26/07/2018 07:09 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Một tiếng nổ trầm đục vang lên từ phía bến cảng Boston, rồi cái chết ngọt ngào từ từ tràn tới mọi ngõ ngách của thành phố được coi là mang tính châu Âu nhất Bắc Mỹ: một bể chứa rỉ đường khổng lồ bị vỡ đập ngăn, cơn lũ mật ngọt nhấn chìm nhà cửa và những người không đủ nhanh chân.
Lực lượng hỗ trợ tới địa điểm thảm hoạ sau vài phút, nhưng họ không còn cơ may nhỏ nhất nào, cho dù đó là 116 thiếu sinh quân trong khóa đào tạo trên tàu chiến Nantucket gần đó - sau khi nghe tiếng nổ và tiếng la hét - hay các đội lính cứu hỏa vất vả lái xe ngược dòng - chỉ để rồi dính cứng trong dòng lũ mật ngập đến hông.
Cả những cảnh sát và nhân viên y tế xung quanh khu vực Copp’s Hill dũng cảm lao xuống khối chất lỏng đặc quánh màu hổ phách để cứu nạn nhân cũng không sao cựa quậy nổi chân tay. Tất cả họ mở mắt đón cái chết đến gần mà tuyệt vọng không thể kháng cự.
Ngày 15/1/1919 bi thảm ấy đi vào lịch sử với tên Boston Molassacre, như một sự kiện có một không hai - chưa bao giờ có một cơn cuồng phong nào quét các ngôi nhà như bằng giấy khỏi tầng móng rồi nghiền nát, cuốn hàng đoàn tàu hỏa khỏi đường ray, xô đổ đường giao thông trên cao...
Cây bút Stephen Puleo bỏ công dựng lại sự kiện lịch sử đó trong cuốn Thủy triều đen với những chi tiết rợn người: giữa dòng mật đen, thỉnh thoảng lại trồi lên một hình hài gì đó, co giật và giãy giụa, không thể biết là người hay thú, bất lực chống lại dòng keo nhưng chỉ để chìm sâu thêm...
Dòng lũ quét đó có sức mạnh của một cơn sóng thần, song không phải là một tai họa thiên nhiên. Đó là 8,7 triệu lít rỉ đường, môt sản phẩm phụ dạng lỏng đặc sánh còn dư lại sau khi đã rút đường bằng phương thức cô lại và kết tinh. Đến trưa thì chất lỏng đã đạt độ cao 9m và cuồn cuộn lan tỏa với vận tốc 50km giờ qua mọi đường phố Boston. Để tìm ra thủ phạm, tòa án đã mất nhiều năm trời tranh cãi và thậm chí gây ra một cuộc chiến chính trị. Vì sau thảm họa chết người này là một doanh nghiệp nhà nước hùng mạnh.
Arthur Jell, nhân viên giám sát kho mật, có lẽ là một người lười nhác, nếu không nói là thiếu lương tâm nghề nghiệp. Thường ngày anh ta phải kiểm tra các vết rò rỉ trên thành bể bằng kim loại, và đã từ lâu bể mật lớn nhất bị thủng nhiều đến nỗi dân cư quanh đó quen ra hứng mật đem về nhà dùng.
Để che bớt các vết rò, Jell lấy sơn nâu quét đè lên, ít nhất thì trông cũng đỡ gai mắt hơn! Như chưa đủ, nhiệt độ ngày trước đó đột ngột tăng từ âm 14 lên âm 5 độ C, khiến mật lỏng hơn và gia tăng áp suất vốn đã ở mức đe dọa trong bể chứa xập xệ.
Một số nhân chứng kể lại, khoảng 2h30 nghe có tiếng động như súng máy bắn từng loạt. Đó là các đinh tán bị đứt và bắn tung ra khỏi lỗ. Sau đó là tiếng động ầm ào tựa sấm rền, rồi nền đất quanh đập chứa bắt đầu rung lên như động đất. Bể chứa nổ tung vài phút sau, rồi dòng lũ quét thơm phức hương mật mía ào ra như chiếc xe lu khổng lồ, đè nát quận North End.
Ít nhất thì cảnh sát Boston đã phản ứng rất chuyên nghiệp và kịp thời - như nhà báo Edwards Park tường thuật lại khi phục dựng sự cố cho tạp chí Smithsonian Magazine hồi năm 1983. Một cảnh sát tình cờ đứng ở góc đường gần đó và gọi điện ngay về Ban chỉ huy sau khi nhìn thấy một bức tường nâu sẫm đang lừ lừ trôi về phía mình. Một học trò tên Anthony Di Stasio đang trên đường về nhà như các bạn khác thì bị dòng mật cuốn trôi. Khi ngoi được khỏi chất lỏng dính như keo, cậu nghe tiếng mẹ gọi nhưng không thể trả lời, mà ngất đi do ngạt thở, mồm và mũi đầy mật.
Khi mở mắt ra, cậu nhìn thẳng vào những cặp mắt kinh hoàng của gia đình: họ vừa lật tấm khăn liệm lên và tìm được Anthony trong một nhà xác tạm thời mà thành phố vừa lập ra.
Nhưng United States Industrial Alcohol Company không chịu nhận trách nhiệm. 125 đơn kiện tập trung vào sự vô trách nhiệm trong vụ bảo dưỡng đập chứa, và vụ kiện khổng lồ này kéo dài 6 năm ròng. Tòa án triệu tập trên 3.000 nhân chứng. Số lượng luật sư đông đảo đến nỗi không thể cùng lúc có đủ ghế trong phòng xử. Bị đơn cho rằng một số kẻ xấu đã dùng thuốc nổ phá bể chứa. Cũng phải nói thêm là bầu không khí chính trị ở Boston khá rối ren và một số kẻ đối lập không ngần ngại dùng vũ khí.
Năm 1925, tòa án ra phán quyết theo hướng cáo trạng và xác định nguyên nhân duy nhất là tình trạng bể chứa. Mỗi gia đình người chết được nhận 7.000 USD - nực cười cho một mạng người. Nhưng toàn bộ tính mỉa mai của sự kiện này đã hiện ra trước khi tuyên án: đúng lúc lực lượng cứu hộ ngập nửa người trong dòng mật dính, tiếng chuông nhà thờ rộn ràng vang lên để chào mừng điều 18 bổ sung vào Hiến pháp Hoa Kỳ, đó là lệnh cấm rượu bia tuyệt đối!
Những vụ vỡ đập thủy điện lớn trên thế giới: Ngày 1-12-1923: Một phần của đập vòm Gleno nhiều tầng được xây dựng trên sông Gleno ở Valle di Scalve, Italy bị vỡ chỉ sau 40 ngày sau khi nước được chứa đầy phần lòng hồ, làm 356 người thiệt mạng. Khi sự cố xảy ra, những nỗ lực khắc phục đã hoàn toàn thất bại. Một lượng nước khoảng 4,5 triệu m3 đã tràn ra từ độ cao 1.535m xuống vùng thung lũng phía dưới. Thảm họa chỉ ngừng lại khi mực nước chỉ còn 186m. Theo những điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố của đập Gleno phần nhiều là do chủ quan. Việc thiếu kinh phí đã làm các nhà thầu thay đổi thiết kế và thiết kế mới đã không phù hợp với loại móng được thi công từ trước. Ngoài ra, tay nghề công nhân kém và những sai phạm trong sử dụng vật liệu như dùng lưới chống lựu đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất làm để gia cố các phần của công trình cũng như sử dụng bê tông kém chất lượng đã dẫn đến thảm họa. Mùa lũ năm 1975: Xảy ra vụ vỡ đập Bản Kiều được xây dựng trên sông Ru tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra thiệt hại nặng nề và khiến 175.000 người thiệt mạng và hơn 11 triệu người khác mất nhà cửa. - Ngày 6-11-1977: Mưa lớn đã khiến đập thủy điện Kelly Barnes, một đập đắp bằng đất ở bang Georgia, Mỹ, bị vỡ làm 39 người thiệt mạng và thiệt hại về tài sản lên đến 3,8 triệu USD. Theo điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố là khi xây dựng các kĩ sư đã tính toán sai về độ dốc mái đập. Điều này đã làm thay đổi trọng tâm và khả năng chịu lực của con đập trong điều kiện trời mưa lớn. Con đập này đã không bao giờ được xây dựng lại và tại nơi xảy ra sự cố người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm để thu hút khách du lịch. Ngày 11-8-1979: Đập Machchu - 2 nằm trên sông Machchu, Morbi, Ấn Độ bị vỡ, tạo ra một bức tường nước khổng lồ, quét qua thị trấn Morbi gây ra thiệt hại rất lớn khi số người thiệt mạng lên đến 25.000 người. Nguyên nhân của sự cố là những trận mưa lớn ở đầu nguồn, làm con đập đắp bằng đất dài 4km bị tan rã. Khả năng thiết kế của đập chỉ chịu được lưu lượng 5.663 m3/s trong khi trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307 m3/s, gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình. Trong vòng 20 phút, nước lũ đã dâng từ 3,7 lên 9,1m, nhấn chìm toàn bộ thị trấn công nghiệp Morbi nằm sau con đập 5km. Trong quá trình tái xây dựng, con đập mới đã được tăng cường khả năng chịu đựng với lưu lượng lên đến 21.000 m3/s. Ngày 15-7-1982: Đập đất Lawn được xây dựng trong công viên quốc gia Rocky Mountain, Mỹ, bị vỡ, khiến 830.000 m3 nước tràn ra làm 3 người cắm trại trong khu vực thiệt mạng và thiệt hại kinh tế lên đến 31 triệu USD. Lawn là hồ tự nhiên với diện tích mặt nước là 66.000 m2 ở độ cao 3.3km so với mực nước biển trên dãy núi Rocky. Năm 1903, nhóm những nông dân trong khu vực đã xây dựng 1 con đập bằng đất để tăng diện tích mặt nước của hồ lên đến 190.000m2 với mục đích cung cấp nước cho tưới tiêu thủy lợi trong vùng. Khi con đập bị vỡ, lượng nước khổng lồ đã chảy xuống thung lũng phía dưới với tốc độ 510m3/s tạo nên rãnh lớn dưới thung lũng. Với tốc độ khủng khiếp này, cả hồ nước đã cạn chỉ trong khoảng 1 phút. |
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất