05/11/2020 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Những triển lãm thời trang như Cục im lặng của Nguyễn Công Trí, Mộng bình thường của Thủy Nguyễn (7/11 đến 6/2/2021) mang đến cho công chúng các trải nghiệm mới về thời trang, khi nó mở rộng chiều kích của ngành nghề này. Với Mộng bình thường, Thủy Nguyễn cũng đánh dấu 10 năm thương hiệu Thuy Design House, với nhiều dấu ấn, trong đó có hiệu ứng áo dài Cô ba Sài Gòn từng lan rộng ra xã hội.
Triển lãm chọn giới thiệu hơn 70 bộ trang phục, tư liệu, sưu tập và phụ kiện, chắc lọc từ hơn 10 năm làm nghề của nhà thiết kế này. Không gian trưng bày chia làm các khu vực với các chủ đề như Áo dài: Xưa đến ngày sau, Lầu son gác tía, Đôi vầng nhật nguyệt, Đong đầy ký ức, Ở trọ trần gian, Muôn hình vạn trạng, Phố phố phường phường.
Hơi hướm áo dài...
Thủy Nguyễn từng phát biểu: “Nghệ thuật của tôi là sự nối tiếp các giá trị truyền thống, tôi lĩnh hội và phục hồi các giá trị đó trong thực hành đương đại của mình. Không phải chuyện hình thức, mà thực sự, đó là một lối sống”. Quan niệm này làm nhiều người hiểu nhầm là “khư giữa truyền thống, xưa sao nay vậy”, nhưng thực ra Thủy Nguyễn chỉ lấy cảm hứng từ truyền thống, nhưng thường né tránh sự lệ thuộc.
“Những chiếc áo dài của tôi, thực ra chỉ mang hơi hướm áo dài, nên gắn tôi vào danh xưng nhà thiết kế áo dài, cũng chỉ là cách nói tương đối, vì tôi chỉ muốn tạo ra những trang phục thời trang cho cuộc sống đương thời mà thôi” - Thủy Nguyễn nói thêm.
Xem Mộng bình thường người ta còn thấy sự chắt lọc từ tín ngưỡng dân gian, âm hưởng truyền thống Bắc bộ, cho đến thành ngữ, tục ngữ, tranh dân gian, truyền thuyết, thi ca, âm nhạc và tinh thần hòa trộn, liên văn hóa của đương đại. Dường như Thủy Nguyễn không nề hà bất cứ chất liệu và vật liệu nào, miễn có thể phối trộn hợp lý là thực hiện. Các hơi hướm bàng bạc này cho thấy Thủy Nguyễn có lòng tự tôn, trân quý các giá trị truyền thống, dù không chọn làm người bảo tồn, mà chỉ là lấy cảm hứng để sáng tạo.
Chọn tông màu chủ đạo là ấm, nóng, sặc sỡ, hành trình thiết kế của Thủy Nguyễn có khuynh hướng vui tươi, tích cực. Đây cũng là những màu mang ý nghĩa biểu tượng cho hạnh phúc, tình yêu, sự may mắn, hy vọng, sự phát đạt. Chính vì vậy các trang phục thường đứng chính giữa sàn diễn và đời sống, nên có tính hiệu dụng rõ ràng, ít có trang phục nào chỉ dùng riêng cho sàn diễn.
Thủy Nguyễn luôn muốn thiết kế của mình đến với những người phụ nữ Việt Nam thời nay, tự chủ, năng động, phóng khoáng, nhưng cũng đang gánh vác, lèo lái nhiều vai trò, nhiều trách nhiệm.
Đến sự đau đáu về quy trình
Một trang phục khi đã thành hình thì chỉ còn sử dụng và nhìn ngắm nó, nhưng trước đó là cả một tính toán đau đầu về quy trình sản xuất.
Thủy Nguyễn thích tìm tòi, ứng dụng vật liệu, nên luôn phải năn nỉ, động viên các nghệ nhân, thợ thủ công, thợ may, kỹ thuật viên, quản lý dự án và cả cộng sự kinh doanh cùng phiêu lưu theo mình.
“Trăm hay không bằng tay quen, ai cũng muốn làm cái quen cho thuận lợi, cho dễ đẹp, còn làm cái mới cái lạ thì dễ mệt, dễ xấu. Nhưng nếu không làm cái mới cái lạ thì đâu cần nhà thiết kế hoặc các nghệ sĩ sáng tạo làm gì nữa” - chị chia sẻ.
Ngoài thời trang, Thủy Nguyễn đã và đang kinh qua nhiều lĩnh vực, từ hội họa, sắp đặt, điện ảnh, thiết kế và cả kinh doanh. Điều này nhìn thấy rõ qua các trang phục riêng lẻ và tổng thể của Mộng bình thường, nơi hòa trộn các ngôn ngữ, các loại hình. Chính điều này càng làm cho quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, vì trang phục không chỉ là trang phục đơn thuần, nhiều trang phục là tác phẩm lần đầu tạo tác, nhưng cũng là cuối cùng, vì nó duy nhất.
Đối với Thủy Nguyễn, “nhu cầu được vẽ cũng giống như những nhu cầu khác của con người như ăn, ngủ, hoặc là thở”, nhưng vì cảm thấy mình bị lệ thuộc và giới hạn trong mỹ thuật hàn lâm, nên chọn thêm thời trang để được tự do tung tẩy, sáng tạo.
Triển lãm Mộng bình thường do Dolla S.Merrillees (người Anh) làm giám tuyển, với các cộng sự giám tuyển như Lê Thiên Bảo, Zoe Butt, Lê Thuận Uyên. Ngoài khách mời và ngày khai mạc vào cửa tự do, còn lại The Factory áp dụng việc bán vé trong suốt thời gian triển lãm.
Thủy Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lập nghiệp tại TP.HCM. Chị lấy bằng cử nhân tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bằng cao học tại Học viện Nghệ thuật thị giác và kiến trúc quốc gia, Kiev, Ukraina. |
Hiền Hòa
Không tìm thấy bài viết phù hợp!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất