ĐT Việt Nam: Điểm nóng!

13/12/2010 13:45 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Ccuối tuần) - Ông Calisto cùng các học trò của mình luôn có những câu chuyện cổ tích thật thú vị. Năm nay thầy trò ông rơi vào một bảng mà ai cũng nói phải vào bán kết vì ngoài ta và Singapore thì Myanmar và Philippines đều không phải là đối thủ lớn. Thế mà chính trận hụt chân trước Philippines khiến cả làng phải hồi hộp một phen muốn vỡ tim sau 96 phút dồn nén, lo âu, sợ hãi… rồi òa lên sung sướng khi tiếng còi kết thúc trận gặp Singapore vang lên.

Kịch tính, hồi hộp, lo sợ, hạnh phúc… thế mới là bóng đá. Nó cũng hệt như người Singapore không tin mình bị loại cùng với người Thái (hai ông kẹ có đến 3 lần vô địch ở giải này).

Sau một phen lo lắng lên ruột khi phải đợi đến phút chót mới vào bán kết sau một trận đấu lăn xả và có đến 33 phút thi đấu trong thế 10 chống 11, bây giờ mới là lúc tạm dừng những vui sướng, phấn kích sau “thành tích” loại Sing vào bán kết. Lúc mà những người tỉnh táo cần nhìn vào nhà vô địch một cách công bằng và thẳng thắn.


Nếu hỏi rằng đâu là vị trí “nóng” ở đội tuyển thì góc nhìn của tôi là vị trí của Như Thành. Vị trí mà hai năm trước ông Calisto được nhờ rất nhiều bởi sự chững chạc và khả năng chỉ huy hàng phòng ngự của một trung vệ mà ông kiên trì chờ đợi cho hết chấn thương để điền vào danh sách những trụ cột ra sân đá đủ các trận.



Như Thành (áo trắng), tại AFF Cup 2010, vẫn chưa chơi đúng với đẳng cấp của mình

Phải thừa nhận Thành là trung vệ số 1 Việt Nam nhưng cũng chính cái số 1 ấy nhiều lúc lại làm đồng đội lên ruột. Vị trí nóng ấy ở đội tuyển ông Calisto luôn đặt sẵn một chỗ cho cầu thủ này bất chấp có sự trở lại của Huy Hoàng hay Minh Đức trở về từ Olympic.

Thành, bại của đội tuyển ở vòng loại vừa qua có sự góp công rất nhiều của Như Thành. Khi Thành “tỉnh”, toàn đội thi đấu rất nhịp nhàng và yên tâm tấn công, yên tâm thực hiện đấu pháp. Khi Thành “yếu”, toàn đội gặp rất nhiều trở ngại cho dù công nhiều, ép sân nhiều nhưng rất dễ chết vì banh phản.


Đã có nhiều người đặt ra vì sao banh phản lại luôn có dấu chân Thành ở điểm nóng. Điểm lại ba bàn thua ở vòng loại của đội tuyển thì cả ba đều liên quan đến điểm nóng. Bàn thua Myanmar vì sự can thiệp quá chậm trong thế đỏ (màu áo đội Việt Nam) nhiều hơn trắng; hai bàn thua Philippines thì cũng là sự can thiệp chậm và cách chọn vị trí cùng đường chuyền thẳng vào chân bạn khi cả đội đang hụt hơi lo gỡ điểm.


Câu chuyện cổ tích của ông Calisto chưa dừng lại nhưng ở vị trí nóng của đội tuyển đã có những câu chuyện mà phân tích về chuyên môn thì lại nhớ đến chuyện của ông Riedl ôm đầu hồi JVC Cup cũng ở cái sân Mỹ Đình.


Ông Calisto vẫn tin dùng Thành bên Phước Tứ vì ông nghĩ có sự bổ sung cho nhau của hai con người, hai cá tính và hai cách sống ngoài đời hay ông không thể làm khác được?


Xem trận thắng để đời trước Singapore, cứ nhìn các học trò ông Calisto, nhìn những vị trí tiền vệ có nhiệm vụ phòng ngự chạy thục mạng khi mất bóng về vùng cấm để làm vệ tinh cho vị trí nóng lại thấy thương cho nhiều vị trí ở đội tuyển. Như Tài Em đã sang tuổi “băm” vẫn phải rượt đuổi và “lấp lỗ” hay Trọng Hoàng có lúc tình nguyện làm máy quét để bóng hạn chế về điểm nóng.


Một điểm nóng trong đội hình của ông Calisto có thể làm nên nhà vô địch khi mà cuộc chơi này những “ông kẹ” đều đã rơi đài?


Cái khó của đội tuyển Việt Nam giờ là làm sao để nóng khi đá với kèo dưới mà không bận tâm đến điểm nóng.


TRÍ DŨNG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm