế giới năm 2009, anh bắt đầu có tiền tài trợ, với khoảng 1 tỷ đồng/năm. Nhưng thật ra, đó đều chỉ là những hợp đồng tự tìm đến với Minh. Nếu có một ê-kíp đứng sau để lên kế hoạch, tư vấn giải pháp, làm đại diện, giá trị thương hiệu của Minh chắc chắn đã cao hơn nhiều.
Minh bảo anh vẫn vấn vương với cầu lông lắm và khả năng giải nghệ sau Olympic là 50/50. Còn về tương lai, đó là lúc anh sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc quản lý cửa hàng thể thao Tiến Minh Sport, cùng cô bạn gái-đồng đội kiêm HLV Vũ Thị Trang.
Tuấn Cương (từ Rio de Janeiro, Brazil)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất