28/10/2016 14:36 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vở kịch thể nghiệm Giấc mơ được đạo diễn Thái Kim Tùng dựa theo kịch bản thơ mà Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) viết hồi cuối thập niên 1970, khi Việt Nam vừa tái lập hòa bình. Đây là một vở kịch dùng để đọc và để ngẫm hơn để diễn, nên việc dàn dựng lần này thật đáng khen.
Cùng với Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan… Giấc mơ (NXB Tác phẩm mới, 1983) là một kịch bản với những cởi mở về cách nhìn và phản biện về tư tưởng yêu nước, về thiện ác. Trong Giấc mơ, hồn của chàng bộ đội được đối thoại với thần chết, với Tần Thủy Hoàng, với Cleopatra… trước khi ngược trở về cõi sống, nơi người yêu, quê nhà đang đợi anh.
60 phút cho 1 giấc mơ
Có lẽ do hướng đến Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3, nên vở kịch 2 màn này được rút xuống 1 màn, với dung lượng chỉ còn khoảng 60 phút. Sự rút gọn này không chỉ hợp lý về thời lượng, mà cả tâm lý người xem, vì giấc mơ phải liền mạch, không thể thức giấc ở màn 1 (do sân khấu chuyển cảnh), rồi tiếp tục mơ ở màn 2.
Do ảnh hưởng của triết học Tây phương và cái nhìn duy vật biện chứng thời bấy giờ, Nguyễn Đình Thi viết Giấc mơ khá lý tính và logic. Thái Kim Tùng và ê-kíp cũng thể hiện được điều này qua vở diễn. Dàn dựng kiểu sân khấu tròn của Kịch 5B càng đáp ứng cho đòi hỏi liền mạch, lý tính này.
Một cảnh trong vở kịch thử nghiệm “Giấc mơ”
Nhờ Bạch Long là một nghệ sĩ am hiểu cải lương tuồng cổ nên cách xử lý điệu bộ vừa đáp ứng được tính ước lệ, vừa là nét sáng tạo riêng của vở này. Trong bối cảnh đó, câu ca tài tử của Trung Dũng tuy không mượt mà, nhưng vẫn là điểm nhấn thú vị.
Nhìn tổng thể, Thái Kim Tùng và ê-kíp của mình tương đối thành công trong việc tái dựng không khí vừa ước lệ vừa trữ tình, vừa huyền thoại vừa triết lý trong kịch bản gốc. Đây là vở kịch để cảm, để ngẫm hơn là để xem theo kiểu giải trí, vì vậy mà việc dàn dựng trở thành một “giấc mơ” lạ lẫm giữa làng kịch giải trí đang nhạt nhẽo như hiện nay.
Hai điều còn bỏ sót
Tuy chất thơ trong Giấc mơ chưa toát lên hết thần thái thơ của chính Nguyễn Đình Thi, nhưng đây vẫn là kịch bản thơ tự do, nên phải tiếp cận, theo đuổi nó ở tư duy thơ. Rất tiếc, Thái Kim Tùng và ê-kíp mải lo trau chuốt câu chuyện, thông điệp mà hơi xem nhẹ chất thơ. Không có nghệ sĩ nào chú ý đến đài từ sân khấu ở khía cạnh thơ, nên thoại theo lối thông thường, thiếu sự thanh thoát, bay bổng, cường điệu.
Việc chọn nhân vật để đối thoại đã bỏ qua mối tình tuyệt đẹp của Chử Đồng Tử và Tiên Dung, hình tượng truyền thuyết nội địa của Việt Nam, thật đáng tiếc. Trong khi 3 hình tượng còn lại, Tần Thủy Hoàng từ Trung Quốc cổ đại, Cleopatra từ Ai Cập cổ đại, còn thần chết với lưỡi hái và đồng hồ cát là hình tượng của Tây phương. Nếu nhìn khắt khe, có thể nói đây là vọng ngoại, còn nhìn khác đi, nghĩa là thiếu sự cân đối cần thiết giữa trong và ngoài, giữa Đông và Tây.
Chử Đồng Tử và Tiên Dung có mối tình đẹp vĩnh cửu, quyền lực và sự tự do vô hạn, vậy mà họ cũng chết, thì anh chàng bộ đội kia, nếu chết, cũng bình thường thôi. Nguyễn Đình Thi cho thần chết của Tây phương đến bắt Chử Đồng Tử và Tiên Dung là một cái nhìn cởi mở, giao thoa văn hóa - tâm linh, với ý nghĩa thế giới đại đồng. Thái Kim Tùng bỏ qua hình tượng này quả là đáng tiếc, vô tình biến Nguyễn Đình Thi thành một nhà viết kịch Tây phương.
Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 - 2016 sẽ diễn ra từ 13 đến 19/11/2016 tại Hà Nội. Đến nay, đã có 22 quốc gia với 39 vở diễn đăng ký tham dự, trong đó có vở Giấc mơ. Hy vọng Thái Kim Tùng và ê-kíp sẽ kịp gia cố, điều chỉnh để vở này có thể giới thiệu được tầm vóc và tầm nhìn của Nguyễn Đình Thi. |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất