19/04/2022 05:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Sân nhà luôn là một lợi thế, nhưng để vô địch thì cần phải có thực lực và may mắn nữa. Thực tế, trong 30 kỳ SEA Games đã qua, chỉ có 4 nước chủ nhà giữ lại được tấm huy chương vàng bóng đá nam ở lại sân nhà.
Myanmar 1969
Ở thập niên 60 của thế kỷ trước, bóng đá Myanmar, hay hồi ấy còn gọi là Miến Điện, là một thế lực không chỉ của khu vực Đông Nam Á, mà còn cả châu Á nữa. Họ từng hai lần giành HCV ASIAD (1966, 1970) và thậm chí còn giành quyền dự Olympic Munich 1972 – giải đấu mà họ đã đánh bại Sudan, và chỉ thua tối thiểu 0-1 trước Mexico và ứng viên vô địch Liên Xô.
Tại SEAP Games 1969 trên sân nhà, Myanmar với thành phần gồm nhiều cầu thủ từng giành vị trí á quân Asian Cup 1968 đã dễ dàng bước lên ngôi vô địch lần thứ ba liên tiếp sau khi đánh bại Thái Lan 3-0 ở chung kết. Trước đó, họ từng giành HCV vào các năm 1965 (cùng Thái Lan) và 1967 (thắng Miền Nam Việt Nam).
Thái Lan 1975, 1985, 1995, 2007
Thái Lan là kỷ lục gia của SEA Games với 16 tấm huy chương vàng, nhưng trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, họ thường xuyên lép vế trước Myanmar và thậm chí cả đội tuyển Miền Nam Việt Nam nữa. Trước khi lần đầu giành HCV bóng đá trên sân nhà vào năm 1975, người Thái từng hai lần cay đắng nhìn các đội bóng khác vô địch trên sân của họ. Ngay ở SEAP Games đầu tiên 1959, Thái Lan thua Miền Nam Việt Nam 1-3 trong trận chung kết ở Bangkok. Đến năm 1967, Thái Lan thậm chí còn bị đội tuyển Miền Nam Việt Nam loại với tỷ số… 5-0 ở bán kết.
Kể từ thập niên 80 đến nay, bóng đá Thái Lan xứng đáng là lá cờ đầu khu vực, và nó được chứng tỏ ở sân chơi SEA Games, khi họ vô địch môn bóng đá nam ở 14/20 kỳ Đại hội khu vực. Đặc biệt, trong 3 lần đăng cai vào các năm 1985, 1995, và 2007, người Thái đều giữ lại chức vô địch môn bóng đá nam ở lại sân nhà bằng một phong độ thuyết phục. Năm 1985, họ thắng Singapore của Fandi Ahmad (người khi ấy đã là ngôi sao ở giải Hà Lan) 2-0 trong trận tranh HCV. Năm 1995, Thái Lan với thế hệ Kiatisuk, Netipong đã thắng đậm Việt Nam của lứa Huỳnh Đức, Hồng Sơn đến 4-0 ở chung kết. Thái Lan cũng là đội chủ nhà duy nhất giành HCV bóng đá nam, khi độ tuổi các cầu thủ bị giới hạn là U23. Năm 2007, những Adul Lahsoh, Teerasil Dangda, Teerathep Winothai… đã giành HCV sau khi thắng U23 Myanmar ở chung kết.
Malaysia 1977, 1989
SEA Games 1977 là một giải đấu tuyệt vời của đội tuyển Malaysia và cá nhân huyền thoại Mokhtar Dahari, chân sút số một trong lịch sử bóng đá nước này với 89 bàn thắng, nhiều hơn cả Messi, và chỉ kém Ali Daei (109) và Cristiano Ronaldo (115). Giải ấy, Mokhtar là vua phá lưới với 9 bàn, trong đó có 5 bàn trong trận thắng hủy diệt Myanmar 9-1 tại bán kết. Ở chung kết Mokhtar chính là người ấn định chiến thắng 2-0, biến Thái Lan thành cựu vô địch.
Thập niên 70 là một giai đoạn thịnh vượng của bóng đá Malaysia khi họ giành quyền dự Olympic 1972, giành huy chương đồng ASIAD 1974. Ở SEA Games 1977, Malaysia chỉ đứng thứ 5 trên bảng tổng sắp huy chương, nhưng họ đã giành tấm huy chương vàng quan trọng nhất. Hai năm sau đó, Malaysia bảo vệ thành công tấm huy chương vàng này, và Mokhtar Dahari vẫn là người ghi bàn duy nhất, giúp Malaysia hạ chủ nhà Indonesia 1-0 ở chung kết.
Năm 1989, Malaysia lại đăng cai SEA Games, và họ tiếp tục giành HCV ở môn bóng đá nam, sau khi đánh bại Singapore của Fandi Ahmad 3-1 ở trận chung kết. Thời điểm ấy, Malaysia có những gương mặt đáng chú ý như Lim Teong Kim (từng khoác áo Hertha Berlin), Dollah Salleh, và Zainal Abidin Hassan.
Indonesia 1987
Tám năm sau nỗi tê tái ở Gelora Bung Karno, Indonesia cuối cùng cũng giành HCV bóng đá nam. Họ đè bẹp Miến Điện – đội tuyển chỉ mang đến Jakarta đội U19 – với tỷ số 4-1 ở bán kết, trước khi thắng Malaysia 1-0 ở trận chung kết trong sự chứng kiến của 120 nghìn khán giả trên sân Senayan.
Indonesia là đội tuyển duy nhất của Đông Nam Á tham dự VCK World Cup (nhưng khi ấy với cái tên là Đông Ấn thuộc Hà Lan). Đội hình vô địch môn bóng đá nam SEA Games 1987 có khá nhiều trụ cột từng giúp Indonesia lọt vào bán kết ASIAD một năm trước đó. Tại kỳ Đại hội năm đó, đoàn thể thao xứ vạn đảo cũng nhất toàn đoàn cực thuyết phục với thành tích 183 HCV, 136 HCB, và 84 HCĐ, bỏ xa đoàn thứ nhì là Thái Lan (63 HCV, 57 HCB, 67 HCĐ).
Những điều cần biết Bóng đá được đưa vào thi đấu ngay kỳ Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á đầu tiên (SEAP Games 1959), nhưng phải đến năm 1985, bóng đá nữ mới ra mắt. Thái Lan là nhà vô địch bóng đá nữ đầu tiên khi thắng Nữ Singapore 2-0 ở chung kết. Từ SEA Games 2001 đến 2015, độ tuổi tham dự môn bóng đá nam SEA Games là U23 + 3 cầu thủ quá tuổi Từ SEA Games 2017, độ tuổi dự môn bóng đá nam là U22. Ở SEA Games 2019, các đội chỉ được đem 2 cầu thủ quá tuổi, còn SEA Games năm nay, mỗi đội sẽ có 3 cầu thủ quá tuổi. Độ tuổi thì vẫn là U22, nhưng do diễn ra muộn vì dịch Covid-19, nên độ tuổi lại được nới thành U23. Thái Lan và Việt Nam là hại đội hiếm hoi trong lịch sử giành được cả HCV bóng đá nam và nữ trong cùng một kỳ SEA Games. |
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất