Vấn đề & Sự kiện: Lối chơi Việt Nam

18/09/2010 11:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - “Tiqui-taca” hay “màu sắc quỷ đỏ M.U” đó là những cụm từ mà báo chí miêu tả về lối chơi của ĐTVN ở những buổi tập gần đây. Cái hay, đương nhiên phải học, nhưng tất cả những khái niệm mang tính trừu tượng ấy, không mang nhiều tính tương đồng so với trình độ và thể trạng của con người VN.

Trong buổi thị sát ĐT Olympic VN, HLV Calisto đã rất thẳng thắn về tính thống nhất của lối chơi “made in VN”. Vậy lối chơi VN theo lời HLV Calisto ở đây có nghĩa là gì?

Là phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh?

Trong rất nhiều cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, HLV Calisto luôn khẳng định rằng, bóng đá đơn giản lắm. Nó tựa như bàn tay vậy. Khi phòng thủ, bàn tay phải nắm thật chặt, không có một kẽ hở; còn khi tổ chức tấn công nhanh, bàn tay sẽ bung thật mạnh, dứt khoát và duỗi thẳng. Triết lý bóng đá của HLV Calisto là như thế và ĐTVN đã thành công, với các chiến thắng trước Singapore và Thái Lan ở AFF Suzuki Cup 2008.
ĐTVN đang hướng tới việc xây dựng một lối chơi mang
bản sắc đặc trưng Việt Nam. Ảnh: VSI
“Phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh”, đó là hiệu lệnh và là tiêu chí của Henrique Calisto. Ông Calisto vì thế không chấp nhận luận điệu “phòng ngự chặt, phản công nhanh” (nguyên bản “counter-attack”), dù nó cũng na ná nhau, về mặt phương án đánh. Ý của thuyền trưởng người Bồ, không quá khó hiểu. HLV Calisto dùng từ “tổ chức”, thay vì “phản công”, nó có nghĩa rằng ĐTVN chơi thế là có chủ ý, chứ không phải chờ thời.

Thực tế, ĐTVN ở AFF Suzuki Cup 2008 đã đảm bảo được tiêu chí ấy. Chúng ta kết liễu người Sing bằng một pha bóng rất đúng kịch bản. Quang Hải là người khởi đầu miếng đánh tam giác (khi ĐTVN đoạt được bóng) và cũng là người kết thúc. Rất nhanh và gọn! Đến trận chung kết gặp Thái, dù bị ép phần lớn thời gian thi đấu của hiệp 1, nhưng ĐTVN vẫn có 2 bàn thắng rất mẫu mực và có tổ chức. 

Xu hướng của bóng đá chuyên nghiệp

Theo HLV Calisto, phần lớn những nền bóng đá phát triển, các ĐTQG (từ tuyến trẻ cho đến ĐTQG) đều giữ một lối chơi đồng nhất, mang tính bản lề. Nó được xây dựng rất quy củ, từ những phác thảo của thuyền trưởng ĐTQG, vai trò mà ông Calisto đã ví như “CEO” (người điều phôi của doanh nghiệp vậy. HLV Calisto khẳng định, nếu muốn trở thành một cường quốc bóng đá châu lục, VN bắt buộc phải theo lộ trình ấy.

Lấy ví dụ, HLV Calisto đề cập trực tiếp đến giáo án của Olympic VN và ĐTVN vào thời điểm hiện tại. Theo đó, HLV Phan Thanh Hùng (quyền HLV trưởng Olympic VN) sẽ phải thực thi giáo án theo đề nghị của ông Calisto. Chúng ta sẽ tiến đến sự thống nhất về mặt lối chơi, mang bản sắc rất riêng. HLV Calisto cũng khẳng định, nó không chỉ áp dụng với ĐTVN và Olympic VN, mà còn cả các tuyến trẻ.

Có thể cảm nhận, sơ đồ (4 – 4 – 2 hay 4 – 5 – 1 biến thể) chỉ là lý thuyết. Chiến thuật hay phương án đánh trận còn tùy thuộc vào từng đối thủ, tùy vào diễn biến trận đấu. Ở đó, HLV trưởng sẽ có những điều chỉnh hợp lý. Nhưng khi chúng ta muốn hướng tới thứ gọi là bản sắc, giống như “tiqui-taca” của người Tây Ban Nha, hay “lật cánh đánh đầu” ở xứ sương mù, hoặc nữa là “catenaccio” ở Italia, thì phải rèn giũa đàng hoàng.

Điệp khúc quen thuộc trên môi HLV Calisto luôn là “fighting” (chiến đấu), “move” (di chuyển), “pass” (chuyền bóng, chuyển hướng)… Trong bóng đá, nó có nghĩa là “pressing” (tức chiến đấu trên toàn mặt sân, cả khi có bóng và mất bóng). Nhưng, thể trạng (và cả thể lực) của người VN đôi khi không cho phép chúng ta thực thi tiêu chí ấy.


Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm