'Gót Achilles' của thầy trò HLV Miura

11/10/2015 05:41 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Hòa Iraq trong thế thắng là một trong ít trận đấu thuộc hàng hay nhất trong nhiều năm qua của Đội tuyển Việt Nam. Nhưng màn trình diễn ấn tượng ấy vẫn không che lấp được những khuyết điểm của đội tuyển.

Trước đối thủ quá khó chinh phục như Thái Lan, chỉ ra những khuyết điểm của đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Toshiya Miura cũng là điều cần thiết, bởi nếu “ngủ trên mây” lâu quá rất không tốt.

Không biết áp đặt lối chơi

Hạn chế trong khả năng tổ chức và áp đặt lối chơi lên các đối thủ - nhất là những đội bóng yếu, là lý do khiến HLV Miura bị chỉ trích nhiều nhất trong hơn 1 năm qua. Đội tuyển Việt Nam luôn rất giỏi trong thế phòng ngự phản công, nhưng cực kém khi phải chủ động tấn công.

Trước Thái Lan, với lợi thế sân nhà, Việt Nam sẽ phải tấn công. Nhưng đó cũng là sở đoản của HLV Miura và các học trò. Ông thầy người Nhật Bản vốn là một nhà cầm quân thực dụng, nổi tiếng với các đội bóng nhỏ ngay từ khi còn ở Nhật Bản. Các lựa chọn nhân sự của ông cũng không phù hợp với lối đá áp đặt khi những cầu thủ kỹ thuật như Tuấn Anh không được triệu tập.


Đội tuyển Việt Nam cần khắc phục nhiều điểm yếu để có một trận đấu tốt trước Thái Lan. Ảnh: Thanh Hà

Lịch sử chứng minh các đội bóng của ông Miura thường chơi tệ khi bị xếp ở chiếu trên. Thắng lợi sát nút 2-1 trước Đài Loan hồi tháng Chín hay kết quả tối thiểu 1-0 trước U23 Lào ở SEA Games 28 là những bằng chứng không thể chối cãi.

Trước Thái Lan, ông Miura đối diện với một bài toán khó: Dùng sở đoản tấn công hay sở trường phòng ngự trong thế buộc phải thắng?

Tâm lý kém ở những thời điểm quyết định

Lịch sử chứng minh các đội bóng của HLV Miura thường dừng bước ở các trận cầu lớn, thường thất bại trong những thời điểm then chốt khi sự kỳ vọng dâng cao. Tuyển Việt Nam dừng bước ở bán kết AFF Cup, U23 Việt Nam thua ở bán kết SEA Games.

Các cầu thủ và bản thân HLV Miura vẫn thiếu một chút tỉnh táo và lì lợm ở những thời điểm quyết định. Họ thường xuyên mắc sai lầm trong các trận cầu quan trọng khi đạt trạng thái tâm lý hưng phấn quá mức. Trước Malaysia ở AFF Cup 2014, sau thắng lợi 2-1 ở lượt đi, toàn bộ hàng thủ Việt Nam mắc sai lầm ở lượt về. Trước Myanmar yếu hơn tại SEA Games 28, Mạc Hồng Quân bỏ lỡ ít nhất 5 cơ hội trước khi Việt Nam bại trận 0-1. Người hùng của trận Iraq Nguyên Mạnh từng "biếu" 2 bàn cho Indonesia trong ngày ra quân AFF Cup 2014. Mới cách đây 3 ngày, Công Vinh, Công Phượng, Thanh Hiền liên tiếp mắc sai lầm, tạo điều kiện cho Iraq có quả phạt đền quân bình tỷ số

Ở những thời điểm quyết định, tâm lý của các cầu thủ Việt Nam là cực kỳ. Mọi vị trí từ những người kinh nghiệm nhất tới non nớt nhất, đều có thể mắc sai lầm, mà toàn là sai lầm chết người.

Kém thích nghi với thay đổi trong trận đấu

Điểm yếu cuối cùng của tuyển Việt Nam tới từ bản thân HLV Miura. Ngược lại với khả năng nghiên cứu đối thủ và chuẩn bị cực tốt trước mỗi trận đấu, ông thầy người Nhật luôn tỏ ra lúng túng với các thay đổi tình thế trên sân.

Ở trận lượt đi vòng loại World Cup với Thái Lan, sự chậm chạp của ông Miura khi Minh Châu bị thẻ đỏ là lý do khiến tuyển Việt Nam nhận bàn thua. Đối đầu với Iraq vừa qua, ông Miura tung 3 cầu thủ tấn công vào sân khi đội bóng đang cần phòng ngự. Khả năng hoạch định chiến lược dài hơi của ông Miura là rất tốt. Nhưng khả năng thích nghi nhanh với thay đổi thực tế lại hạn chế.

Chắc chắn một điều, cầu thủ Việt Nam chưa hết trạng thái sợ hãi cầu thủ Thái Lan. Cho nên trong các ưu tiên, cần giúp cầu thủ lấy lại sự… “to gan”, thậm chí phải có chuyên gia tâm lý đả thông cái đầu để cầu thủ không sợ đến mất ngủ, vẫn phải đặt lên hàng đầu.

0. Trong lịch sử tham dự vòng loại World Cup, tuyển Việt Nam chưa từng vượt qua vòng loại thứ 2. Trong khi đó, Thái Lan và Iraq đều từng có mặt ở vòng loại thứ 3 và vòng loại cuối cùng khu vực châu Á.

20. Kể từ năm 1995 tới nay, ĐTVN- ĐT Thái Lan gặp nhau tổng cộng 20 lần. Trong 20 lần đối đầu đã qua, Thái Lan chiếm ưu thế với 14 chiến thắng, hòa 4 và chỉ thua đúng 2 lần.

3. 3 lần đối đầu ở sân Mỹ Đình, đội tuyển của chúng ta hòa 2 và thua 1. Trong lịch sử đối đầu giữa hai ĐTQG, ĐT Việt Nam mới chỉ thắng ĐT Thái Lan 2 lần, nhưng cả hai lần ấy đều không diễn ra trên sân Mỹ Đình.

Tối thiểu phải là thứ hai

Do bảng F vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á chỉ còn 4 đội, đội tuyển Việt Nam đã sớm kết thúc lượt đi của bảng đấu khi thi đấu đủ 3 trận. Đến thời điểm này, tuyển Việt Nam được 4 điểm, lần lượt xếp sau Iraq (5 điểm) và Thái Lan (7 điểm).

Hệ thống xếp hạng của FIFA yêu cầu các đội tuyển phải xếp tối thiểu thứ 2 nếu muốn có cơ hội đi tiếp tới vòng loại thứ 3 World Cup. Với 4 điểm sau 3 lượt trận, tuyển Việt Nam gần như chắc chắn đã giành quyền tới vòng loại thứ 3 Asian Cup. Vì vậy, vị trí thứ 3 hay thứ 4 cũng không có gì khác nhau với ông Miura và các học trò. Để giành quyền tới vòng loại kế tiếp của World Cup, chúng ta nhất định phải cải thiện vị trí trong 3 vòng đấu lượt về của bảng F.

Trong 3 đội nhóm đầu, Thái Lan với 7 điểm có lợi thế hơn cả. Khoảng cách 2 và 3 điểm so với 2 đối thủ xếp sau là khá an toàn trong bối cảnh Thái Lan còn 1 trận với đối thủ yếu Đài Loan trên sân nhà. Vị trí nhất bảng khó thoát khỏi tay đội Thái. Tuyển Việt Nam sẽ phải xác định Iraq là đối thủ trực tiếp. Trận tái đấu với Iraq trên đất khách vào tháng Ba năm sau chính là trận “chung kết” của ông Miura và các học trò.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm