11/03/2017 14:10 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Nhóm cảnh sát không tin vào mắt mình khi đột nhập vào một ngôi nhà ở Harlem, dù họ không lạ gì khu phố vốn đã mang đủ điều tiếng ở New York từ sau cuộc Đại khủng hoảng và chu kỳ phi công nghiệp sau Thế chiến II: hơn 120 tấn rác được anh em Homer và Langley Collyer tích trữ ở đây bao năm trời. Và giữa những núi rác ấy đã diễn ra một tai họa khủng khiếp...
Sách báo, chai lọ, đồ gỗ cũ hỏng… và trùm lên tất cả là mùi xú uế ngạt thở. Đó là đại ý bản báo cáo của cảnh sát sau cuộc thị sát hiện trường ngày 21/3/1947 ở nhà số 2078 Đại lộ 5 ở Manhattan.
Không cần điện, nước, điện thoại
Người dân New York xì xào đã nhiều năm về ngôi nhà kỳ quái này. Đó là nơi cư trú của anh em Homer Collyer và Langley Collyer, hai người lập dị ở ẩn giữa chốn ồn ào nhất nước Mỹ. Nghe đồn là họ sống trong một thế giới xa xỉ như các vua chúa Ả Rập và không muốn cho ai nhòm ngó vào.
Khi vào đến trong nhà, cảnh sát không tìm thấy vàng bạc châu báu nào, mà chỉ thấy rác rưởi chất cao đến sát trần nhà. Và giữa bãi chất thải hôi hám đó là xác của Homer Collyer. Người em Langley đâu? Một cuộc truy lùng toàn quốc được tiến hành ngay sau đó, khi công nhân từng bước tiến sâu vào núi rác độc nhất vô nhị. Ngoài đường có đến hàng ngàn người tò mò rảnh rỗi tìm đến xem.
Giữa năm 1909 gia đình Collyer vào ngôi nhà bốn tầng sang trọng ở Harlem. Họ là một gia đình chỉn chu, sống ở New York với nguồn gốc gia tộc sâu xa tận thế kỷ 17. Anh em Collyer học Đại học Columbia. Homer, sinh năm 1881, lấy bằng luật sư và được nhận vào một công ty luật, còn Langley trẻ hơn 4 tuổi thành kỹ sư với thiên hướng âm nhạc, từng được mời biểu diễn piano trên sân khấuCarnegie Hall danh giá.
Nhưng hình như trong gien gia đình này luôn có gì đó khác đời. Ông bố Herman Collyer là bác sĩ, ngày nào ông cũng đi thuyền độc mộc qua sông East River tới bệnh viện. Bà mẹ Susie Gage là người nắm kỷ luật sắt trong gia đình.
Cho đến khi bà qua đời năm 1929, hai anh em vẫn sống cùng mẹsau khi ông bố bỏ nhà ra đi, và họ cũng chẳng có vợ con gì. Sau những lần cãi vã với dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại, họ cắt tất cả các “tiện nghi vớ vẩn”đó để sống cuộc đời độc lập tự do theo ý muốn. Để khỏi trả tiền vé tàu điện ngầm, Homer đi bộ đến phòng luật cho đến khi đế giày mỏng như tờ giấy.
Xác chết dưới tầng hầm?
Từ khi cắt điện và ga, anh em Homer và Langley sưởi bằng xăng trắng. Rỗi rãi thì họ tự lắp đài thu thanh tinh thể Galen không cần pin. Họ hạn chế ra đường vì ngại hàng xóm ngày càng đông người gốc Phi. Nhưng hàng xóm cũng phải ngại họ, xì xào là họ giấu xác cha mẹ dưới tầng hầm (!?) Langley Collyer còn được gán biệt hiệu là “ma” vì chỉ rời nhà vào buổi đêm để đi lấy nước ở công viên gần nhà và mua đồ ăn. Hai anh em mặc đồ rách rưới “để tránh bị trấn lột”, họ chăm chỉ khuân về nhà hàng tấn báo cũ, phụ tùng ô tô, ô đi mưa v.v… mà hàng xóm vứt ra vỉa hè.
Một ngày xấu trời, Homer bị xuất huyết ở mắt và Langley điều trị cho anh bằng phương pháp ăn kiêng đặc biệt: mỗi tuần 100 quả cam. Kết quả là bệnh nhân mù hẳn vì không chịu đi khám, sợ bác sĩ “cắt mất dây thần kinh thị giác”.Nhiều năm về sauLangley chăm sóc anh mình với niềm tin sắt đá là thị lực của người mù sẽ trở lại. “Tôi trữ sách báo cho Homer đọc sau này" -Langley kể với người quen. Langley tắm rửa, đút đồ ăn cho anh, đọc sách cho anh nghe.
Ngôi nhà của hai anh em Collyer dần dần trở thành một dạng pháo đài, các cửa sổ được đóng ván kỹ lưỡng phòng cướp, giữa các núi rác là lối mòn hoặc đường hầm quanh co gắn đầy các loại bẫy phòng trộm. “Như lạc vào mộ vua Ai Cập” - một hàng xóm hiếm hoi được vào nhà nhớ lại.
Họ cũng nhiều lần nhận được khách không mời. Lúc thì công nhân sở điện đến tháo đồng hồ đo điện, lần khác cảnh sát đến tống đạt lệnh tịch biên vì anh em Collyer nhiều năm không trả thuế thổ trạch. Langley không ngần ngừ, rút ngay trong túi quần ra mấy ngàn USD và được ở lại. Những giai thoại tương tự khiến anh em Collyer nổi tiếng ra ngoài biên giới New York. Tờ New York Herald Tribune không giấu đôi chút khâm phục khi gọi họ là “những người không bơi xuôi dòng”.
Trùng phùng ở thế giới bên kia
Cả thành phố New York nín thở đợi các tin mới, sau khi xác Homer Collyer được tìm thấy giữa các núi rác hôm 21/3/1947. Cảnh sát tự hỏi, liệu có phải Langley là người ẩn danh gọi điện báo cho họ đến? FBI vào cuộc. Có người báo nhìn thấy Langley trên xe bus đi New Jersey. Rồi lại có tin Langley trốn xuống North Carolina. Thậm chí đại sứ Liên Xô Andrey Gromyko còn đem làm trò đùa tại phiên họp Liên hợp quốc: “Biết đâu hôm nay tìm được Langley Collyer?”.
Trong lúc đó cảnh sát và công nhân vệ sinh vẫn vất vả dọn nhà: 14 chiếc dương cầm, vô số vĩ cầm, xe đẩy trẻ con, một chiếc ô tô Ford, xương ngựa, máy khâu, tranh sơn dầu, tượng...
Ngày 8/4/1947 rốt cuộc cũng tìm được Langley Collyer, cách anh trai mình có vài bước. Khi đem thức ăn cho anh, có lẽ Langley đã giẫm phải một cái bẫy do chính mình tạo ra, hàng tấn rác ụp xuống đè chết Langley. Trước khi chết, Langley còn vươn tay đẩythức ăn về phía anh mình - và Homer sau đó cũng chết đói.
Hơn 120 tấn rác rưởi đủ loại chồng chất trong ngôi nhà 4 tầng, không có gì quý giá trong đó, một cuộc đấu giá chỉ đem lại vài ngàn USD. Dọn dẹp xong, thành phố New York bắt buộc phải phá ngôi nhà vì ngày nào cũng đông đảo khách tới xem làm cản trở giao thông nghiêm trọng.
Trong trí nhớ của người dân New York, hai anh em kỳ dị nhà Collyer còn đọng lại rất lâu, cho đến tận hôm nay. Một vòng hoa trên mộ Homer, do hàng xóm đưa đến, mang dòng chữ: “Một người tốt, dù có thể hơi khác đời, đã ra đi”.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất