11/12/2016 06:48 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Thật đáng ngạc nhiên, mặc dù là một nguyên thủ quốc gia nổi tiếng, một chính trị gia sắt đá có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới trong suốt nửa thế kỷ qua, nhưng hình ảnh Fidel Castro lại rất hiếm thấy trên màn ảnh cho đến phim Comandante (Tổng tư lệnh) của đạo diễn lừng danh Oliver Stone.
Tính ra cho đến nay, chỉ có 3 diễn viên từng thủ vai Fidel trên màn ảnh (không phải là nhân vật chính) trong 3 phim đều do Mỹ sản xuất: Jack Palance trong phim Che (1969) làm về Che Guevara, Anthony LaPaglia trong một bộ phim hài, và Demian Bechir trong thiên sử thi dài 4 giờ (2 tập) về Che Guevara của đạo diễn nổi tiếng Steven Soderberg, Che (2008).
Chính vì thế vào những năm đầu thế kỷ 21, khi có thông tin rò rỉ rằng đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone sẽ sang Cuba để làm một bộ phim tài liệu chính thức về Fidel dài 99 phút có tên Comandante (Tổng tư lệnh), nó đã trở thành một sự kiện đáng chú ý ở Hollywood. Oliver Stone là một nhà làm phim gây nhiều tranh cãi trong lịch sử nước Mỹ. Ông chưa bao giờ ngán ngại những đề tài nhạy cảm có thể đụng chạm đến nhà cầm quyền và chính phủ Mỹ.
Poster phim "Comandante" của Oliver Stone
Oliver Stone là bậc thầy trong việc hư cấu những câu chuyện từ những sự kiện có thật với những bộ phim đầy màu sắc chính trị như Salvador, JFK và Nixon. Với Comandante, mục đích của Stone là để làm sáng tỏ đằng sau bức chân dung thường nhật của Fidel mà cả thế giới từng biết qua bộ râu, những điếu xì gà, và bộ quân phục.
Stone làm phim này thừa biết rằng sẽ phải đón nhận sự phản ứng mạnh mẽ, thậm chí phẫn nộ, từ cộng đồng Cuba lưu vong ở Mỹ – những người mà suốt 44 năm qua – cùng với chính phủ Mỹ, luôn nhìn Fidel qua lăng kính hằn học, hận thù… Những gì ta thấy nổi bật từ bộ phim là cảm giác về Fidel – một người người đàn ông đúng nghĩa: Uy tín và tiếng tăm, dạt dào tình cảm, dí dỏm hài hước và kỹ năng trốn tránh những câu hỏi hóc búa.
Góc nhìn đặc sắc về Fidel
Comandante mở đầu với những thước phim thời sự đen trắng về lối vào chiến thắng của Fidel Castro khi vào thủ đô Havana, tháng Giêng năm 1959. Stonepha trộn những thước phim thời sự trong suốt bộ phim. Nhưng phần lớn trong 99 phút phim được quay bằng kỹ thuật số, được chọn lọc từ ba ngày hội thoại giữa Oliver Stone và Fidel Castro.
"Tôi không chắc chắn đó là một bộ phim tài liệu", Stone nói. "Tôi không thể định nghĩa thể loại của nó. Phim không phải đặt hàng hoặc ai đó thao túng phía sau".
Stone đã khôn khéo bằng cách không dàn dựng một cuộc phỏng vấn kiểu ngồi xuống hỏi đáp, nhờ đó đã tích lũy được hơn 30 giờ quay. Bộ phim được thực hiện bởi một đoàn truyền hình Tây Ban Nha (người xem có thể thấy cả Stone lẫn và đoàn phim trên màn ảnh).
Ban đầu các cảnh quay rất động, nhưng khi buổi ghi hình tiếp tục, camera lắng xuống và các cảnh quay trở nên tĩnh hơn. Ngày đầu tiên của cuộc phỏng vấn chính thức bắt đầu trong phòng đọc sách của Fidel, được trang trí với tượng bán thân của Abraham Lincoln, Simon Bolivar và Napoleon. Ngoài ra còn một bức ảnh đóng khung Fidel chụp với văn hào Hemingway.
Khi quay phim và trò chuyện tiếp tục trong ba ngày tiếp theo, Stone và đoàn phim của mình, kèm theo một thông dịch, đã cùng xem một số trang web với nhà lãnh đạo Cuba.
Họ cũng ghé ngang phòng chiếu phim của Fidel để xem các ngôi sao mà ông yêu thích (Brigitte Bardot và Charlie Chaplin), ăn trưa tại tư dinh của ông, viếng thăm bảo tàng nghệ thuật đương đại, một điểm dừng khác ở trường y tế Havana và sau đó đi bộ qua khu phố cũ ở Havana, với Fidel trong vai trò hướng dẫn viên.
Trong khi camera quay và Stone tiếp tục việc đặt câu hỏi của mình. Sự di chuyển linh hoạt của Fidel phố rất nổi bật: mặc dù đi kèm là các an ninh, tất cả vẫn cảm thấy thoải mái và ông thường đáp lại sự chào đón nhiệt tình của dân chúng.
Stone đã từng gặp Fidel một thời gian ngắn tại LHP Havana vào năm 1986. "Ông ấy có vẻ thích những bộ phim tôi làm", Stone nói với các khán giả tại LHP Sundance trong buổi ra mắt (bán hết vé) của bộ phim Comandante. "Ông ấy dường như thích phim JFK, Sinh ngày 4/7, Trung đội và Nixon. Có lẽ không thích phim Natural Born Killers hay The Doors… Ông ấy không phải là người dễ tính".
Trước khi quay phim, Stone đã rà soát cẩn thận định dạng tài liệu mà mình sẽ làm. Ông tìm cách tránh một bầu không khí kiểu "giả vờ tình cờ".
Ông giải thích cách tiếp cận của mình với thể loại phi hư cấu: "Làm thế nào để bạn vào được tâm trí của người đứng đầu một quốc gia?"… Stone so sánh Fidel với một ngôi sao điện ảnh lớn tuổi. Ở tuổi 75, Fidel vẫn còn phù hợp và thú vị. "Ông ấy như một nhân vật trong phim do Marcello Mastroianni (tài tử Italia nổi tiếng) thủ vai". Stone trầm ngâm. "Hoàn toàn là chính mình, ông ấy gánh cả bộ phim dài 90 phút, như là ông Schmidt (tên một nhân vật trong bộ phim Mỹ, About Schmidt) của các nhà lãnh đạo chính trị".
Làm thế nào mà Fidel có thể lãnh đạo Cuba mà tồn tại được như kẻ đối kháng gay gắt nhất của Mỹ, khi Cuba chỉ cách Mỹ khoảng 90 dặm trong hơn 40 năm? Stone khuyên nhủ khán giả tự đánh giá cho mình về Cuba như một "trật tự thế giới mới," một nhà nước phi doanh nghiệp chỉ cách ngoài khơi bờ biển Florida 90 dặm. Fidel còn cho rằng lượng chất thải hiện tại của các nguồn lực trên toàn thế giới sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người.
Đối với các nhà sử học, quan điểm của Fidel về cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 là rõ ràng nhất. Ông từng sợ bị xóa sổ, nhưng thừa nhận rằng vào thời điểm đó ông không có đủ hiểu biết về sự cân bằng giữa các cường quốc thế giới.
Stone hy vọng phim này sẽ làm cho các học giả truy cập vào những đoạn phim thô của cuộc phỏng vấn, lưu ý rằng Fidel Castro có nhiều chi tiết đáng để thêm vào các ghi chép lịch sử.
Khán giả Mỹ vẫn chưa được xem
Fernando Sulichin, nhà sản xuất của bộ phim đã tìm được vốn sản xuất từ lĩnh vực truyền hình tiếng Tây Ban Nha vàkênh HBO. Ông nhìn thấy sự kết hợp giữa đạo diễn và nhà lãnh đạo chính trị sẽ là "một sự liên kết của các ngôi sao". Ông lưu ý rằng Stone được sinh ra để làm tỏa sáng các huyền thoại.
Trong giai đoạn hậu kỳ, Stone và biên tập viên của mình, Alex Marquez, phát hiện ra rằng người phiên dịch thường thay đổi lời của Fidel. Phụ đề trong bộ phim phản ánh những gì Fidel nói theo nghĩa đen, thường xảy ra sự xung đột tế nhị với các dịch giả. Stone phải điều chỉnh bản dịch cho sát với nội dung mà Fidel nói hơn.
Hình ảnh kết thúc bộ phim, một tình bạn giữa những người đàn ông đang được thiết lập. Vị lãnh tụ cách mạng đã "hộ tống" Oliver Stone đến sân bay trên chiếc Mercedes. Fidel Castro đã ôm chầm lấy nhà đạo diễn mà nói rằng "Cuộc sống thật tuyệt vì nó đưa anh đến đây".
Tháng 4 năm 2003, HBO đã lên lịch phát sóng Comandante trên toàn nước Mỹ, nhưng sát đến ngày thì xảy ra một số sự kiện khiến báo chí Mỹ quay sang chỉ trích bộ phim Comandante, và gây áp lực khiến HBO phải dừng kế hoạch phát sóng bộ phim cho đến nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất