Mỗi tuần một chuyện: Lời nói gió bay

22/12/2014 14:52 GMT+7 | Chelsea

(lienminhbng.org) - Trong số các HLV coi trọng tính kỷ luật hàng đầu, thích vận hành một đội bóng hoàn hảo như một cỗ máy, Mourinho xứng đáng là một trong những người tiêu biểu nhất.

1. Tạo ra một đội bóng kỷ luật, không nhất thiết phải cần 100% những cầu thủ kỷ luật như những robot. Đội bóng ấy có thể sẽ khó bị đánh bại, sẽ chơi chắc chắn và hiệu quả nhưng nó sẽ thiếu đi một thứ vô cùng quan trọng trong bóng đá. Đó chính là sức sống của sự hoang dã, thứ có thể tạo nên nguồn cảm hứng và tính bùng nổ. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, cái hoang dã kia nhiều khi có thể mang lại những tai họa cho đội bóng mà cụ thể là những thẻ phạt không cần thiết ở những thời điểm quan trọng.

Ở nhiệm kỳ đầu của Mourinho ở Stamford Bridge (2004-2007), Chelsea chưa bao giờ có cầu thủ nào nằm trong top 5 vô kỷ luật nhất Premier League. Nhưng đến giai đoạn này, Diego Costa lại đang đứng thứ 5 trong số những cầu thủ có điểm fairplay kém nhất. Với 7 thẻ vàng sau 16 trận, Diego Costa ‘chấp’ tất cả các hậu vệ chơi xấu nhất Premier League về độ chơi rắn, đá rát, tiểu xảo. Hiện tại, anh vừa lĩnh nhiều thẻ nhất, vừa ghi bàn nhiều nhất đội bóng.

Theo thói quen hành xử của mình, Mourinho vẫn bênh vực học trò. Ông cho rằng Costa là nạn nhân chứ không phải là kẻ cố tình chơi xấu. Theo ông, anh phải gánh ác cảm từ các trọng tài và bởi thế, họ cũng luôn nặng tay quá mức với anh.

2. Lời nói cũng chỉ là lời nói. Lời nói thì gió bay. Ấn tượng với nó ngay đó, có thể nhớ nó cũng dai đó nhưng cuối cùng, nó cũng chẳng để lại gì nhiều nhặn bởi mỗi ngày, mỗi người tiếp nhận thêm cả một khối lượng thông tin mới vô cùng đồ sộ nên chẳng hơi đâu họ bận tâm vì một lời nói cả. Nhất là khi lời nói ấy đã như một công thức kiểu Mourinho, công thức ‘học trò của mình luôn đúng’.

Diego Costa là một cầu thủ nóng tính, dễ bộc phát, và dễ lĩnh thẻ vì những chuyện không đâu. Trên sân Stade de France hồi đầu tháng 09/2014, tôi đã được chứng kiến anh hành xử đúng bản chất của mình. Bị Sakho kèm quá chặt trong trận giao hữu Pháp-TBN, Costa gần như mất hút và chẳng có cơ hội nào. Bực bội, bức xúc, Costa giải quyết bằng một cú thúc cùi chỏ vào gáy Sakho. Lập lức, Del Bosque khôn ngoan rút anh ra khỏi sân. Ông không muốn đội bóng chơi thiếu người và ông cũng ngầm cho Costa một thông điệp rằng “thiếu kiềm chế thì hãy ngồi làm khán giả”.

Mourinho chẳng lạ lẫm gì cá tính đó. Hồi dẫn dắt Real, ông từng theo dõi anh thi đấu trong các màu áo Valladolid và Atletico Madrid. Không lạ và vẫn mua anh về Chelsea, chứng tỏ Mourinho đã có kế hoạch xử lý một cá tính bộc phát nhanh như thế. Ông chấp nhận sự vô kỷ luật của Costa bởi vì đơn giản, ông cần một con người như thế trong một đội bóng đã 100% răm rắp tuân theo kỷ cương đặt ra.

3. Đội bóng của Mourinho luôn phải có một con người hoang dã, bùng nổ để dẫn tới thành công. Và Mourinho cần Costa hoang dã hơn là một Costa ngoan ngoãn. Drogba cũng từng hoang dã như thế nhưng anh ta khôn ngoan hơn Costa để không phải lĩnh thẻ đáng tiếc. Song Drogba chỉ có 1, cũng như Costa chỉ có 1. Mourinho sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ với lối hành xử hoang dã kia để bù lại ông có thể có một hàng công hiệu dụng và hừng hực sức chiến đấu.

Và chính vì ông cần Costa như thế, nên ông mới buông những lời bênh vực một cách khá lộ liễu. Ngầm sau những lời nói tưởng như gió bay ấy là thông điệp gì? “Cứ chơi kiểu ấy đi, với tôi, cậu vẫn còn hiền lành chán”.

Nghệ thuật của Mourinho nằm ở chỗ đó. Thảo nào có những học trò trung thành với ông đến thế. Và đó là thứ mà không phải HLV nào cũng có được cho dù trong mắt nhiều người, nó cũng chỉ là một thứ ‘tiểu xảo’ đầy vô kỷ luật.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm