29/03/2021 07:24 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - "Hương thơm quê mẹ” là triển lãm tranh thư pháp và sách đầu tiên của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Việt Nam sau những lần tổ chức thành công ở các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Pháp, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan… Triển lãm diễn ra từ ngày 27/3 đến hết ngày 5/4 tại Nhà sách Hải An, 2B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP.HCM.
Những lời dạy thấm đẫm tình thương và tuệ giác của sư ông làng Mai được thể hiện tinh tế và nghệ thuật trong 100 bức thư pháp và hơn 145 đầu sách tiếng Việt.
Thầy Thích Nhất Hạnh chia sẻ: “Trong thư pháp của tôi có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về thực hành chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết…”.
Đại chúng hân hoan trong tĩnh tại
Được tiếp xúc với thiền sư Thích Nhất Hạnh thông qua những tác phẩm của thầy có lẽ đã là một niềm vui lớn của đông đảo công chúng trên hành trình tìm đạo. Nếu những cuốn sách của sư ông làng Mai đã tưới tắm cho biết bao tâm hồn thì thư pháp của thầy là một biểu hiện khác của minh triết và lòng từ bi.
Trong ngày đầu tiên mở cửa, sự kiện đã hoan hỷ đón chào đông đảo công chúng từ các độ tuổi khác nhau đến thưởng lãm. Dù chật kín khách, nhưng không gian triển lãm dường như tỏa ra một nguồn năng lượng an lành đến kỳ lạ.
Triển lãm được sắp đặt tinh tế và bình dị, với nhiều không gian như: Phòng thiền, phòng trà, phòng chiếu video ghi lại cảnh sư ông viết thư pháp… cùng đó là hoạt động lắng nghe thiền ca và bài thực hành thiền định dưới sự hướng dẫn từ các học trò của Thích Nhất Hạnh.
Nhân dịp này, làng Mai cũng giới thiệu đến công chúng tác phẩm song ngữ Anh -Việt Hương thơm quê mẹ dày hơn 200 trang. Đây là tuyển tập các bức thư pháp của thầy Thích Nhất Hạnh, trong đó có các bức thư pháp cuối cùng được thầy viết tại Pháp.
Thư pháp của sư ông được thế giới đặc biệt quan tâm
Thư pháp Á Đông vừa là một nghệ thuật độc lập, vừa là một thành phần trong Trung Quốc họa. Một bức thư pháp đẹp cũng được coi là một bức họa theo quan niệm “thư họa đồng nhất thể”. Tại Triều Tiên và Nhật Bản, nghệ thuật thư pháp được đề cao và yêu chuộng. Trong những ngôi nhà cổ, người Nhật thường thiết kế phòng trà đạo, trên vách có một gian thờ hay còn gọi là tokonoma để treo một bức thư họa. Trong triển lãm Hương thơm quê mẹ này, chúng ta cũng có dịp chiêm ngưỡng một không gian như vậy, với những bức thư pháp của sư ông làng Mai.
Thích Nhất Hạnh bắt đầu viết thư pháp vào năm 1994 cho tên sách, bài hát và báo in. Sử dụng mực Tàu truyền thống trên giấy bản (rice paper) có nguồn gốc từ Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam, còn bút vẽ thì từ Nhật Bản và Pháp, ông đã phát triển một phong cách thư pháp Zen mới bằng chữ viết Tây La Mã. Những bức thư pháp như This Is It; I Have Arrived, I Am Home và The Bread In Your Hands Is The Body Of The Cosmos được đóng khung và treo ở các trung tâm thực hành chánh niệm, thiền viện do sư ông thành lập trên toàn thế giới. Những tác phẩm này đóng vai trò như “hồi chuông tỉnh thức” cho người xem, nhắc nhở họ hãy quay về ở đây và bây giờ, để tận hưởng những điều kỳ diệu trong thực tại.
Giới nghiên cứu mỹ thuật và thiền học quốc tế đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Điển hình trong đó có tiến sĩ - nhà phê bình nghệ thuật Hong Kong - Eva Yuen, ông gọi những tác phẩm thư pháp của thầy là “choreographic calligraphy” (nghệ thuật kết hợp giữa thư pháp và vũ đạo).
Ông Yeung Chun Tong, Giám đốc Hong Kong Unversity Museum and Art Gallery, chia sẻ: “Mục đích của nghệ thuật là làm phong phú cuộc sống của chúng ta. Thầy Thích Nhất Hạnh là một nghệ sĩ tưới tắm và làm sạch tâm hồn và trái tim chúng ta.”
Hơn 25 năm thực hành viết thư pháp (với hơn 10.000 bức thư pháp gốc), nhiều trong những sáng tạo của thầy đã về tay các nhà sưu tập quốc tế. Các bản sao chất lượng hiện sẵn có trong các tu viện của sư ông, với số tiền thu được sẽ hỗ trợ cộng đồng và thành lập các trung tâm thực hành chánh niệm trên khắp thế giới.
Trang Ps
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất