15/01/2015 08:45 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Mấy ngày nay, cộng đồng mạng xôn xao chuyện Angela Phương Trinh và bạn trai “đại gia”, rồi chuyện nữ danh hài Thúy Nga “tố” chồng “hờ” trên mặt báo. Trước đó là chuyện một nam diễn viên bị vợ cũ kể xấu, một nghệ sĩ gạo cội xô xát với đồng nghiệp ở phim trường... Đây không phải lần đầu tiên các “sao” Việt gây lùm xùm chuyện đời tư, lối sống trước công luận.
Showbiz Việt đang trở thành “sàn diễn” với toàn trò lố? Những trò lố này nên nhìn nhận thế nào? Khán giả và truyền thông phải nhức tai, nhức mắt với những chiêu trò của “sao” Việt đến khi nào? Nhà văn Trang Hạ và TS Nguyễn Văn Vịnh cùng chia sẻ quan điểm với PV Thể thao & Văn hóa.
“Chơi dao” cẩn thận... “đứt tay”
Nữ nhà văn cho hay: “Trước đây tôi đã học về thị trường văn hóa và làm bầu sô hai năm ở Đài Loan. Tôi không giấu giếm rằng có nhiều người của công chúng nhờ tôi hỗ trợ về chiến lược, câu nói gây sốc... Từ những kinh nghiệm tích lũy được, theo quan điểm của cá nhân tôi, đã qua rồi cái thời hữu xạ tự nhiên hương, giờ phải chiêu trò mới là nghệ sĩ. Dù muốn hay không, chúng ta không thể phủ nhận được sự thật rằng chiêu trò hỗ trợ thương hiệu cá nhân.”
Theo nhà văn Trang Hạ, trước kia, nghệ sĩ chỉ cần lo tốt chuyên môn, hình ảnh trên sân khấu là sẽ được cộng đồng ghi nhận. Song giờ, ở thời đại truyền thông đa phương tiện, khán giả còn muốn tới sau cánh gà để gặp nghệ sĩ, hiểu chuyện “bếp núc” của buổi diễn và muốn biết cả đời tư nghệ sĩ. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải “diễn” theo 4 mặt.
“Mặt thứ nhất là mặt chuyên môn nghệ thuật, người nghệ sĩ đương nhiên phải làm tốt. Ba mặt kia là rất nhiều những câu chuyện xung quanh đời tư, cuộc sống, thậm chí cả scandal (nếu cần thiết) để hỗ trợ danh tiếng” - nhà văn Trang Hạ nói tiếp- “Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ đã thành công với việc chăm lo hình ảnh toàn diện này. Nhưng nhiều người “chơi dao đứt tay” khi họ để cuộc chơi ra ngoài tầm kiểm soát”.
“Trong đám đông 60% là cừu, 40% là sói. 60% ủng hộ hết lòng các nghệ sĩ, 40% còn lại mong muốn xâu xé câu chuyện. Người nghệ sĩ tốt phải thành công khi nuôi đủ 100% này. Còn nếu công chúng thờ ơ, không khen, không chê tức là thất bại” – Trang Hạ nói thêm.
“Dấu hiệu của sự khủng hoảng giá trị”
Trái ngược với quan điểm của nhà văn Trang Hạ, TS. Nguyễn Văn Vịnh cho hay: Cần xem lại văn hóa nền của các “sao” lắm chiêu trò này. Bởi những chiêu trò ấy thể hiện hai điều: Thứ nhất là họ không tôn trọng mình; thứ hai là không tôn trọng khán giả. Cách ứng xử như vậy là biểu lộ sự thiếu học vấn, danh dự. Cũng đôi khi, những hành động này là kết quả của sự nông nổi của những người trẻ.
“Ở khía cạnh xã hội, gần đây những hành vi như này trong giới showbiz diễn ra tràn lan thể hiện những sự lệch chuẩn. Nếu nhìn rộng ra, nó cũng mang những dấu hiệu của sự khủng hoảng khi các giá trị ảo lập lòe làm phai nhạt giá trị chuẩn” - Ông Vịnh cho biết thêm.
Khi TT&VH có đặt câu hỏi về việc trên thế giới, chuyện lùm xùm của những người nổi tiếng cũng là chuyện thường, phải chăng “lệch chuẩn” đang diễn ra ở mọi nơi? TS. Vịnh đáp: Thực tế thì thời nào, ở đâu cũng có chuyện nhảm nhưng nó chỉ được quan tâm bởi một số lượng cá thể không đông trong cộng đồng. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên báo động khi phần đông xã hội bị cuốn theo những câu chuyện tào lao vô bổ mà lãng quên nhiều điều quan trọng, bức thiết hơn với cộng đồng. Trong một xã hội ghi nhận “chiêu trò” để bước lên nấc thang danh vọng thì xã hội đó chẳng còn gì ngoài sự giả trá. Và đó là điều ta cần nghiêm túc nhìn nhận để phát triển, chứ không nên theo dõi qua loa mà đánh đồng showbiz Việt và showbiz thế giới.
Báo chí không nên 'tiếp tay' cho chiêu trò |
Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất